Từ rạp chiếu bóng tới vỉa hè, ngài đại sứ và bà bán hàng rong

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/03/2017 06:28

Xứ Việt mình trở nên kỳ ảo khi các “siêu sao” ở Hollywood - “kinh đô” điện ảnh Mỹ, đặt chân đến. Các bà nông dân ở Ninh Bình, Quảng Bình... cũng lao xao “tám” về câu chuyện phim có con khỉ to lớn bước một bước qua các đỉnh núi từ Vịnh Hạ Long tới Tràng An, vào Phong Nha - Kẻ Bàng... Thì ra đấy là phim “Đảo đầu lâu” (Kong: Skull Island).

Được công chiếu rồi ra rạp, “Đảo đầu lâu” như quả “bom tấn” làm chấn động giới mê phim. Trong phim, bảy phần là cảnh quay những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam nhưng ba phần hư ảo là kỹ xảo điện ảnh. Ở đó, mang đến thông điệp về không gian sinh tồn của con người và tự nhiên, đừng mang bom đạn dội vào tự nhiên để hứng lấy sự cuồng nộ. Phim đầu tư tới 185 triệu USD mà nghe báo chí ước tính qua một tuần chiếu đã thu gần đủ vốn.

Ở mấy xứ “tỉnh lẻ”, phim chưa ra rạp nhưng cũng biết đôi điều nhờ các lời rao, giới thiệu (trailer). Và rồi đọc báo, thấy chính khách, nhà nghiên cứu, giới kinh doanh du lịch... lần lượt lên tiếng bình phẩm, đưa ra nhiều ý tưởng đề xuất cho du lịch Việt Nam “cất cánh”. Hàng loạt chương trình tour dự kiến thiết lập gắn với phim trường, qua đó quảng bá cảnh đẹp của xứ ta. Chuyện này lan ra vỉa hè, trà dư tửu hậu còn bàn luận dài dài. Trong khi đó, đạo diễn của phim là Jordan Vogt-Roberts trở thành ngài Đại sứ du lịch cho Việt Nam. Ngài đại sứ mới 34 tuổi, quá đẹp trai với bộ râu dài ba mươi tư phân, ấn tượng khi trở lại truyền đi những thông điệp về các dự án phim và thể hiện tình yêu đầy lãng mạn với nước Việt. Thật đúng là dịp may hiếm có! Trước đây, điện ảnh thế giới đã từng lấy bối cảnh ở ta làm phim trường (như phim Đông Dương, Người tình...) nhưng người mình không tinh nhạy bắt lấy cơ hội mà quảng bá cho du lịch như bây giờ.

Với ước vọng đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn thì loại phim “bom tấn” như “Kong: Skull Island” đã góp cho một múi cơ hội. Nhưng như nhiều người nói, Việt Nam còn biết bao cảnh đẹp cần đánh thức, và nhân bộ phim này mà nhắm đến quảng bá hình ảnh du lịch chứ không phải để... rao quảng cáo cho phim (mà xứ Việt đâu phải là cái “đảo đầu lâu” như cái tên phim). Còn nữa, ấy là làm du lịch thế nào cho ra hồn, cho chuyên nghiệp, cho ra bản sắc. Cái bản sắc như vẻ “hoang sơ không nơi nào có” mà dàn diễn viên nổi tiếng ở kinh đô điện ảnh Mỹ ngạc nhiên thích thú thốt lên.

Từ rạp chiếu bóng bước ra vỉa hè là từ nghệ thuật bước ra chuyện đời. Khi các rạp chật cứng, thì phe vé chực trên vỉa hè mua đi bán lại kiếm lời bộn. Trong rạp đang kể về không gian sinh tồn của vạn vật thì vỉa hè cũng đang nóng chuyện hàng rong - không gian sinh tồn của người nghèo. Các bà bán hàng rong từ Sài Gòn, Hà Nội, hay ở xứ Quảng là Hội An, Tam Kỳ cũng đang xôn xao vì chuyện dọn dẹp vỉa hè. Ai cũng thấy việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” là đúng nhưng sao mà rầm rộ như phong trào đang lên vậy? Bao năm, bao lần việc dọn dẹp này diễn đi diễn lại (cũng như phim về Kong cũng đa dạng cách biểu hiện cả thế kỷ qua). Người ta đang muốn giành lại vỉa hè và loại bỏ hàng rong vì nó bị xem là một trong những thủ phạm làm mất mỹ quan đô thị, tác động tiêu cực đến giấc mơ “được giống Singapore”. Vỉa hè bị hàng rong chiếm, gây ùn tắc giao thông trong đô thị, có thể là kẻ tiếp tay cho sự tồn tại của những loại thực phẩm, sản phẩm không đạt yêu cầu về vệ sinh, chất lượng.

Tuy vậy, dù muốn hay không thì nền “kinh tế vỉa hè” đã, đang và sẽ còn hiện diện ở xứ Việt. Bởi như một chuyên gia phân tích, bán hàng rong qua các vỉa hè là một “đặc trưng” của nền kinh tế nước ta. Một nền kinh tế còn kém phát triển, giao thông với sự thống trị của xe gắn máy hai bánh, hoạt động kinh tế ở các đô thị bám chặt mặt tiền, thì đương nhiên hàng rong cũng tồn tại vì nó thích hợp với bối cảnh ấy. Vỉa hè và hàng rong tạo sinh kế cho nhiều người thiếu vốn, thiếu tay nghề chuyên môn như chạy xe ôm, bán ăn sáng, bày hàng quà vặt, các loại nước uống... Xung quanh cái vỉa hè là một nền kinh tế phi chính thức, ắp đầy hơi thở đời sống dân nghèo. Kinh tế vỉa hè cũng giúp xã hội giải quyết bất ổn do lao động thất nghiệp vì dựa vào vỉa hè người dân có thể xoay xở buôn bán kinh doanh, “đắp đổi” qua ngày.
Và, vỉa hè, hình ảnh bà bán hàng rong còn ít nhiều mang dáng dấp văn hóa nữa.  Nếu bạn chưa tin điều đó thì hãy đọc lời bộc bạch của ngài Đại sứ du lịch Jordan Vogt-Roberts, rằng ông luôn muốn thử mọi món ăn nơi mình đặt chân tới, và “tôi thích mọi món ăn vỉa hè của Việt Nam, chứ không thích đến các nhà hàng nằm trong sách hướng dẫn du lịch”.

Phải chăng, cảnh hoành tráng trong phim, hay chật hẹp như vỉa hè, cũng đều là không gian cho “đất diễn”, cho du lịch, cho mưu cầu sự sống? Ngài đại sứ hay bà bán hàng rong đều cần chỗ để hít thở, đi chơi, ăn quà vặt, nhấm nháp dư vị của đời sống, chỉ tâm thế là khác nhau thôi.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ rạp chiếu bóng tới vỉa hè, ngài đại sứ và bà bán hàng rong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO