(Xuân Đinh Dậu) - Những con tàu vỏ thép của ngư dân các xã ven biển huyện Thăng Bình hoạt động trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã tạo luồng gió mới để ngư dân tiếp tục bám biển, mở rộng ngư trường và làm giàu từ biển...
Qua thời gian khó
Ngư dân Nguyễn Trọng Vỹ (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) tự hào sở hữu tàu vỏ thép QNa-95678 có công suất 940CV, hành nghề chụp mực ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. “Có tàu to lớn lừng lững giữa biển khơi, chúng tôi rất vững lòng. Tàu lớn lại ra khơi theo đội đoàn kết nên không phải thắc thỏm lo sợ tàu nước ngoài gây hấn cũng như khi thời tiết thất thường, thời gian bám biển cũng tăng lên, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả đanh bắt” - anh Vỹ nói. Anh kể, mới đó mà đã có hơn 20 năm đi biển. Hồi đó, sản xuất bằng thuyền nan rất vất vả, chuyến được, chuyến mất. Hồi đó, cứ khi trở trời là anh Vỹ khiêng lưới lên thúng đi biển. Phần quà của biển mỗi khi sản xuất trong thời tiết khắc nghiệt là nhiều thúng cá lớn. Chắt chiu mấy chục năm trời, kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, anh quyết định đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển.
Ngư dân Phan Thu bên tàu vỏ thép hiện đại.Ảnh: N.Đ.C |
Anh Vỹ là một trong 5 ngư dân huyện Thăng Bình làm chủ tàu vỏ thép. Điểm chung giữa họ là đều khởi nghiệp bằng thuyền nan gian truân, trui rèn can trường trên biển. Ngư dân Phạm Văn Tư (thôn 6, xã Bình Dương) vững vàng bám biển bằng con tàu thép hiện đại QNa-95977 có công suất 822CV bằng nghề lưới rê hỗn hợp. Nhiều người khâm phục anh bởi ý chí sắt thép theo nghiệp biển đến cùng. Hơn 10 năm trước đây, thông tin liên lạc trên biển chưa phát triển, công tác dự báo thời tiết gặp khó nhưng anh Tư không ngại hiểm nguy, bám biển suốt ngày này qua tháng nọ, mùa biển động cũng lênh đênh. Có lần, dông lốc bất thần kéo đến, thuyền nan úp giữa biển, anh Tư bám chặt lấy chiếc thuyền ngập nước. Gia đình, làng xóm chờ đợi qua đêm đến sáng tưởng đã nằm lại giữa biển nhưng anh đã vượt qua tai ương với niềm tin mãnh liệt về sự chở che của mẹ biển.
Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Hàng chục năm qua, các ngư dân Trần Văn Liên, Phan Thu, Trần Công Chi (thôn Tân An, Bình Minh) cũng ngày đêm bám biển bằng thuyền thúng, sản xuất với khát khao cháy bỏng sẽ đóng được con tàu vỏ thép vững chãi. Các ngư dân cho biết, nhiều chuyến biển với tàu thép đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cá nục, cá ngừ, cá thu bán rất được giá vào mùa biển động, đem lại thu nhập cao cho chủ tàu và “bạn” biển.
Khởi sắc làng biển
15 tàu vỏ thép đã vươn khơi Triển khai Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quảng Nam được Trung ương phân cấp đóng mới 92 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, trong số đó có 60 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite và 30 tàu vỏ gỗ. Sau 2 năm triển khai, đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho 59 hồ sơ vay vốn của ngư dân, trong đó có 2 tàu vỏ composite và 33 tàu vỏ thép. Tổng số vốn được các chi nhánh ngân hàng thương mại cam kết cho vay là hơn 660 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân là 516,4 tỷ đồng. Đến nay, trong số 37 tàu cá đã được ngành thủy sản tỉnh cấp phép đi vào sản xuất trên các vùng biển xa có 15 tàu vỏ thép giá trị hơn 225 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thêm 4 trường hợp ngư dân đang đóng tàu vỏ thép nhưng chưa được chi nhánh ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng cho vay vốn đóng tàu. |
Diện mạo các xã ven biển trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhất là Bình Dương, Bình Minh ngày càng khởi sắc. Giá trị kinh tế thu được từ biển giúp cho các gia đình nâng cao đời sống. Kinh tế biển phát triển đã trở thành “đầu tàu” kéo theo nhiều dịch vụ nở rộ ở các địa phương, nâng cao đời sống cho người dân làng chài. Ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ đã tạo luồng gió mới, ngày một lan rộng giúp các gia đình ngư dân khấm khá hơn. Từ chỗ bám biển bằng thuyền nan nhỏ bé, nhờ tiết kiệm, tích cóp vốn liếng, ngư dân trên địa bàn đã đóng được những con tàu vỏ thép kiên cố, hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Cao Thành Phiện - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cũng cho biết, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận cơ chế ưu đãi, đóng mới cũng như cải hoán nâng cấp tàu công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ. Số lượng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản sẽ tăng lên, tạo động lực cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản của huyện Thăng Bình đạt hơn 10 nghìn tấn. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, huyện đã, đang và sẽ tập trung phát triển, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận chính sách của trung ương, tỉnh, đóng tàu vỏ thép nhằm tăng sản lượng, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho ngư dân. Cũng theo ông Vỹ, tàu cá vỏ thép có thể giúp ngư dân tăng hiệu quả kinh tế nhiều lần so với tàu vỏ gỗ. Huyện đang còn 16 chỉ tiêu đóng tàu hiện đại theo phân bổ của tỉnh, trong đó chủ yếu là tàu vỏ thép. Ngư dân rất kỳ vọng và mong muốn đẩy nhanh tiến độ thi công, hạ thủy để sớm sản xuất ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
NGUYỄN ĐĂNG CAO