… Từ Phú Xuân, ngài Trương Công Hy theo Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ quay về lại nam tiếp tục trọng trách Tri phủ Điện Bàn. Khi Quảng Nam được vua Thái Đức trao lại cho Bắc Bình Vương để nối lại hòa khí giữa hai anh em, Trương Công Hy được Vương đặc phái chức Khâm sai Quảng Nam…
Trong thời gian theo Nguyễn Huệ ra Bắc, Trương Công Hy biết được Võ Đình Tú là võ tướng tài ba, võ nghệ hơn người, dũng cảm mau lẹ. Khi ra trận, vị võ tướng này múa tít thiết côn vừa che mình vừa quét ngang đầu côn vào đám địch quân. Trọng tài ông, nữ tướng Bùi Thị Xuân đã thêu bốn chữ “Thiết côn vô địch” lên lá cờ trận tặng vị tướng.
Lăng mộ danh nhân Trương Công Hy. |
Hai vị Trương Công Hy, Võ Đình Tú bàn bạc xây dựng củng cố thủy binh, bộ binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh, kiểm tra lại vị trí các đồn lũy, lệnh các tướng lĩnh, quân lính cảnh giác đề phòng thủy quân của Nguyễn Phúc Ánh tấn công bất ngờ, lập thêm một số đồn lũy vùng núi giáp ranh biên giới nước Lào mà quân địch từ Gia Định có thể xuyên rừng từ Cao Miên và Hạ Lào tấn công vào sau lưng.
Tháng 9 âm lịch là mừa mưa bão gây hại cho nông nghiệp Quảng Nam; về đến trấn lỵ tại Hội An, ngài Trương Công Hy triệu tập các quan chức huyện, tổng đến hạ lệnh khẩn trương đốc thúc khắp nơi thu hoạch nhanh vụ lúa tháng 8, bảo vệ các kho lương thực, khuyến khích dân chúng giúp đỡ nhau chống bão lụt và chuẩn bị cho vụ lúa tháng ba sắp đến. Mặt khác thực hiện các biện pháp để thi hành “chiếu khuyến nông” của triều đình vừa ban bố; trong đó các tổng, hương (xã) phải hồi phục dân lưu tán về các thôn xóm để khai khẩn ruộng hoang hóa, hạn trong ba năm ruộng đất khắp vùng đồng bằng Quảng Nam đều phải được cấy lúa, trồng khoai, bắp đậu… Nhờ vậy mà trấn Quảng Nam đến năm Canh Tuất (1790) mùa màng được phong phú, bảy phần mười trong trấn được no đủ.
Từ năm 1777, ngài Trương Công Hy trong lúc phò tá Hoàng tử Nguyễn Phúc Dương, học trò của mình chạy vào Quảng Nam tránh quân của chúa Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, gặp lại ngài Trương Văn Hiến, thấy rõ chính nghĩa của quân Tây Sơn, tự nguyện trở thành công thần của vua Thái Đức, tiếp tục phò tá vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh, đem hết tài năng của một nhà trí thức uyên thâm Nho giáo, Phật giáo phục vụ cho đất nước đang thời loạn lạc…( Lê Khôi, sđd, trang 108). |
Với mong muốn xây dựng nền kinh tế công thương nghiệp phát triển, ngài Trương Công Hy chủ trương khuyến khích phục hồi, mở rộng các làng thủ công cũng như việc giao thương buôn bán trong nước và nước ngoài tại Hội An, Đà Nẵng. Đối với thương nhân Tàu, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, ngài Trương Công Hy khuyến khích họ đến lập tiệm buôn và chở hàng hóa trao đổi lấy các sản vật địa phương đem về nước.
Về văn hóa giáo dục, chính quyền trấn Quảng Nam vẫn tôn sùng Nho giáo, Phật giáo. Chữ Nôm được đề cao lên vị trí chữ viết chính, đúng quy định của triều đình, nhờ đó ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chính quyền của trấn và trong nhân dân. Thi hành lệnh “chiếu lập học” của triều đình, ngài Trương Công Hy cử các thư lại xuống tận huyện, hương thành lập nhà xã học, một số chùa được sử dụng làm trường học, chọn người hay chữ, có đức hạnh làm thầy giáo.
Năm 1789, kỳ thi Hương được tổ chức đầu tiên tại Quảng Nam và Nghệ An, thí sinh phải thi thơ phú bằng chữ Nôm. Ngài Trương Công Hy nghiền ngẫm, nghiên cứu kỹ và trao đổi ý kiến với các nhân sĩ để thực hiện đúng phương pháp dạy và học theo tinh thần kết hợp học với hành mà ngài La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã tấu trình lên vua Quang Trung, để ban chiếu thực hiện…
Ngày 20.8.2013, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định (số 2838-QĐ/ BVHTT&DL) công nhận Di tích lịch sử và xếp hạng di tích quốc gia cho Lăng mộ Trương Công Hy, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn. |
BIÊN NIÊN SỬ THƯỢNG THƯ TRƯƠNG CÔNG HY |
(Trích truyện lịch sử “Lưỡng Bộ Thượng thư Trương Công Hy - Người con xứ Quảng” NXB Văn học, Hà Nội, 2012)
Nhà văn LÊ KHÔI