Từ sản xuất đến bàn ăn

ĐĂNG QUANG 01/08/2016 08:30

Câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận. Chính phủ và tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đặt ra cam kết hành động vì mục tiêu quản lý đảm bảo chất lượng thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng. Vậy, ở đây không bàn về chủ trương tầm vĩ mô nữa, chỉ đề cập việc triển khai ở các địa phương.

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg (ngày 9.5.2016) của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo đó, việc tuyên truyền, vận động sản xuất sạch, kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, hóa chất bảo vệ thực vật, ngăn ngừa sử dụng chất cấm gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh ngăn chặn sự thâm nhập của các loại hàng hóa thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã được giao cho từng tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan.
Điều đáng hoan nghênh là UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn đến người tiêu dùng. Một số huyện thị cũng đã vào cuộc xây dựng các mô hình thí điểm sản xuất, tiêu dùng sạch. Như Điện Bàn đã nghiên cứu để triển khai mô hình nông nghiệp đô thị, quy hoạch các vùng chuyên canh rau quả sạch. Duy Xuyên gợi mở hướng tiếp cận xây dựng khu chợ thực phẩm an toàn. Hay, như mới đây, Tam Kỳ đã triển khai  mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn “từ sản xuất đến bàn ăn”. Theo đó, Tam Kỳ đặt mục tiêu trong vòng 4 năm (2016 – 2020), sẽ triển khai thực hiện thí điểm 5 chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất, quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản và đến nơi tiêu dùng, gồm: (1) Chuỗi giá trị thịt gà với mắt xích trọng tâm là Tổ hợp tác nuôi gà ta thả vườn Mười Tín ở xã Tam Thăng; (2) Chuỗi giá trị thịt heo với mắt xích trọng tâm là trang trại Dương Văn Phú ở phường Trường Xuân; (3) Chuỗi giá trị rau củ quả thực phẩm với mắt xích trọng tâm là các vùng sản xuất rau củ quả tại phường Trường Xuân, phường Hòa Thuận, xã Tam Phú và xã Tam Thanh; (4) Chuỗi giá trị hoa cây cảnh với mắt xích trọng tâm là các hộ trồng hoa có kinh nghiệm ở Tam Kỳ; (5) Chuỗi giá trị nuôi tôm với mắt xích trọng tâm là vùng quy hoạch định hướng VietGAP xã Tam Phú. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình này hơn 8,3 tỷ đồng.

Có thể nói những tín hiệu trên cho thấy sự chuyển biến về nhận thức và hành động các cấp chính quyền trong phạm vi chức trách quản lý nhà nước, tuy chỉ mới là điều kiện cần. Để đảm bảo an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn còn phải hội đủ nhiều yếu tố khác nữa. Ví như, những kỹ năng sản xuất sạch hơn cần trang bị cho người trực tiếp làm ra nông sản; hay kể cả người tiêu dùng cũng phải có kỹ năng để nhận biết thực phẩm an toàn. Đối với người kinh doanh, ngoài việc có chế tài mạnh đủ làm cho họ sợ, còn phải xây dựng ý thức đạo đức, văn hóa, văn minh mới có thể ngăn ngừa chuyện tiêu thụ hàng kém chất lượng. Bởi bà bán thịt sẽ tìm cách tiêu thụ thứ ôi thiu để lấy lại vốn, chứ không muốn đem về nhà mình ăn hoặc đổ đi. Không thiếu các chuyến xe chở thịt thối cũng vì có chỗ chịu bán như vậy. Lòng heo, lòng bò dùng chất tẩy trắng cũng vì lợi nhuận cao...

Cái gọi là “chuỗi nông sản sạch” phải qua nhiều khâu và phải kiểm soát được. Nếu không, từ sản xuất đến bàn ăn còn vướng mắc vì đem qua chỗ bẩn, thậm chí vẫn để rớt vào chất độc, chất cấm.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ sản xuất đến bàn ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO