Từ thực tiễn nông nghiệp, nông dân - Bài cuối: Mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa

LÊ MUỘN 17/02/2023 08:13

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững; trong khi đó, tích tụ ruộng đất được xem là yếu tố “mở đường” để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Vì vậy, cần bổ sung những quy định pháp luật về đất đai phù hợp, sát thực tiễn để nhiều thành phần trong xã hội, nhất là nông dân có nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình tích tụ ruộng đất.

Cần nâng cao hạn mức sử dụng đất để nông dân có điều kiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong ảnh: Nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng từ đất lúa chuyển đổi. Ảnh: H.Quang
Cần nâng cao hạn mức sử dụng đất để nông dân có điều kiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong ảnh: Nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng từ đất lúa chuyển đổi. Ảnh: H.Quang

Tạo điều kiện để nông dân tích tụ ruộng đất

Trước đây, nước ta sản xuất nông nghiệp với đặc thù đất chật, người đông. Khi thực hiện “khoán 10” hầu hết địa phương chia đất để giao cho nông hộ đều thực hiện nguyên tắc “có gần, có xa; có tốt, có xấu”.

Ở Quảng Nam cũng như các địa phương Bắc Bộ và Trung Bộ, hầu hết là những thửa ruộng nhỏ. Khi thực hiện dồn điền, đổi thửa có khắc phục được một phần nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và không thể giúp tăng diện tích sản xuất mỗi nông hộ, hình thành các khu vực chuyên canh có quy mô diện tích lớn.

Điều này gây bất lợi cho cơ giới hóa, tự động hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ khác đang thay đổi nhanh chóng; dẫn đến năng suất lao động nông nghiệp quá thấp, giảm sức cạnh tranh nông sản.

“Đừng lo sợ hình thành “lớp địa chủ mới” giàu lên từ kinh tế nông nghiệp; trong khi nhiều doanh nghiệp được thuê hàng trăm héc ta để sản xuất nông nghiệp thì lại hạn chế với nông hộ, cá nhân”.

Công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển nhanh đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Điều này một mặt, làm thiếu hụt lao động trẻ có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ; nông thôn chỉ còn những người già ở lại với nghề nông theo kinh nghiệm, vốn chẳng thu nhập được là bao với quy mô sản xuất nhỏ, có nơi đã để đất hoang hóa.

Trong khi đó, những tổ chức, cá nhân muốn mở rộng quy mô để phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị thì không có diện tích đất đủ lớn. Nhưng mặt khác, cũng cho phép và đòi hỏi tập trung, tích tụ ruộng đất ở những nơi đủ điều kiện về chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ trọng thu nhập từ nông nghiệp của hộ nông thôn chiếm tỷ lệ thấp.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy muốn phát triển bền vững thì chính nông dân là những chủ thể sản xuất nông nghiệp và thu nhập từ nông nghiệp có thể giúp nông dân làm giàu, mới giữ họ ở lại với nông thôn. Cần xem đây là nhu cầu ưu tiên của tập trung, tích tụ ruộng đất và chưa vội tích tụ ruộng đất ở những nơi đa số nông dân còn sống dựa vào nông nghiệp.

Các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất nông nghiệp là cần thiết cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhưng họ có tiềm lực và nhiều sự lựa chọn đầu tư, có thể giúp họ tìm những vùng đất chưa sử dụng; sẽ không ổn và thiếu bền vững khi để họ trở thành những người cạnh tranh quyền sử dụng đất nông nghiệp với nông dân đang sản xuất.

Nới hạn mức sử dụng đất

Diện tích giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hiện nay ở Quảng Nam chưa đạt hạn mức. Tuy nhiên, khi đã đáp ứng các điều kiện về chuyển dịch lao động, có thu nhập ổn định của các sinh kế khác từ phi nông nghiệp thì không nên để giới hạn về quỹ đất cản trở quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất.

Đừng lo sợ hình thành “lớp địa chủ mới” giàu lên từ kinh tế nông nghiệp; trong khi nhiều doanh nghiệp được thuê hàng trăm héc ta để sản xuất nông nghiệp thì lại hạn chế với nông hộ, cá nhân.

Nông nghiệp có thể chuyển biến rõ nét khi có nhiều nông hộ mức tích tụ ruộng đất khoảng 2 - 3ha cây hàng năm/lao động nông nghiệp; vì vậy hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cần được nới rộng để khuyến khích những cá nhân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

 

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của cá nhân quy định không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối là thấp (không quá 45ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 30ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác).

Đề nghị tách riêng các loại đất theo loại cây trồng, vật nuôi như Điều 170 để quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp; điều chỉnh tăng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối lên không quá 20 lần và giữ mức không quá 15 lần với các loại đất còn lại.

Để ngăn ngừa lợi dụng tích tụ ruộng đất nhằm bao chiếm đất mà hiệu quả sản xuất chỉ là phép toán cộng của nhiều thửa đất cũ, không thể chỉ nêu chung chung như khoản 3 Điều 186 mà đề nghị cần bổ sung một khoản quy định nghĩa vụ tổ chức, cá nhân sử dụng đất tích tụ; trong đó, cần lượng hóa hiệu quả sử dụng đất bằng tiêu chí cụ thể “tổng giá trị sản phẩm tăng ít nhất 1,5 lần, lợi nhuận tăng ít nhất 1,3 lần trên 1ha canh tác so với trước khi tích tụ ruộng đất, có phương án sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và nội dung này phải được luận chứng trong phương án sử dụng đất, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong thời hạn giao đất.

Bổ sung quyền của chủ sử dụng đất tích tụ như điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất kể từ ngày tích tụ ruộng đất, được phép đầu tư cải tạo lại mặt bằng mà không trái với quy định về bảo vệ đất trồng lúa, đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, chủ động bố trí sản xuất theo phương án sử dụng đất được phê duyệt.

Nâng cao chất lượng quy hoạch

Từ yêu cầu thực tế cần tập trung, tích tụ ruộng đất, Quảng Nam và một số tỉnh đã thực hiện thí điểm. Tuy vậy, ngoài những vướng mắc của các quy định pháp luật thì còn nhiều vướng mắc khác rất khó thực hiện.

Ở các khu vực gần đô thị và khu công nghiệp là nơi có nhiều ruộng đất quảng canh, bỏ hóa nhưng nông dân giữ lại để chờ bồi thường khi thu hồi hoặc thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất.

Cũng vì thế, giá đất nông nghiệp những khu vực này quá cao là một rào cản lớn với những nông dân muốn thuê để tập trung ruộng đất hoặc nhận chuyển nhượng để tích tụ ruộng đất, khi mà lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp không lớn. Ở miền Trung, để có 30 - 40ha đất tập trung phải thỏa thuận với hàng mấy trăm hộ nên tỷ lệ người không đồng thuận không hề nhỏ.

Để tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất, đề nghị nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác phải tuân thủ quy hoạch sử dụng đất để hạn chế tối đa những điều chỉnh, bổ sung trong kỳ quy hoạch.

Trên cơ sở đó, công khai quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, khẳng định rõ những khu vực chỉ quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp trong dài hạn để người dân không còn tư tưởng chờ bồi thường khi chuyển quyền sử dụng đất.

Khi đó giá đất cho thuê, góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất nông nghiệp sẽ thấp hơn hẳn các loại đất khác, tạo thuận lợi cho thỏa thuận mức giá để tích tụ ruộng đất.

Cần xem xét từng trường hợp không đồng thuận, chủ thể thực hiện tích tụ ruộng đất phải nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhỏ lẻ ở những vị trí thuận lợi khác để có đất hoán đổi cho những hộ đang sống dựa vào nông nghiệp.

Sau khi đạt thỏa thuận với đa số hộ, cần quy định tỷ lệ số hộ không đồng thuận, có thể mức 20% và Nhà nước thực hiện chế tài buộc đổi ruộng sang vị trí khác với những hộ sống dựa vào nông nghiệp, thu hồi đất với hộ thu nhập nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, quảng canh, bỏ hóa đất.

Mặt khác, cần có chính sách như trợ giá một phần tiền nhận chuyển quyền sử dụng đất, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với phần đất vượt hạn điền, Nhà nước chi trả kinh phí đo đạc, chỉnh lý biến động, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ thực tiễn nông nghiệp, nông dân - Bài cuối: Mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO