Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, liên quan đến mọi tầng lớp trong xã hội. Ông bà ta đã đúc kết “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ thâm thù”. Ngày nay dù điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển nhưng “điền thổ” vẫn là tài sản sống còn của nông dân.Nhìn ở góc độ nông nghiệp - nông dân, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân để phát triển đất nước; bảo vệ lợi ích trên thực tế của nông dân là các nhóm yếm thế trong xã hội, thúc đẩy tăng năng suất lao động nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho cư dân miền núi sống dựa vào rừng...Dù đã qua hội thảo, góp ý, nhưng nhiều nội dung nổi cộm liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có nhiều đổi mới; một số nội dung mới được mong đợi như tập trung, tích tụ ruộng đất, điều chỉnh lại đất đai còn thiếu nghiên cứu thực tiễn, nội dung hời hợt và chưa có tính đột phá. Vì vậy, có thể bổ sung một số nội dung cụ thể xuất phát từ thực tiễn liên quan đến nông nghiệp, nông dân.
BÀI 1: NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG, CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH VÀ THU HỒI ĐẤT
Tại khoản 6 Điều 176 đã quy định “Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa…” được hiểu là cây hàng năm. Nhưng để tránh các văn bản dưới luật diễn giải, bổ sung thêm như “Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã…” (Nghị định 35/2015/NĐ-CP) là không cần thiết và bất khả thi.
Vì thế, quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 121 “Chuyển đất trồng lúa… sang các loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp”; đề nghị bổ sung nội dung “ngoại trừ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây hàng năm trên đất trồng lúa”.
Việc xây dựng nhà kính/ nhà lưới là cần thiết, nhất là các vùng có điều kiện sản xuất bất thuận, nhưng nếu tỷ lệ che phủ đất quá cao khi mật độ nhà kính dày đặc, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Đề nghị bổ sung thêm một điều (có thể liền sau Điều 177) để quy định rõ các yêu cầu về tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mật độ xây dựng, quy định sử dụng vật liệu tiền chế với nhà kính kiên cố để khi tháo dỡ không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng đối với nhà kính kiên cố (không thực hiện với nhà kính tạm bợ giản đơn).
Yêu cầu quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt với rừng đặc dụng, được đặt ra xuyên suốt từ nhiều năm qua nhưng rừng vẫn mất vì nạn phá rừng trái phép, chưa kể diện tích rừng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thực tiễn cho thấy nếu chỉ dựa vào lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp là kiểm lâm và các ban quản lý rừng, thì dù có tăng thêm biên chế cũng không thể ngăn chặn được nạn phá rừng do lâm tặc.
Những năm gần đây, chủ trương trồng dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng không những là điểm sáng về sinh kế của cư dân miền núi sống dựa vào rừng, mà còn là giải pháp để họ cùng lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vấn đề là có quy định cụ thể và giám sát quản lý chặt chẽ để việc gây trồng dược liệu dưới tán không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng đặc dụng.
Riêng Quảng Nam và Kon Tum đang sở hữu sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu quý, nhờ được bảo tồn và phát triển, đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Sâm Ngọc Linh đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu.
Tiềm năng này sẽ không được phát huy tốt lợi thế nếu chỉ dừng lại ở mức sản xuất nhỏ lẻ, bán sản phẩm thô, mà cần sự tham gia của doanh nghiệp trồng và chế biến để phát triển thành chuỗi ngành hàng có thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế.
Luật đã cho phép du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; đề nghị bổ sung nội dung cho phép bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu bản địa tại chỗ (không dẫn nhập các loài từ nơi khác) dưới tán trong khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng. Giao Chính phủ quy định cụ thể để việc gây trồng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu bản địa tại chỗ không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng đặc dụng.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất có yêu cầu chuyển quyền sử dụng đất, ít nhiều tạo xung đột lợi ích giữa các chủ thể liên quan.
Chủ sử dụng đất bao giờ cũng muốn được bồi thường giá cao, nhà đầu tư muốn được thuê đất với giá thấp. Ở khía cạnh tổng thể, mức bồi thường giá trị sử dụng đất thấp giúp Nhà nước giảm được chi phí đầu tư công, doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm và kết quả chung là tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Do đó, cần có giải pháp khả thi để sao cho mức bồi thường giá trị sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tiếp cận được với giá thị trường, hài hòa lợi ích và tạo được sự đồng thuận của người bị thu hồi đất.
Đại bộ phận nhân dân đồng tình, ủng hộ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, thực tế đã có những dự án đầu tư công được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng hiệu quả kém, làm thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia.
Để có căn cứ cho thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, tránh yếu tố cảm tính, chủ quan và không loại trừ lợi ích nhóm, đề nghị có tiêu chí cụ thể cho nhóm “Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư…” nêu tại khoản 1 Điều 78.
---------------------------------------
Bài cuối: Mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa