Từ tấm lòng đến tấm lòng

23/10/2015 08:49

 Hưởng ứng Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Nam đã chung sức, đồng lòng chăm lo cho người nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Những tấm lòng đã được sẻ chia bằng nhiều việc làm cụ thể thiết thực, giúp nâng cao đời sống cho người nghèo, thực hiện an sinh xã hội… Đó cũng là nền tảng để người nghèo vững tin phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Lan tỏa cuộc vận động

Trong 15 năm qua, Mặt trận các cấp ở Quảng Nam đã triển khai khá hiệu quả Cuộc vận động (CVĐ) “Ngày vì người nghèo”, tạo nên phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết:

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Long:
“Cộng đồng xã hội hãy tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ vì người nghèo”

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đóng
góp của xã hội, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Quảng Nam đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 181 nghìn hộ nghèo và hàng nghìn hộ cận nghèo. Người dân ở 9 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo còn nhiều khó khăn trong cuộc sống cần được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội một cách mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn. Phát huy truyền thống đoàn kết nhân ái, thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Quảng Nam ở mọi miền Tổ quốc, kiều bào Quảng Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nước ngoài hãy tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, đóng góp Quỹ vì người nghèo các cấp và ủng hộ các chương trình an sinh xã hội, giúp đỡ cho hộ nghèo, vùng nghèo, nhất là vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên giảm nghèo bền vững.

CVĐ “Ngày vì người nghèo” ở Quảng Nam mang ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết, nhân ái, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực. Theo thống kê chưa đầy đủ, 15 năm qua, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ người nghèo tổng số tiền hơn 739 tỷ đồng. Qua đó, phối hợp hỗ trợ xây dựng 14.380 nhà ở cho hộ nghèo và hàng nghìn công trình, chương trình an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015 Quỹ vì người nghèo toàn tỉnh đã huy động được gần 30 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 380 căn nhà, giúp đỡ cho hơn 1.500 người nghèo. Việc huy động nguồn lực hỗ trợ không chỉ góp phần về vật chất mà còn mang lại niềm vui cho hàng nghìn người nghèo; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Kết quả đó đã được nhân dân ghi nhận, xã hội đánh giá cao.

Lấy sức dân lo cho dân

- PV:Ông có thể nói rõ hơn sức lan tỏa của CVĐ này trong xã hội?

- Ông Nguyễn Văn Long: Thông qua kênh Mặt trận và các tổ chức thành viên như Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN, Hội Nông dân…, CVĐ đã thực sự lan tỏa rộng khắp, huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân. Đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia đồng hành với Mặt trận, giúp đỡ người nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam đến nay còn khoảng 9% (năm 2014 còn 12,1%). Việc huy động nguồn lực không chỉ gói gọn trong địa bàn tỉnh mà còn có sự ủng hộ của các tỉnh bạn, người Quảng Nam xa quê... Từ nguồn Quỹ vì người nghèo, Mặt trận các cấp đã quan tâm, hỗ trợ cho người nghèo toàn tỉnh nói chung, đặc biệt là người nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến, vùng dân tộc thiểu số. Những vùng này trước đây có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng, do đó giúp đỡ người nghèo ở đây cũng là để đền ơn, trả nghĩa cho những đóng góp của họ vì hòa bình, độc lập hôm nay.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty Bia Sài Gòn tổ chức lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Ảnh: VINH ANH
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty Bia Sài Gòn tổ chức lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Ảnh: VINH ANH

- PV:Điểm nổi bật của CVĐ “Ngày vì người nghèo” là đã phát huy được tinh thần “dân tự giúp dân” ngay tại cộng đồng dân cư. Ông có chia sẻ gì về câu chuyện này?

- Ông Nguyễn Văn Long: Trước hết, phải khẳng định rằng câu chuyện này được viết nên từ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc ta. Phát huy truyền thống đó, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp đã huy động nguồn lực trong nhân dân, với phương châm “lấy sức dân lo cho dân”. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động nguồn lực trong nhân dân là rất quan trọng, cần thiết. Cũng chính việc huy động nguồn lực cho người nghèo đã góp phần tăng cường khối đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, từ đó xây dựng được cuộc sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội to lớn khi thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ sự đồng thuận đó, người dân tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu pháp lệnh về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở từng địa phương.

Hướng đến sự bền vững

- PV: Mặt trận đã có những thay đổi như thế nào trong cách vận động cũng như hỗ trợ người nghèo, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Long: Hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã cải tiến hình thức vận động, theo hướng Mặt trận chủ trì, phối hợp để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi tổ chức thành viên, đơn vị hay cá nhân nhận giúp đỡ các hộ thoát nghèo theo địa chỉ, số lượng cụ thể. Mặt trận sẽ làm cầu nối giữa nhà tài trợ với người nghèo. Từ đó nhà tài trợ sẽ chủ động thực hiện việc hỗ trợ đến đúng địa chỉ.

Hình thức hỗ trợ người nghèo cũng đa dạng, phong phú hơn nhiều. Nếu giai đoạn 2001 - 2003, Quỹ vì người nghèo các cấp triển khai việc trợ giúp cho hộ nghèo, người nghèo bằng nhiều hình thức có hoàn vốn và không hoàn vốn, thì đến giai đoạn 2004 - 2010 chuyển sang tập trung hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Từ 2009 - 2012, hầu hết địa phương thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo theo Quyết định 2216 của UBND tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, các địa phương chú trọng hỗ trợ tư liệu sản xuất cho hộ nghèo có lao động, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; trao học bổng cho học sinh nghèo…

- PV:Mặt trận sẽ làm gì để phát huy hiệu quả CVĐ, đặc biệt là phát huy tinh thần vươn lên thoát nghèo của người nghèo?

Mười lăm năm qua, CVĐ “Ngày vì người nghèo” có sự tham gia ủng hộ từ các nguồn lực với tổng số tiền hơn 739 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9.2015, “Quỹ vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ giải ngân để xây dựng mới 16.603 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 1.982 nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng 31.780 nhà tạm, hỗ trợ chữa bệnh cho 7.785 người, hỗ trợ học tập cho 8.901 em, trợ giúp sản xuất cho 1.088 hộ và trợ cấp thăm hỏi, khó khăn cho 118.430 hộ.

- Ông Nguyễn Văn Long: Người nghèo ai cũng muốn vươn lên thoát nghèo, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp mang tâm lý trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Để khuyến khích người nghèo vươn lên, Mặt trận sẽ vận động các nguồn lực trong xã hội tập trung hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, học phí cho con em hộ nghèo. Tức là hỗ trợ cho họ điều kiện để tổ chức sản xuất, nuôi con cái ăn học; chứ như trước đây giúp đỡ gạo hay cho người nghèo tiền là không hiệu quả. Thời gian gần đây, thông qua các diễn đàn đối thoại với hộ nghèo ở khu dân cư, hay cấp xã, huyện, nhiều hộ nghèo bày tỏ mong muốn được hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất, phương tiện sinh kế để thoát nghèo. Nhiều mô hình vận động “dân giúp dân” khá phong phú ở địa bàn dân cư đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên.

Thời gian đến, Mặt trận sẽ thực hiện CVĐ mới, kết hợp cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” thành phong trào lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững”. Cuộc vận động này nhằm phục vụ 2 chương trình mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thông qua CVĐ đó, Mặt trận sẽ huy động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo theo tầm quy mô hơn, và theo hướng “Mặt trận đồng hành với tổ chức thành viên, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để đầu tư có địa chỉ”. Mặt trận chỉ làm cầu nối còn nhà tài trợ sẽ chủ động lựa chọn hộ nghèo, địa bàn đầu tư, phương thức đầu tư.

VINH ANH - PHƯƠNG GIANG (thực hiện)

Động lực thoát nghèo

Từ nguồn Quỹ vì người nghèo, nhiều gia đình đã được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, tìm được sinh kế để thoát nghèo. Sự hỗ trợ đó càng ý nghĩa hơn khi có sự nỗ lực chung tay của cộng đồng.

Đồng hành

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Nguyễn Hữu Quang (thôn 2, xã Trà Tân, Bắc Trà My) dường như vẫn chưa quên những cơ cực của gia đình mình ngày tháng cũ. Trước đây, đất sản xuất hạn hẹp, nhà cửa tạm bợ, lại phải nuôi 3 con ăn học, gia đình ông Quang rơi vào túng quẫn, khó khăn. Vợ chồng ông phải chật vật xoay xở để vừa có cái ăn, vừa lo cho con đến trường. Nhưng mọi tính toán đều rơi vào bế tắc khi vốn liếng đầu tư sản xuất vượt quá khả năng của một gia đình nghèo. Đến cuối năm 2012, từ Cuộc vận động “Vì người nghèo”, gia đình ông được Trường Mẫu giáo Trà Tân cấp 6 heo con làm sinh kế và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi. Chỉ chưa đầy 3 tháng, ông Quang xuất bán lứa đầu tiên, thu về tiền lãi gần 3 triệu đồng. Từ khởi đầu này, gia đình ông quyết tâm vươn lên, tiếp tục tái đàn, dần mở rộng quy mô chăn nuôi. Thế là từ chỗ chật vật lo cái ăn, cái mặc, gia đình ông Quang đã ổn định cuộc sống, duy trì đàn heo 10 - 12 con mỗi lứa. Được sự hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới, ông Quang nuôi và nhân giống đàn nhím, phát triển chuồng trại nuôi gà, trồng thêm hơn 1ha keo lai. Cộng với thu nhập từ công việc thời vụ, cuộc sống của gia đình ông dần dần cải thiện rõ rệt. Năm 2014, gia đình ông Quang được hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà đại đoàn kết từ nguồn Quỹ vì người nghèo. Căn nhà tạm bợ được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang, ước mơ thoát nghèo của người nông dân ở vùng cao Bắc Trà My thành hiện thực. “Chính sự đồng hành của chính quyền, của Trường Mẫu giáo Trà Tân đã giúp gia đình tôi quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, làm được nhà kiên cố, có điều kiện nuôi con cái ăn học. Nếu không có số con giống, thức ăn ban đầu ấy, chắc bây giờ gia đình tôi vẫn đang phải ở trong căn nhà tạm bợ, cuộc sống thiếu trước hụt sau” - ông Quang xúc động nói.

Với sự đồng hành của cộng đồng, anh Nguyễn Xuân ở xã Duy Vinh, Duy Xuyên (bên phải) phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CÔNG ANH
Với sự đồng hành của cộng đồng, anh Nguyễn Xuân ở xã Duy Vinh, Duy Xuyên (bên phải) phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CÔNG ANH

Tương tự là tấm gương về nghị lực thoát nghèo của gia đình anh Nguyễn Xuân (tổ 18, thôn Đông Bình, Duy Vinh, Duy Xuyên). Ở nơi vẫn được mệnh danh là “ốc đảo” của vùng trũng Duy Vinh, quá khứ của anh Xuân là không ít lần làm ăn thất bại, cuộc sống nghèo khổ đeo bám lấy hai vợ chồng. Phải nuôi 6 miệng ăn, trong đó có mẹ già hơn 90 tuổi và 3 con trong tuổi ăn tuổi học, anh Vinh cùng vợ vất vả làm đủ nghề, từ thợ hồ, chạy chợ, phụ chăm sóc hồ tôm… nhưng vẫn không thay đổi được cảnh chạy ăn từng bữa. Căn nhà cũ tạm bợ cứ xơ xác dần qua từng mùa lũ, cuộc sống chồng chất những nỗi lo. Trong vòng luẩn quẩn đói nghèo ấy, sự hỗ trợ của Quỹ vì người nghèo xã Duy Vinh như cánh tay kéo anh ra khỏi vũng lầy. Từ 10 triệu đồng tiền mặt, cùng với heo giống và tiền vay của ngân hàng chính sách xã hội, vợ chồng anh đầu tư chuồng trại, nuôi heo, bò và tái canh tác, chăm sóc 1,5 sào đất trồng lác dệt chiếu. “Năng nhặt chặt bị”, đàn heo giống, bò giống bắt đầu đẻ những lứa đầu, giúp anh chị có chút vốn liếng để tiếp tục phát triển sản xuất. Năm 2013, căn nhà đại đoàn kết của gia đình anh được khởi công xây dựng nhờ số tiền tích lũy và 30 triệu đồng hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Xóa nhà tạm, gia đình anh xóa nỗi lo ngập lũ vào mùa mưa. Anh Xuân chia sẻ: “Bây giờ có nhà cửa ổn định, có con heo, con bò để làm vốn, vợ chồng cũng cố gắng tích lũy kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống khá hơn rất nhiều. Vợ chồng tôi đã có thể lo cho mẹ già, cho con ăn học, nên quyết tâm đăng ký thoát nghèo, vươn lên làm ăn”.

Đòn bẩy từ cộng đồng

Xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ nghèo ở địa phương, bám sát nhu cầu sản xuất và tìm hướng hỗ trợ gắn với thực tiễn đã giúp cho nguồn Quỹ vì người nghèo thực sự phát huy hiệu quả. Từ cơ sở, chính quyền xã đã tìm đến lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những hộ nghèo, gặp gỡ đối thoại để từ đó vận dụng hiệu quả nhất nguồn hỗ trợ. Ông Võ Đức Tình - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Duy Vinh chia sẻ: “Từ nguồn quỹ huy động được tại địa phương, chúng tôi tìm đến các gia đình nghèo để nắm xem họ thực sự cần gì, mong muốn hỗ trợ gì. Trên cơ sở thực tiễn sản xuất, chúng tôi sẽ hỗ trợ con giống, hỗ trợ sinh kế phù hợp với nguyện vọng của các hộ nghèo, đồng thời giám sát, tư vấn để nguồn hỗ trợ đạt được hiệu quả cao nhất. Chính vì thế không chỉ giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững thật sự, chúng tôi còn thu hút được sự ủng hộ của bà con làng xóm, giúp việc vận động xây dựng quỹ trở nên thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu”.

Tỷ lệ hộ nghèo được hỗ trợ và thoát nghèo thành công nhờ nguồn Quỹ vì người nghèo thời gian qua là minh chứng thiết thực nhất cho hiệu quả của cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đó chính là đòn bẩy giúp người nghèo tìm ra sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Họ cũng sẽ trở thành một thành viên tích cực tham gia xây dựng Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ cho các gia đình khác trong cộng đồng, tiến tới xóa nghèo tại địa phương. Ông Trần Công Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên nói: “Chúng tôi đã tổ chức diễn đàn đối thoại với hộ nghèo tại 14/14 xã, từ đó nghe và hiểu mỗi gia đình cần hỗ trợ phương tiện gì. Đồng thời ngay tại buổi đối thoại, dựa trên nguồn lực vận động được tại chỗ, Mặt trận xã sẽ tính toán để trao ngay phương tiện sản xuất, con giống, sinh kế, củng cố niềm tin, quyết tâm thoát nghèo cho những hộ này”. Đó cũng chính là cách làm của các địa phương, để nguồn Quỹ vì người nghèo thêm hiệu quả, để ý nghĩa của cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục lan tỏa, nhen nhóm khát vọng vươn lên cho các gia đình nghèo.

THÀNH CÔNG - VINH ANH

Vì an sinh xã hội

Nhiều năm qua, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Quảng Nam đã có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo ở các địa phương.

Theo báo cáo của Ngân hàng VietinBank Quảng Nam, tính từ năm 2009 đến tháng 9.2015, tổng số tiền tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội tại Quảng Nam hơn 125 tỷ đồng với 55 công trình được đầu tư xây dựng. Bà Bùi Thị Xuân Lan - Giám đốc VietinBank Quảng Nam cho biết, những mục tiêu lớn trong công tác an sinh xã hội mà VietinBank tập trung là hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục (chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học), phát triển y tế cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa… Tất cả mục tiêu đó đều nhằm vào việc giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Hưởng ứng Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, VietinBank Quảng Nam đã hỗ trợ xây dựng 357 nhà đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 12,4 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank còn tổ chức cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng; tài trợ xây dựng 19 công trình trường học và 9 công trình y tế với gần 73 tỷ đồng; đầu tư hơn 33 tỷ đồng cho việc xây dựng, tôn tạo nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ; tài trợ hơn 7,2 tỷ đồng xây dựng 5 công trình trung tâm cho trẻ mồ côi, người tâm thần.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn (bên trái) tiếp nhận tấm biểu trưng ủng hộ 1.000 tấn gạo cho đồng bào lũ lụt từ đại diện VietinBank.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn (bên trái) tiếp nhận tấm biểu trưng ủng hộ 1.000 tấn gạo cho đồng bào lũ lụt từ đại diện VietinBank.

Bà Lan nói: “VietinBank từ trước đến nay luôn đặt công tác an sinh xã hội bên cạnh hoạt động phát triển kinh doanh của đơn vị. Truyền thống đó đã được toàn thể cán bộ, nhân viên trong cả hệ thống nắm rõ và tích cực hưởng ứng. Tại Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện tự nhiên… Đặc biệt, Quảng Nam là vùng đất cách mạng, có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công. Những năm qua, VietinBank Quảng Nam đã thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp để đồng hành, hỗ trợ cho người nghèo trong tỉnh những công trình an sinh xã hội đầy tính nhân văn, thiết thực”. Được biết, để đồng hành, mỗi cán bộ, nhân viên toàn hệ thống VietinBank đóng góp 4 ngày lương/năm để ủng hộ cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Tại chi nhánh Quảng Nam, cán bộ, nhân viên VietinBank còn thường xuyên ủng hộ các đợt vận động của Công đoàn, Đoàn thanh niên để thực hiện những chương trình xã hội hướng về người nghèo, học sinh nghèo, như: nhận trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa; chương trình “Áo trắng đến trường” cho học sinh xã Trà Nam (Nam Trà My)... Năm 2015, thông qua cầu nối và sự kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện Đông Giang, Tây Giang và thị xã Điện Bàn, VietinBank Quảng Nam đang triển khai xây dựng 60 nhà đại đoàn kết chia đều cho 3 địa phương, với tổng kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng. Bà Lan cho biết: “Trong thời gian qua, để các chương trình an sinh xã hội do VietinBank thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, vai trò của Mặt trận các cấp là rất quan trọng. Bởi thông qua họ, chúng tôi biết được chỗ nào còn khó khăn, người nào thực sự cần hỗ trợ, qua đó góp phần nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của chương trình”.

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ tấm lòng đến tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO