Trận Vạn Tường diễn ra ngày 18.8.1965, tại thôn Vạn Tường, xã Bình Thiện, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; là cuộc đọ sức đầu tiên giữa quân Mỹ với bộ đội chủ lực Quân khu 5 và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi.
Sau thất bại tại trận Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (26.5.1965); đầu tháng 8.1965, khi nhận được tin báo của lực lượng trinh sát Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, đóng ở căn cứ Chu Lai, phát hiện có đơn vị chủ lực của ta (Trung đoàn 1 mang tên Ba Gia, đơn vị chủ lực của Liên khu 5) đóng quân tại Vạn Tường, Tướng Oét-mo-len - Tư lệnh cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam liền ra lệnh cho lính thủy đánh bộ mở cuộc hành quân “tìm diệt” mang tên “Ánh sáng sao” đánh vào Vạn Tường, nhằm tiêu diệt Trung đoàn Ba Gia, lấy lại uy thế cho quân Mỹ. Mờ sáng ngày 18.8.1965, cuộc hành quân “tìm diệt” của địch bắt đầu.
Lực lượng tham chiến
Về phía địch, có 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tăng cường, khoảng 8.000 tên; trong đó có 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng, 105 xe bọc thép lội nước, một số đại đội bảo đảm truyền tin, trinh sát, vận tải và công binh. Về phương tiện đổ bộ và chi viện, có 6 tàu chở quân và trang bị kỹ thuật; 5 tàu chi viện chiến đấu (gồm 1 tuần dương hạm, 2 khu trục hạm và 2 tàu hộ vệ); hàng chục máy bay chiến đấu phản lực; 30 khẩu pháo 152mm, 76mm; 8 khẩu lựu pháo 105mm ở Bình Sơn và 12,7mm trên Hạm đội 7 sẵn sàng chi viện hỏa lực.
Về phía ta, có Trung đoàn Bộ binh 1 (là một trong 2 trung đoàn mạnh của Quân khu 5) biên chế 4 tiểu đoàn, 3 đại đội hỏa lực cối, ĐKZ và 12,7 ly, các đại đội công binh, thông tin và đặc công, trinh sát, 1 đại đội quân y, 1 đại đội vận tải.
Diễn biến trận đánh
Về phía địch. Đêm 17.8.1965, hơn chục tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đậu thành vòng cung ngoài khơi liên tục bắn đại bác vào thôn Vạn Tường và các điểm cao. Đến 3 giờ sáng 18.8, địch cho 2 máy bay trinh sát L20 và 4 máy bay phản lực F100 quần lượn trên khu vực Vạn Tường và các thôn lân cận, chúng đặc biệt chú ý 2 thôn Lộc Tự và Ngọc Hương; ngoài biển có 8 tàu đổ bộ và 2 tàu khu trục xuất hiện cách bờ 500 - 1.000m. Đến 4 giờ 30 phút, địch cho 8 máy bay F100, 8 máy bay L20, 8 khẩu pháo mặt đất ở quận Bình Sơn và pháo trên hạm tàu bắn phá vào Long Bình, An Cường, An Lộc, trong 30 phút với hơn 100 tấn bom và gần 2.000 viên đại bác. Từ 5 giờ đến 6 giờ 45 phút, địch vừa dùng hỏa lực oanh tạc, vừa lần lượt thực hành đổ bộ chia thành 4 mũi tiến về Vạn Tường: 1 mũi theo đường bộ từ căn cứ Chu Lai vào, 2 mũi đổ bộ đường biển và 1 mũi đổ bộ đường không.
Về phía ta. Sau khi nắm chắc tình hình địch, Trung đoàn Bộ binh 1 đã thông báo và lệnh cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Đến sáng 18.8 trung đoàn lệnh cho các đơn vị triển khai đánh địch tại chỗ và tổ chức lực lượng, nhanh chóng vận động chiếm các vị trí có lợi, đánh địch trên các hướng đổ bộ đường không, đường biển, trên bộ của Mỹ.
Chiến sự diễn ra rất ác liệt trên các địa bàn phía bắc An Cường (đông nam Vạn Tường 2km), Bình Giang, An Lộc, đồi Tranh, Ngọc Hương... Với tinh thần quyết đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 1 đã đánh bại được nhiều đợt tiến công của địch trên các hướng, các mũi. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 919 tên địch, bắn cháy và hỏng 22 xe tăng, xe cơ giới các loại, 13 trực thăng, thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh. Đêm 18 rạng 19.8.1965 Trung đoàn 1 bí mật rút khỏi khu vực tác chiến an toàn.
Chiến thắng Vạn Tường là trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ, có ý nghĩa to lớn, là mốc son phản ánh khí thế cách mạng tiến công, sự mưu trí, kiên cường, dũng cảm, đoàn kết chiến đấu của quân và dân Quảng Ngãi với bộ đội chủ lực Quân khu 5, trong khi quân địch ở thế chủ động tiến công ta và được tập trung lực lượng quy mô lớn gấp 7 - 8 lần về lực lượng và ưu thế tuyệt đối về binh khí kỹ thuật. Cùng với chiến thắng Núi Thành, chiến thắng Vạn Tường tạo ra bước ngoặt mới, khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại giặc Mỹ, dù chúng có thể đông quân, hùng hậu về vũ khí trang bị và khả năng cơ động.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá về trận Vạn Tường: “Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Stalingrad là một bước ngoặt chứng minh quân phát xít Hitler không phải là không đánh được, thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng”.
_____
Kỳ 3: Chiến dịch Tây Nguyên 1972, đặc sắc mưu kế nghi binh