Có nhiều người cho rằng xu hướng sống “thực dụng” của thị dân ở xứ ta là do tàn dư của lối sống cũ, lối sống “tư bản” hoặc do tàn dư của “lối sống kiểu Mỹ” ở miền Nam trước đây để lại.
Khất thực ở Savanakher. (Ảnh minh họa)Ảnh: HỨA THẠNH |
Đành rằng xét trên “lý thuyết” - dựa trên “quan điểm, lập trường” là vậy. Thế nhưng - theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - trong cuốn khảo cứu “Những chấn thương tâm lý hiện đại” (NXB Hội Nhà văn 2015) - thị dân ở những thành phố phía Bắc đâu có “ảnh hưởng” lối sống ấy lại sống ngày càng “thực dụng” thì lý giải ra sao?
1. Nhiều người cho rằng đó là “di chứng” của một thời kỳ “bao cấp”, sống theo “tem phiếu” quá dài, nay “bung” ra, người ta thấy sức mạnh của kim tiền, của sự “khôn lanh” đi trước, “tranh trước” thì “được trước” khá hiệu quả nên mạnh ai nấy “tranh”. Chưa bao giờ kiểu khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm “làng xã” (kinh nghiệm khôn vặt) - kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” phổ biến như bây giờ. Một người khách nước ngoài đã hỏi rằng người Việt các anh “đã mất hết tính kiên nhẫn rồi hay sao?”. Tham gia giao thông hễ thấy vắng cảnh sát giao thông thì người người tranh nhau vượt đèn đỏ, “cắt đầu” xe lớn, leo lên lề “đi tắt đón đầu” bóp còi inh ỏi, va chạm thì “đánh, chửi, phắn, vô tư bỏ đi”. Văn hóa xếp hàng “xưa rồi”, “quên đi”.
Chưa bao giờ sự nôn nóng luôn “sôi sùng sục” trong tâm thế thị dân như thời hiện tại. Câu slogan “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” xem ra đã được nâng thành “chuẩn giá trị” của lối ứng xử thực dụng. Lòng tốt, sự tử tế trở nên “quý hiếm”, người tốt được đưa vào “sách đỏ”. Báo chí ngày nào cũng đưa tin những vụ đâm chém nhau vì những va quẹt hết sức bình thường khi phải ra đường. Càng sửng sốt hơn khi báo đưa tin, ghi hình có những chiếc xe khách đi ngược chiều hàng chục cây số trên đường cao tốc. Ông bạn vốn say mê tôn giáo của tôi - gọi thời kỳ này - là thời “mạt pháp… luật”. Mà cao trào “bi kịch” đến sự kiện thuê người chặt chân tay giả tai nạn đường rầy để đòi bảo hiểm thì quá “kinh dị”, ngoài sức “tưởng tượng” dẫu là của một nhà văn - người chuyên “hư cấu”.
Khoan lý giải lối ứng xử thực dụng đến mức “vô cảm” từ đâu ra nhưng chắc chắn những ai quan tâm đến nó đều nghĩ đến môi trường giáo dục, điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần và môi trường văn hóa cộng đồng để hình thành nhân cách, lối suy nghĩ, lối sống của một con người. Người viết bài này nhớ lại mấy câu “nói chữ” khi đã ngà ngà say của mấy người già trong làng mình khi mình còn nhỏ - những câu nói của Nho gia - câu “nhân bất học bất tri lý” (người không học không biết lý lẽ, đúng sai), rồi “ấu bất học, lão hà vi?” (nhỏ không học, lớn/già biết làm chuyện/việc chi?). Mấy bậc cao niên “có chữ” hay phê phán “trách chi bọn rượu chè, xấu hay nói tốt, dốt hay nói chữ”. Lớn lên thấy mấy bác “hay nói chữ” ấy sống hết sức thiệt thà, nhân ái, không làm phiền một cành cây, lá cỏ và chắc là khi nói mấy câu ấy mấy bác tự răn mình hoặc cảm thương chính mình vì nghèo nên thất học.
Ngày nay chuyện học thì vẫn đúng “quy trình” như vậy nhưng khá thiên về “thực dụng”. Học để kiếm mảnh bằng, để làm một chức phận nào đó trong xã hội mà dường chẳng ai đặt trọng tâm vào việc làm người, vì thế học giả, bằng thật tràn lan.
Hồi tiểu học, khi dạy về câu chuyện hiếu nghĩa, thầy giáo làng đã kể rằng: “Người dân ở một hòn đảo bên Nhật có một tục lệ hết sức khắc nghiệt là - khi cha mẹ đã già, con cái bịt mắt cha mẹ rồi đem bỏ trong núi sâu, rừng thẳm không biết lối về để họ tự chết. Một người cháu nội khi tình cờ thấy cha mình cõng ông nội vô núi bèn đi theo. Khi cha cậu bé bỏ ông ở lại rừng, sắp ra về, cậu bé nói “cha ơi, rồi một ngày con cũng sẽ bỏ cha như cha bỏ ông như vậy”. Cả ba cùng khóc, cõng nhau về. Từ đó tập tục trên chấm dứt”.
2. Một phố cổ tương đồng nhiều mặt với đô thị cổ Hội An - phố cổ Luang Prabang của nước bạn Lào - trong cuộc bình chọn của tạp chí du lịch Mỹ “Travel & Leisure” đầu năm 2016, Luang Prabang chiếm vị trí số một trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (trong đó có Hội An). Xem ra ngoài tài nguyên du lịch với hơn sáu trăm nhà cổ, các di tích kiến trúc cổ - vì Luang Prabang vốn là kinh đô cổ như hoàng cung, các ngôi chùa cổ… nên hấp dẫn khách du lịch. Thiên nhiên Luang Prabang tươi đẹp với những núi cao, hang động nằm bên dòng Mê Kông, núi Phousi, thác nước Khoangsi, chợ đêm cố đô… Người Luang Prabang với hơn 80% theo Phật giáo Tiểu thừa, là những người biết lợi ích của “sống chậm”, sống hài hòa giữa thiên nhiên cây lá, sống hòa hợp với cộng đồng. Ấn tượng Luang Prabang là đoàn sư khất thực dọc đường phố vào mỗi buổi sáng sớm, người dân mua thực phẩm của các gánh hàng để cúng dường. Càng vui hơn khi anh bạn làm trong ngành du lịch địa phương nói - hầu hết gánh hàng rong - chủ nhân của nó đều được chính quyền cấp thẻ hành nghề với các tiêu chí ràng buộc chặt chẽ như văn hóa buôn bán, thái độ ứng xử văn minh, quy định về an toàn thực phẩm, về giá cả. Ra đường, xe cộ ở Luang prabang đi có nhanh thì cũng có cảm giác khoan thai, nhẹ nhàng và dường không có chuyện rú ga, bóp còi inh tai nhức óc như ở xứ ta. Ở đây ra đường nếu có va quệt thì cả đôi bên đều dừng lại xin lỗi hoặc thỏa thuận việc “đền bù”, dường như ở cố đô ít thấy cảnh sát giao thông hay trật tự - dấu hiệu của an toàn, tự tin.
Ngồi bên Mê kông cuộn chảy, ngẫm ngợi câu nói của ông thầy Trần Quốc Vượng “tôn giáo và/ là văn hóa” thật sâu sắc.
Thiên hạ ở các đô thị đang lên cơn sốt với trò chơi Pokemon Go - một trò chơi mượn thực địa có thật để bắt con thú ảo. Đã có nhiều người say như điếu đổ, nửa đêm vào công viên, lang thang trên phố để bắt Pokemon gây tai nạn (vì đang trên xe máy), mất xe (vì dựng xe rồi mải mê không giữ). Ông bạn tôi lại ngửa mặt lên trời mà rằng “hết thực dụng rồi tới thực tế ảo”, bao giờ mới được sống an nhiên, thanh thản, hòa hợp với môi trường, thiên nhiên và xã hội(?).
PHÙNG TẤN ĐÔNG