Ở một vùng đất xa xôi của Myanmar, những nghệ nhân hàng ngày bên khung cửi dệt nên một trong những thứ vải lụa đẹp và độc đáo nhất thế giới, từ tơ sen.
Dệt tơ sen tại vùng hồ Inle. Ảnh: shutterstock |
Có dịp đặt chân đến hồ Inle, bang Shan cách thủ đô Yangon chừng 600km về phía đông, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chiêm ngưỡng không chỉ vẻ đẹp sơn thủy hữu tình nơi đây mà còn thấy những thợ thủ công địa phương cần mẫn, đam mê dệt nên thứ vải lụa tinh tế từ tơ sen. Hồ nước ngọt Inle là nơi sinh sống của tộc người thiểu số Inthar với các nhà sàn trên mặt hồ. Quanh năm hoa sen rực rỡ và thơm ngát mặt hồ. Sen được trồng tại các vùng đầm lầy nhiều là thế nhưng người dân địa phương vẫn phải nhập thêm nguyên liệu này từ nơi khác mới đáp ứng nhu cầu.
Myint Thein Htun - ông chủ một trong cơ sở dệt lụa tơ sen nổi tiếng tại vùng Paw Khon của hồ Inle cho biết, nếu chỉ nhìn qua thì có vẻ như dệt lụa từ tơ sen rất đơn giản. Thế nhưng, để dệt nên một tấm vải cao cấp khoảng một mét vuông từ tơ sen đòi hỏi phải có 20.000 thân sen và người thợ thủ công lành nghề phải mất 40 ngày mới hoàn thành sản phẩm. Bởi vậy, đây là một trong những loại vải lụa đặc biệt, chất lượng tốt nhất với giá được bán rất cao. Ví như, tùy theo chất lượng của một chiếc khăn choàng dài một mét làm từ tơ sen mà giá bán từ hàng chục đến hàng trăm đô la Mỹ. Dù vậy, nhiều du khách đến đây không bỏ lỡ cơ hội để có được một sản phẩm thủ công truyền thống rất có giá trị này. Myint Thein Htun - trong một gia đình đã trải qua 4 thế hệ dệt tơ sen, cho biết tại cơ sở của ông, ngoài gian trưng bày sản phẩm còn có một không gian dành cho những phụ nữ địa phương đến học việc.
Tương truyền rằng dệt tơ sen có mặt tại Inle từ hơn 100 năm trước khi một thợ dệt lành nghề có tên là Sa Oa nhận thấy chất liệu từ những sợi tơ đẹp của hoa sen trên mặt hồ. Trong đạo Phật, hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết và bình yên của tâm hồn và Sa Oa dệt tơ sen thành một chiếc áo choàng cực kỳ tinh tế để tặng một vị trụ trì của một ngôi chùa mà bà tôn kính. Sa Oa làm việc ròng rã suốt năm trời để chiết xuất, dệt sợi và tặng phẩm đó như sự dâng hiến thiêng thiêng của tấm lòng sùng kính. Đến ngày nay, lụa tơ sen đã vượt ra ra ngoài mục đích truyền thống đó để đến với thế giới thời trang cao cấp xa hoa.
Pier Luigi Loro Piana - nhà thiết kế người Ý cùng anh trai của mình điều hành công ty may mặc cao cấp Loro Piana, cho biết họ bị mê hoặc bởi sự tinh xảo và quy trình sản xuất khéo léo của các nghệ nhân địa phương. Một trong những dòng sản phẩm gây chú ý của họ là áo khoác Loro Piana làm bằng tơ sen của hồ Inle, bán với giá 5.600USD một chiếc. Trên trang web giới thiệu sản phẩm, Loro Piana viết: “Vải trông tựa như vải lanh, nhưng có độ mịn mượt mà của sợi tơ sen thô”.
Theo ông Myint Thein Htun, để cho nguyên liệu có chất lượng tốt nhất, sợi tơ dài và chắc, sen được thu hoạch vào mùa mưa. Công đoạn chiết xuất hay xe sợi tơ sen phải được thực hiện trong 24 giờ sau khi hái nếu không cọng sen khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Sen trồng ở vùng nước sâu, cọng càng dài, cho sợi tơ càng chắc và chất lượng. Các nghệ nhân cao tuổi của vùng đều mong muốn thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy nghệ dệt tơ sen độc đáo, một nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng cũng tạo ra thu nhập cho người dân địa phương.
QUỐC HƯNG