Từ trang trại đến mâm cơm

KIM OANH 07/04/2015 10:29

An toàn thực phẩm (ATTP), một chủ đề đang được thế giới quan tâm trước những mối quan ngại ngày càng gia tăng từ hàng loạt các vụ thực phẩm nhiễm bẩn bị phát hiện, gây chấn động.
Thời gian gần đây, những câu chuyện nổi lên từ vấn đề vệ sinh ATTP khiến người tiêu dùng rất quan tâm, bức xúc và lo ngại. Như sữa bột dành cho trẻ em bị nhiễm độc melamine, công nghệ chế biến dầu ăn “siêu bẩn” ở Trung Quốc, hoa quả nhiễm độc đến các loại thịt ôi thối, nhiễm đủ các loại vi rút, vi khuẩn vẫn được đem đi tiêu thụ… khiến nhiều người bị ngộ độc, bệnh tật và thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngày sức khỏe năm nay nhấn mạnh đến an toàn thực phẩm.              Ảnh: Alwaysfoodie
Ngày sức khỏe năm nay nhấn mạnh đến an toàn thực phẩm. Ảnh: Alwaysfoodie

Những con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khiến dư luận không khỏi giật mình khi tình trạng thực phẩm không an toàn mà con người trên khắp hành tinh tiêu thụ hàng ngày đang ở mức báo động. Hệ lụy từ đó gây ra không ít, hơn 200 các loại bệnh khác nhau mà điển hình là từ tiêu chảy đến ung thư, dẫn đến hơn 2 triệu ca tử vong mỗi năm. Mặc dù vấn đề ATTP được gióng chuông cảnh báo ở hầu hết quốc gia, đến với người dân nhưng tình trạng vệ sinh thực phẩm không đảm bảo không vì thế mà giảm đi. Do đó, nhân ngày Sức khỏe thế giới năm nay (7.4), WHO tập trung chủ đề về thực phẩm an toàn với khẩu hiệu “Từ trang trại đến mâm cơm”.

Trên thực tế, theo WHO, việc sử dụng phân bón hóa học vượt tiêu chuẩn quy định, sử dụng hóa chất để thúc đẩy tăng trưởng cây trồng, vật nuôi… vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Các loại hóa chất độc hại được sử dụng tràn lan trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, vận chuyển diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhiều loại thực phẩm hư, thối vẫn được bày bán và tiêu thụ ở nhiều nơi. Các món ăn hằng ngày được bày biện lên mâm cơm của các gia đình, nhà hàng, trường học, công ty… từ đó gây hại sức khỏe cho người tiêu thụ.

Bằng nhiều cách khác nhau, nhiều nhà nội trợ cẩn thận lựa chọn những thức ăn tươi, sống, đảm bảo thực phẩm an toàn hay tẩy bỏ bớt những chất độc hại như hóa chất, vi rút, vi khuẩn, thuốc trừ sâu… đã ngấm vào thực phẩm. Song, hiện rất khó để phân biệt thực phẩm nào là “sạch” hay không an toàn, đem lại kết quả như mình mong muốn. Trong khi đó, việc toàn cầu hóa kinh tế thế giới là môi trường thuận lợi để các mặt lương thực, thực phẩm vượt qua biên giới để đến với thị trường của nhiều nước. Điều này cũng khiến cho việc lan tràn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh càng khó kiểm soát.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe của công dân toàn cầu, việc phối hợp giữa các chính phủ trong việc phát hiện và sớm ngăn chặn thực phẩm nhiễm bẩn là hết sức cần thiết. Ngoài ra, WHO cho biết đang làm việc chặt chẽ với Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các tổ chức quốc tế khác để đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi thực phẩm toàn bộ từ sản xuất đến tiêu dùng.

KIM OANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ trang trại đến mâm cơm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO