Từ trận đầu đánh Mỹ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Kỳ 6: Giải phóng Tây Nguyên, sự chia cắt chiến lược

PHAN THANH HẬU 26/04/2020 20:30

Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4.3 đến 3.4.1975, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, trong đó then chốt là giải phóng Buôn Ma Thuột. Chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. 

Quân Giải phóng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy (Ảnh tư liệu).
Quân Giải phóng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy (Ảnh tư liệu).

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 10.1974) về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng mạnh, với binh khí kỹ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên, với trận then chốt mở màn là tiến công Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, phát triển cuộc tiến công sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược.

Ngày 5.2.1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời cử Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ đạo chiến dịch. Ngày 17.2.1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch bàn kế hoạch; ngày 25.2.1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch tác chiến.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch có 5 sư đoàn, 4 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn pháo cao xạ, trung đoàn xe thiết giáp, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 trung đoàn công binh, trung đoàn thông tin 29 và các đơn vị hậu cần, vận tải. Ngoài ra, Sư đoàn Bộ binh 3 Quân khu 5 tác chiến phối hợp trên đường 19.

Từ ngày 1 đến 13.3.1975, bộ đội Tây Nguyên bí mật triển khai chiến dịch; thực hiện tiến công nghi binh quy mô vừa và nhỏ ở Pleiku - Kon Tum nhằm thu hút sự chú ý và lực lượng đối phương ở đó. Đồng thời ngày 4.3 ta mở những cuộc tiến công cắt đứt đường 19, đường 21 nối Tây Nguyên với đồng bằng Khu 5. Ngày 9.3 ta tiến công đánh chiếm khu quân sự Đức Lập - Núi Lửa, tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.

Ngày 10.3.1975, quân ta từ 4 cánh tiến công Buôn Ma Thuột bằng cơ giới nhắm vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 địch. Chỉ trong 2 ngày tiến công bằng sức mạnh hợp đồng binh chủng, ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây, làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận then chốt, quyết định của Chiến dịch Tây Nguyên, một “trận đòn trúng huyệt”, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng, nhưng ở đây, quân đội Sài Gòn có nhiều sơ hở, lực lượng yếu; đặc biệt, địch nhận định sai hướng tiến công của quân ta. Đến khi mất Buôn Ma Thuột, địch vội vàng điều 2 trung đoàn chủ lực còn lại của Sư đoàn 23 và tiểu đoàn biệt động phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng lực lượng này chưa kịp triển khai đội hình đã bị quân ta bao vây tiến công tiêu diệt.

Từ ngày 14.3.1975, quân ta đánh trận then chốt thứ hai, đập tan cuộc phản kích của Quân đoàn 2 ngụy, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy quân địch ở Tây Nguyên vào thế tan vỡ. Địch nhận lệnh rút khỏi Gia Lai, Kon Tum và toàn bộ Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngày 17.3.1975, bộ đội chủ lực của ta được lệnh nhanh chóng truy kích quân địch rút chạy trên đường 7, phối hợp với bộ đội địa phương chặn đánh tiêu diệt địch ở Phú Bổng và Củng Sơn. Đến ngày 24.3.1975, toàn bộ quân địch rút khỏi Tây Nguyên. Ta giải phóng toàn bộ Tây Nguyên rộng lớn với hơn 600.000 dân.

Từ ngày 12.3 - 2.4.1975, phối hợp với Tây Nguyên, các chiến trường trên toàn quốc cũng mở các chiến dịch, đẩy mạnh tiến công đối phương, thu nhiều thắng lợi lớn. Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Nam Bộ - cực Nam Trung Bộ đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo bàn đạp và mở đường tiến công Sài Gòn trên các hướng bắc - đông bắc và tây - tây nam. Sư đoàn 9 và một bộ phận Sư đoàn 314 đánh chiếm các chi khu quân sự, quận lỵ Dầu Tiếng (12.3), Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Long, mở thông đường 13, 14 (2.4); Sư đoàn 3 và Sư đoàn 5 Đoàn 232 diệt chi khu quân sự Bến Cầu, Đức Huệ, cắt đường 4; Sư đoàn 7 đánh chiếm chi khu quân sự Định Quán (20.3), giải phóng đường 20 và tỉnh Lâm Đồng (31.3).

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta sang giai đoạn mới: Từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành Tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Quân đội ta có bước trưởng thành mới về trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn; về nghệ thuật đánh chiếm thành phố, đánh địch phản kích lớn bằng đổ bộ hàng không...

----------------

Kỳ 7: Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, mở đường về Sài Gòn

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ trận đầu đánh Mỹ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Kỳ 6: Giải phóng Tây Nguyên, sự chia cắt chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO