Từ tin vui hàng xuất khẩu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/01/2023 08:35

Sắp đến thời điểm tất toán năm 2022, truyền thông báo chí đưa nhiều tin vui về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ước kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt khoảng 350 tỷ USD, xuất siêu gần 12 tỷ USD. Trong đó có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng thủy sản. Có 8 nhóm hàng nông sản xuất khẩu hơn 2 tỷ USD: cà phê, gạo, cá tra, tôm, cao su, điều, rau quả, sản phẩm gỗ.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, với chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai vẫn đeo đẳng, sự cố gắng của doanh nghiệp đưa hàng xuất khẩu là nỗ lực phi thường, tiếp tục tìm kiếm thị trường một cách ấn tượng.

Phân tích sâu hơn của các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho thấy những hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới đã phát huy tác dụng mở cửa thông thương cho hàng hóa Việt Nam.

Chẳng hạn, Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu vì EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam; trong đó, có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo và cũng là thị trường đa dạng sản phẩm công nghiệp tiêu thụ lớn.

Đa số mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%...

Tuy chưa phải là tỉnh mạnh về xuất nhập khẩu nhưng Quảng Nam cũng có những mặt tăng tiến về giá trị. Cụ thể kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 25,04% so với cùng kỳ.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,66 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 2,49 tỷ USD, tăng 42,5%. Đứng đầu xuất khẩu của Quảng Nam là Thaco, với cả ô tô và nông sản qua cảng biển đi ra nhiều nước trên thế giới. Quảng Nam còn có hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Gần đây, theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có những tin vui với các sản phẩm của “cô gái Bh’nong”, BestOne của Nhung Nhàu, sản phẩm từ mo cau Tiên Phước của Hoài Vui, phở sắn Quế Sơn,… đã len lỏi ra nước ngoài, mang tín hiệu tốt hơn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu còn khá nhiều việc phải làm cho hàng Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Từ những thị trường mới mở cho thấy tiềm năng lớn, những cũng đầy thách thức, nhất là các rào cản về kỹ thuật, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

Ngoài ra, một số thị trường rất nghiêm ngặt trong việc truy nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, sản xuất phải thân thiện môi trường, sản xuất xanh và sạch. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh định hướng sản xuất “xanh - tuần hoàn”, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số mô hình quản trị sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi phương thức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.

Có mừng nhưng vẫn lo khi nhiều dự báo không lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu năm 2023. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với năm 2022.

Riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Italia...

Tuy nhiên các chuyên gia trong nước lại nhận định dù khó khăn ở nhiều thị trường, nhưng khi Trung Quốc mở cửa thoáng hơn sau giai đoạn “zero COVID” sẽ tạo thêm lối ra cho hàng hóa xuất khẩu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ tin vui hàng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO