Từ Trao đến P'rao

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 03/06/2023 05:50

Năm 2008, chúng tôi đã ở đó. Tuyền những người đàn bà bước đi trên dốc núi. Nặng trĩu và yên lặng. Họ nói gì đó, không nghe rõ, nhưng khi nhìn thấy chúng tôi giương máy ảnh lên, nhất loạt đều quay mặt đi. Họ không thích bị chụp hình.

Thị trấn P’rao. Ảnh: C.N
Thị trấn P’rao. Ảnh: C.N

Ký ức khó nghèo

Những người đàn bà đến từ thôn Trao. Họ là cư dân thị trấn P’rao (Đông Giang), chỉ cách một con đường mòn rẽ ra là đến đường nhựa. Nhưng hun hút phía con đường mòn kia là một thế giới khác biệt với phần còn lại của thị trấn.

Bao ngôi nhà còn chưa kịp kín gió, vách nứa đã mục, cong hẳn đi, chừa chỗ thông thống cho mưa nắng lùa. Nhiều đứa trẻ chỉ mặc độc chiếc áo cũ sờn, phong phanh, chạy đi khi thấy người lạ, để vọng lại tiếng cười khuất sau những góc nhà. Chỉ thấy người già và lũ trẻ. Buổi chiều tĩnh lặng. Ánh rừng thẫm đổ lên mái nhà lợp fibro xi măng. Chúng tôi quay ngược về phía cung đường nhựa, đi theo những người đàn bà.

Họ gùi củi ra thị trấn bán. Chẳng có một chỗ cố định, họ cứ thế lầm lụi đi trên đường, ai may mắn thì được gọi vào mua củi. Những người chưa bán được cứ thế đi hết một vòng cung, nếu không có ai hỏi mua, bó củi nặng trĩu, dài gấp ba lần chiếc gùi lại oằn trên lưng để trở về làng. Một gùi củi, mất một buổi đi lấy từ núi về, chẻ ra chất vào gùi, giỏi lắm chỉ đổi được vài ba con cá thính ở gian hàng của người Kinh nơi chợ xép.

Trao của 15 năm trước, nghèo và buồn. Buồn dát lên trên gương mặt in hằn những cơ cực của đàn bà xóm núi. Ngại giao tiếp, lầm lụi và khắc khổ, không nghe rõ câu trả lời nhát gừng của họ, khi được người bạn đồng nghiệp hỏi bằng chính tiếng Cơ Tu bản địa.

Họ có biết làm gì đâu, ngoài gieo hạt xuống đám rẫy nơi sườn đồi, rồi chờ đợi những hạt lúa trời ấy lớn lên bằng nắng và gió. Và đổi củi. Gánh củi nhọc nhằn đắp đổi cho bao miệng ăn.

Làng Trao nay có tên mới là P’rao. Ảnh: C.N
Làng Trao nay có tên mới là P’rao. Ảnh: C.N

Đó hình như là câu chuyện không thuộc về lựa chọn. Họ không có lựa chọn nào, hoặc không nghĩ ra một lựa chọn nào khác. Cứ thế, lầm lụi và nhẫn chịu. Như rất nhiều người đàn bà ở vùng cao này ngày trước, nhiều người trong số họ biết đâu đấy bị gia đình gả vào một nhà nào đó để đổi lấy ché, lấy chiêng, lấy của nả, rồi sinh con đẻ cái cho nhà chồng, quần quật làm lụng để nuôi lấy cả nhà như một cách... trả nợ cho những sính lễ.

Mưa dông đổ xuống, ầm ào. Những gùi củi thấm nước mưa, càng nặng trĩu. Những tấm lưng gầy guộc cảm giác như sà xuống gần mặt đất, bước đi trong khó nhọc. Cư dân thị trấn vì thế mà quen gọi Trao, là làng gùi củi...

Dân bản học nghề

Mười lăm năm. Chúng tôi rẽ ra từ con đường nhựa mới mở ôm lấy phố núi dọc theo dòng A Vương, băng qua đường mòn Hồ Chí Minh, bất ngờ khi gặp một Trao khác hiển hiện. Người bạn đồng hành nhận ra nơi 15 năm trước chúng tôi từng đến, vì ngay cạnh đường vào là trường nội trú huyện, nơi anh đã từng trọ học.

Nhà cửa đã khác. Đường được trải bê tông, rộng gấp đôi con đường mòn hiu hắt dẫn vào làng gùi củi của năm cũ. Làng nay cũng khác, với tên gọi mới, cùng tên với thị trấn “cây chò”: P’rao.

Chúng tôi gặp lại một người quen của bạn: Alăng Quốc Cường. Cường trẻ tuổi, nay đã là Trưởng thôn P’rao. “Làng gùi củi” nay đã phình rộng ra, với hơn 200 hộ, gần 900 nhân khẩu. “Làng nay khác quá”. “Khác chứ, giờ đời sống đỡ hơn rồi. Ngoài đường sá, nhà cửa, cả làng đều có điện. Đời sống nay cũng khá” - Cường kể.

Có chút dè dặt trong suy nghĩ, khi chúng tôi đã đến nhiều ngôi làng, vẻ ngoài khang trang lắm, nhưng phần lớn cư dân không có sinh kế mới, vẫn nghèo, vẫn... gùi củi. Quốc Cường, như đoán định được hoài nghi trong câu hỏi của chúng tôi, bắt đầu kể những câu chuyện, tuy không cổ tích, nhưng đủ để xóa tan nghi hoặc về một “làng mới”. Tất cả đã rất khác so với những gì chúng tôi đã gặp của mười lăm năm trước. Câu chuyện bắt đầu từ những chính sách.

“Làng P’rao vốn nghèo. Đất ít, tư liệu sản xuất không có, nên đời sống thua xa nhiều thôn khác, thua cả những thôn ở Arooih, Zà Hung. Nên nhiều người mới làm nghề gùi củi. Đủ ăn thôi, không có dư dả gì đâu. Nhà cửa, đường sá, điện lưới đều từ nguồn đầu tư của các chương trình mục tiêu, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có nhà cửa rồi, có đường, có điện, nhu cầu đời sống cũng tăng lên. Vậy là phải tự tìm lấy sinh kế của mình, không thể cứ chờ đợi mãi được. Thanh niên trong làng bắt đầu đi tìm việc. Ban đầu, chỉ là làm thuê. Hồi trước, Tây Giang đang rộ lên đầu tư công trình, trụ sở, người ta gọi thanh niên lên phụ hồ. Nhờ đó mà học được nghề. Bước ngoặt là chuyện học được nghề” - Cường kể.

Cả thôn P’rao nay có hơn mười nhóm thợ hồ, chuyên nhận công trình của bà con để xây dựng. Ảnh: C.N
Cả thôn P’rao nay có hơn mười nhóm thợ hồ, chuyên nhận công trình của bà con để xây dựng. Ảnh: C.N

Anh dẫn chúng tôi qua một căn nhà đang xây dở, cất tiếng gọi. Từ trên mái, Abing Cắt leo trở xuống, tay vẫn còn đang cầm bay của thợ hồ. Cắt là một trong số những “thợ cả” đầu tiên của làng, học được nghề, sau vài năm đi làm việc ở Tây Giang. Anh dắt theo những người anh em, bà con, vừa làm, vừa chỉ dạy.

Tổ thợ nề “Abing Cắt” ra đời, đều là người của làng: Abing Cách, Abing Tèo, Alăng Găm, Alăng Lệ... Vững nghề rồi, nhóm thợ không còn làm thuê cho người khác nữa. Abing Cắt nhận thầu xây nhà ở cho đồng bào, ban đầu trong làng, sau thì mở rộng ra, đi sang các xã khác, sang tận Nam Giang, Tây Giang. Cứ ở đâu có công trình là đi.

“Năm đầu tiên mình đi phụ hồ là 2004. Hồi đó cực lắm, nhưng được họ nuôi cơm, không phải lo chuyện ăn ở, được bao nhiêu tiền thì đem về phụ vợ nuôi con. Đến 2010 thì thạo việc, mình về lại làng, tách ra làm riêng.

Bà con ở núi thì thương nhau, có công trình lớn nhỏ gì cũng gọi. Làm từ nhà vệ sinh, làm sân, làm đường, đến lúc nhận thầu luôn cả nhà cửa, lớn nhỏ gì cũng làm hết. Dần dần mới khá lên. Thanh niên trong làng giờ có hơn 10 nhóm thợ” - Abing Cắt kể lại.

Sống khác

Những niềm vui bé mọn gom góp thành thứ hạnh phúc rất đơn sơ, ở P’rao. Chưa thực sự đủ đầy, nên người làng không ngừng cố gắng. Abing Cắt đi làm thợ, một mình anh đủ sức nuôi 6 người, gồm bố mẹ, vợ và hai đứa con.

Vợ Cắt chắt chiu đám rẫy, làm lúa kiếm gạo ăn, còn anh thì cùng thanh niên làng rong ruổi theo những công trình. Chị cũng từng hiện diện trong đoàn người gùi củi mà chúng tôi đã gặp trên đường mòn Hồ Chí Minh 15 năm trước, nhắc chuyện chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp ở trên đường.

“Chị còn gùi củi đi bán không?”. “Hết rồi. Nên cái lưng mới thẳng được như ri nè” - chị cười, và không còn quay đi tránh ánh nhìn như lúc chúng tôi giơ máy lên ngày nọ...

Có quá nhiều thứ đã đổi thay, nơi đại ngàn xa xanh mà chúng tôi may mắn có dịp đặt chân đến trong 15 năm đi và viết, đến bây giờ. Ở nơi này, cũng đã đổi khác lắm rồi.

Alăng Quốc Cường kể, xưa cứ hễ có người nào đau ốm, đi vận động, thanh niên ôm về được rất nhiều bó củi, và những đồng bạc lẻ 5 nghìn. Họ có gì để cho đâu, ngoài tấm lòng và chút “tài sản” có thể đổi bằng một buổi chiều oằn lưng gùi củi. Mới đây, làng có ba người không may bạo bệnh, nhưng thanh niên trong làng không phải mang củi đi đổi thêm một lần nữa để lấy tiền giúp đỡ.

Nhiều năm trước không có đất dựng gươl làng, những cột gỗ, mái lá cọ mà cả làng đã lặn lội đem về từng phải bán đi, chia lại cho nhau. Đầu năm mới vừa rồi, cả làng làm một lễ “tân niên”, thống nhất sẽ góp lại số tiền bán gỗ ngày trước, và góp thêm để quyết tâm dựng lại một gươl mới.

Đông Giang sắp chạm mốc 20 năm tái lập huyện. Ở góc núi, thôn P’rao bây giờ, đang háo hức chờ một cuộc hội làng, như góp thêm một chút rộn ràng cho sự kiện trọng đại của quê mình, đang rất gần...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ Trao đến P'rao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO