Đến Lâm Đồng, nếu đã quá quen thuộc với cảnh vật, cung đường đẹp mơ màng ở Đà Lạt thì hãy thử ghé Bảo Lộc và cảm nhận không khí thanh bình của thành phố bé nhỏ này. Bảo Lộc mùa nào cũng êm đềm, thơ mộng và là điểm đến lý tưởng để nghỉ ngơi sau chuỗi ngày mệt mỏi.
Phải mất vài giờ đồng hồ để di chuyển từ Đà Lạt đến Bảo Lộc bởi hai điểm đến này cách nhau hơn 100 cây số. Tuy nhiên, cảm giác uể oải khi xuống xe lập tức tan biến bởi miền khí hậu mát mẻ pha trộn một chút nắng chan hòa và cả làn sương mù huyền ảo trải khắp mọi ngõ ngách nơi này. Có vẻ ở đây không lạnh bằng Đà Lạt nhưng lại thanh vắng, êm ả hơn và tựa như nàng tiên vẫn đang ngủ say.
Những người làm du lịch ở đây cho biết, mảnh đất nằm vắt vẻo trên cao nguyên Di Linh này mới chính là thiên đường của thác ở Lâm Đồng. Từ thác Đam Bri biểu tượng đến thác Tam Hợp, thác Cầu Đôi, thác 7 tầng Tà Ngào... Hết thảy đều hùng vĩ và ẩn mình trong không gian hoang sơ của đại ngàn. Thác Đam Bri (xã Đam Bri) cách trung tâm thành phố không xa và là điểm đến phổ biến của mọi người dân khi tới Bảo Lộc.
Người dân địa phương vẫn hay truyền tụng câu chuyện rằng, vào một ngày kia vì buồn bã số phận không lấy được người mình yêu, chàng trai K’Dam đã lặng lẽ rời bỏ buôn làng đi sâu về phía núi. Khi hay tin nàng B’Ri đã vội vã băng rừng, lội suối qua bao mùa rẫy, bao mùa trăng tròn cho đến khi vô vọng. Nàng thất thểu quay lại dừng chân nơi một khu rừng khóc mãi cho đến khi tan biến thành đất, thành đá của đại ngàn, nước mắt nàng chảy mãi tạo thành dòng thác trắng xóa kỳ vĩ như ngày nay.
Quay lại thành phố, chúng tôi có một buổi rong ruổi khắp ngoại ô Bảo Lộc và ấn tượng đập vào mắt là những đồi chè xanh mơn mởn, xa hun hút đến tận chân trời. Ở đây có nhiều thương hiệu chè nức tiếng cả nước, trong đó có một cái tên rất đỗi thân thương: “trà B’Lao”. Thương hiệu này là niềm tự hào của vùng đất từ đầu thế kỷ 20 và tồn tại đến tận ngày nay.
Được biết ở đây trà cũng có lễ hội. Thông thường vào dịp cuối năm Bảo Lộc sẽ tổ chức tuần văn hóa trà và tơ lụa. Hiện nay, các đơn vị chức năng và doanh nghiệp tại Quảng Nam đã và đang tích cực học hỏi những kinh nghiệm phát triển từ “thủ phủ” tơ tằm Bảo Lộc để phục hưng “dòng sông lụa”, đưa tơ tằm xứ Quảng vươn ra thế giới.
Trước khi rời khỏi thành phố nhỏ nhắn này, chúng tôi quyết định tạt qua “vùng đất sô cô la” - địa điểm mà thời gian gần đây thường xuyên được giới trẻ kháo nhau tìm đến để check-in. Khu vực này nằm trong hồ Nam Phương 2, cách trung tâm Bảo Lộc chừng 7km và cung đường đi đến không quá khó khăn.
Do hồ nước cạn cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu qua thời gian mực nước ở hồ ngày càng vơi đi và lộ ra những rãnh đất nứt sâu. Nhưng điều thú vị nằm ở chỗ màu đất bazan của cao nguyên dưới những nét vẽ đều khắp của tạo hóa đã khiến du khách dễ liên tưởng khu vực này như một cánh đồng với hàng trăm thỏi sô-cô-la lãng mạn.
Mặt hồ ở đây rất trong giúp du khách dễ dàng nhìn thấy cả những thỏi sô-cô-la chìm dưới mặt nước. Do nước chỉ đến đầu gối nên mọi người cũng có thể thoải mái lội ra tìm cho mình những góc check-in ưng ý nhất. Nếu du khách đến đây vào đúng mùa hoa hồng phấn nở rộ thì bờ đông của hồ còn đẹp mơ màng hơn nữa, tựa như một bức tranh đầy lãng mạn.
Đêm xuống se sắt lạnh, Bảo Lộc bình yên đến lạ thường. Có lẽ những ai từng ghé chợ đêm Đà Lạt hẳn sẽ trải qua cảm giác lạ lẫm và chợt thấy nao lòng khi lạc giữa đêm Bảo Lộc bởi sự thanh vắng của thành phố này. Dừng chân nơi đối diện nhà thờ Bảo Lộc thưởng thức tô bún riêu cô Lan nóng hổi cảm giác nhớ quê nhà bỗng âm ỉ xen lẫn nỗi cồn cào của cơn đói bụng.
Mai này, khi muốn rũ bỏ những phiền muộn hãy thử rủ rê bạn đồng hành “trốn” về Bảo Lộc. Hãy tranh thủ trải nghiệm sự thanh bình của vùng đất này bởi một mai có thể nó cũng sẽ sớm chuyển mình dập dìu hơn, ồn ào hơn như bao phố núi khác.