Từ trong cát trắng xanh lên

NGUYỄN NGỌC HẠNH 17/05/2020 15:04

(QNO) - Còn nhớ một lần tôi đi thực tế sáng tác cùng anh em văn nghệ Quảng Nam đến xã Bình Dương (Thăng Bình) - một vùng đất nổi tiếng trong chiến tranh, nơi đây sau ngày giải phóng chỉ còn trơ trụi rừng dương và cát trắng. Nhà văn Hoàng Minh Nhân* vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện trong tác phẩm “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong ngày ấy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cùng đi có nhà thơ Thái Miên* là người sinh ra trên vùng đất này, anh đưa tôi đến thăm và chuyện trò với bà con trong những ngôi nhà lụp xụp, rách nát. Đời sống người dân Bình Dương thời ấy còn đói nghèo, thiếu thốn, họ phơi lưng trần trụi giữa nắng gió khô khốc, thế mà gặp ai họ cũng ân cần mời đón chúng tôi như người nhà.

Đêm hôm ấy, tôi và nhà thơ Hoàng Minh Nhân ngủ lại với Thái Miên tại nhà của anh ở Thăng Bình. Và, bài thơ “Mưa Bình Dương” của tôi ra đời trong đêm ấy. Những câu thơ đầy cảm xúc là một kỷ niệm khó quên về vùng đất này: “Ngọn gió như lời ai hát/ Mênh mông rừng dương âm vang/ Chồi xanh lách lên trong cát/ Mưa xuống trên dòng Trường Giang/ Tôi đi giữa chiều mưa ấy/ Nghe cây cỏ nói trong vườn/ Chuyện đất và lời của nước/ Ngọt ngào biển gió Bình Dương”. Cây cỏ nói với tôi rất nhiều về bao phận người, về những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Một trong những câu chuyện mà nhà thơ Hoàng Minh Nhân nhắc đến lại liên quan đến một người bạn của tôi, đó là Phan Đức Nhạn.

Tôi và Phan Đức Nhạn thân nhau từ ngày tôi còn làm ở báo Diễn đàn doanh nghiệp. Nhạn là hình ảnh “cậu du kích nhỏ” ở Bình Dương mà Chu Cẩm Phong đã mô tả trong nhật ký của mình: “Cậu bé mang khẩu súng trường, báng súng chạm đất, nòng súng cao vượt đầu, hiếu động, hỏi nhiều câu ngồ ngộ, lanh lợi và thuộc nhiều thơ của Tố Hữu, Thu Bồn…”.

Mỗi lần anh em gặp nhau chuyện trò về phát triển kinh tế hoặc phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, Phan Đức Nhạn thường hay đọc thơ, kể nhiều chuyện liên quan đến các tác phẩm văn học trong nước, về các nhà văn, nhà thơ đất Quảng. Chính vì thế chúng tôi ngày càng thân thiết nhau hơn. Phan Đức Nhạn, Huỳnh Văn Chính... là một vài doanh nhân ở Đà Nẵng mà tôi yêu mến, quý trọng. Ít nhiều trong mối tình bằng hữu này có lẽ là do anh em chúng tôi đều yêu thích văn chương một thời.

Còn nhớ đêm hôm ấy, nhà văn Hoàng Minh Nhân thức trắng đêm để kể chuyện văn học trong kháng chiến. Ông sưu tầm nhiều tài liệu và tác phẩm của các văn nghệ sĩ Trung Trung Bộ mà sau này nhà thơ Hoàng Minh Nhân đã làm chủ biên và đỡ đầu cho nhiều cuốn sách giá trị như: “Phan Bôi Hoàng Hữu Nam”, “Mẫn và tôi sống mãi”, “Thu Bồn gói nhân tình”, “Nguyễn Văn Bổng - nhà văn chiến sĩ”, “Hồ Nghinh - một chiến sĩ một con người”, “Trương Đình Hiển - người mở đường ra biển lớn”. Trong đó, “Nhật ký Chu Cẩm Phong” là tác phẩm giá trị do ông biên soạn, được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2000. Bài thơ “Mưa Bình Dương” mà tôi viết được tối hôm đó cũng một phần từ những cảm xúc của biết bao số phận đi ra từ cuộc chiến tranh: “Làng quê những năm chiến tranh/ Mặt đất mặt người trơ trụi/ Số phận đâu chờ may rủi/ Từ trong cát trắng, xanh lên”.

Trong cát trắng Bình Dương, bao nhiêu phận đời đã xanh lên từ mất mát đau thương. Có nơi đâu địch sát hại dân lành, chịu nhiều cơ cực như ở Bình Dương. Chẳng có một gia đình nào không có người hy sinh vì làng cát quê nhà. Gia đình Phan Đức Nhạn là một trong bao cảnh thương tâm như vậy. Cha anh đi tập kết, mẹ hy sinh lúc anh mới 15 tuổi. Tôi không có ý định viết về cậu bé du kích nhỏ thời thiếu niên, cũng không muốn nhắc đến ngày Nhạn được ra miền Bắc gặp cha mình và theo học ở trường học sinh miền Nam, mà tôi chỉ muốn khám phá con người đa năng của anh trong công việc điều hành doanh nghiệp giữa thời hậu bao cấp. Đó là thời điểm tỉnh Quảng Nam vừa tách ra khỏi Quảng Nam - Đà Nẵng. Tư duy đổi mới ngay trong thời tách - nhập này là điều không dễ dàng, thế mà Nhạn đứng ra xin thành lập công ty và dám đương đầu đảm nhận vai trò thủ lĩnh. Vậy mà chỉ sau 5 năm, Công ty Xây dựng Quảng Nam đã phát triển và trụ hạng là doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của tỉnh, có uy tín trong khu vực.

Nhiều bài viết của tôi ngày ấy trên báo Diễn đàn doanh nghiệp và báo Công thương sau này không chỉ nói về những thành tựu mà còn khắc họa chân dung của một giám đốc doanh nghiệp đầy dũng khí, thông minh, dám nghĩ dám làm, táo bạo và quyết đoán để vượt qua những khó khăn của thời bao cấp, tạo dựng một thương hiệu tên tuổi ở miền Trung, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Điều quan trọng hơn hết là Phan Đức Nhạn đã đóng góp không nhỏ sức mình cho chính vùng đất mà tuổi thơ anh còn lưu giữ trong “Nhật ký chiến tranh”.

Tôi lại nhớ ngày ấy, nhớ buổi chiều mưa Bình Dương năm ấy, lại “Muốn nói đôi điều với cát/ Mà sao cát vẫn lặng yên/ Cháy giữa lòng tôi cơn khát/ Trước màu trắng ấy vẹn nguyên”. Vâng, cơn khát ấy là của bao người sau cuộc chiến tranh, của Phan Đức Nhạn và của cả vùng cát Bình Dương quê anh. Cả một đời người, ai chẳng muốn mình hoàn tất trọn vẹn, muốn sống và cống hiến, trả cho được món nợ của cha ông trót đã vay từ trong lầm than, đói khổ. Những mất mát quá to lớn của mỗi gia đình, của từng người dân bám trụ sau cuộc chiến tranh, bây giờ họ còn lại gì? Phan Đức Nhạn cũng như lớp trẻ sau này cho dù có cống hiến hết mình, đóng góp đến mấy cho quê hương đi nữa, trong lòng họ vẫn còn cơn khát nghìn năm mà các thế hệ cha anh hằng mong đợi, đó là vùng đất nghèo nàn phải thực sự ấm no, hạnh phúc, người dân quê mình phải thực sự được sống trong thanh bình tự do trọn vẹn… Vẫn biết ước mơ là vậy, hoài mong là vậy, thế mà “Cây thắm trong vùng đất mới/ Vẫn còn cơn khát nghìn năm”.   

-------------------------

(*) Các nhà văn đã mất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ trong cát trắng xanh lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO