Khi những bức ảnh về các đoàn từ thiện cứu trợ bão lũ còn tràn ngập trên facebook, bạn sẵn sàng trích một phần trong thu nhập của mình để giúp những người nghèo bị ảnh hưởng. Thế rồi mùa bão lũ sang năm, sang năm nữa, vẫn những ngôi nhà ngập sâu, người già trẻ em đói lạnh trong nước lũ… Bạn sẽ làm gì?
1. Khi nghĩ về người nghèo, bạn nhớ đến hình ảnh nào? Nếu bạn nghĩ ngay đến những thân thể đen đúa hốc hác, những trẻ em giơ xương hoặc trần truồng giữa mùa đông giá lạnh, bạn đã quen với “poverty porn” - “kích dục lòng thương hại”. Đây là một từ xuất phát từ tiếng Anh, nhưng dịch như thế cũng không có gì là thô thiển, bởi thật ra lòng thương hại nhiều khi cũng là một thứ dục vọng của con người. Nhớ từ năm học lớp 10 tôi đã nhìn thấy hình ảnh em bé châu Phi với bộ xương sườn nổi rõ đang ngửa tay xin thức ăn trên một poster của UNICEF. Khái niệm “kích dục lòng thương hại” lần đầu tiên được nhắc đến là vào những năm 80, thời kỳ hoàng kim của các chiến dịch từ thiện. Từ thiện trong giai đoạn này khai thác tối đa hình ảnh trẻ em bị suy dinh dưỡng để truyền thông. Những năm gần đây, hình ảnh trẻ em Tây Bắc phong phanh chân đất nhếch nhác cũng được sử dụng tương tự trong những chương trình kêu gọi từ thiện cho vùng núi.
Tại sao các nước phát triển coi truyền thông kích dục lòng thương hại là độc hại? Giống như phim khiêu dâm, kích dục lòng thương hại thỏa mãn người xem. Nó ghi chép lại hình ảnh con người trong những khoảnh khắc dễ bị tổn thương, riêng tư và sâu sắc. Một cụ ông khắc khổ bàn tay da bọc xương cầm mì tôm sống đưa lên miệng nhai, một cụ bà run rẩy cầm phong bì tiền cứu trợ hai chân bết bùn chỉ còn một chiếc dép... Sản phẩm truyền thông loại này cho thấy hình ảnh người nghèo ở khía cạnh dễ tổn thương nhất, và đương nhiên, ở chừng mực nào đó, sỉ nhục họ, để đánh vào lòng thương hại của người xem. Chính vì vậy, từ thiện dựa trên kích dục lòng thương hại tạo ra sự phân biệt giữa người xem và chủ thể. Họ là nạn nhân, còn người xem là những vị cứu tinh. Và quan trọng nhất, kiểu từ thiện kích dục lòng thương hại đơn giản hóa đói nghèo và các vấn đề phức tạp của đói nghèo. Nó dựng lên một ảo tưởng rằng chúng ta có thể chống lại đói nghèo mà không cần thay đổi cấu trúc, thay đổi chính sách, thay đổi sự vận hành của xã hội. Nếu thỏa mãn lương tâm khi bỏ tiền ra giúp một hoàn cảnh nào đó, chúng ta có thể tiếp tục bị thôi thúc phải tìm hiểu về những nguyên nhân gây ra vấn đề như bất bình đẳng trong đầu tư công, nạn phá rừng làm thủy điện hay bất bình đẳng cơ hội để tìm cách giải quyết vấn đề tận gốc không?
2. Tôi vừa xem bộ phim tài liệu “Những ngón tay nhanh nhẹn” (Nimble fingers) của đạo diễn người Ý Parsifan Reparato kể về cuộc sống của những cô gái người Mường trong những gia đình nghèo vùng núi phía Bắc đến Hà Nội để làm công nhân. Trong 50 phút, bộ phim đã chỉ ra cho khán giả phương Tây thấy đằng sau mỗi chiếc máy ảnh Canon, đằng sau mỗi chiếc Iphone sành điệu mà người dân ở các nước giàu cầm trên tay, chính là những số phận con người có ước mơ, có yêu thương, có khát vọng nhưng đã phải tự chôn vùi vì mưu sinh trong điều kiện lao động khắc nghiệt để kiếm đồng lương tối thiểu. Trong thời toàn cầu hóa, hệ thống thương mại toàn cầu được thiết lập để phục vụ lợi ích của những người giàu có. Các tập đoàn đa quốc gia khai thác lao động giá rẻ ở những nước thuộc thế giới thứ ba và dồn lợi nhuận vào các thiên đường thuế nước ngoài để tránh phải trả món nợ đối với những nhân công giá bèo. Bộ phim thức tỉnh những người tiêu thụ sản phẩm của các tập đoàn này ở các nước giàu, giải thích cách các nước giàu đồng lõa với đói nghèo trên toàn cầu, và muốn giải quyết nạn nghèo đói thì đòi hỏi việc thực thi lẽ công bằng chứ không phải tiếp tục tiêu thụ những sản phẩm đó, đồng thời làm từ thiện kiểu thương hại.
Nhiều năm trước, ở Hội An, trên những chiếc bàn của một quán cà phê xuất hiện tấm biển nhỏ: “Mua hàng rong của trẻ em là bạn đang khuyến khích chúng bỏ học” - chủ quán là một người Canada. Khi chứng kiến khách du lịch mua bưu thiếp của trẻ em địa phương và số trẻ em bỏ học để đi bán hàng rong ngày càng nhiều thêm, anh đã đặt làm những tấm biển này để cảnh báo kiểu từ thiện kích dục lòng thương hại. Bởi khi chúng ta đem tiền giúp đỡ một hoàn cảnh ngặt nghèo, cảm giác tội lỗi và thương hại nhanh chóng lên đến đỉnh điểm và cũng sẽ nhanh chóng xẹp xuống vì lương tâm được vuốt ve, trong khi nếu muốn đi đến đích, chúng ta phải chiến đấu với đói nghèo bằng sự đồng cảm và tôn trọng.