Từ tuổi 17 kiên cường

HÀ AN 04/05/2018 09:15

Tin liên quan

  • Từ tuổi 17 kiên cường

Trở lại cái ngày đáng nhớ của năm 1968, khi an toàn trở về, ông Phan Đình Ty cùng đơn vị tham gia nhiệm vụ đặc biệt: tấn công vào sào huyệt của địch ở tỉnh lỵ Tam Kỳ. Nhắc đến Tết Mậu Thân 1968, một cái tết đặc biệt, ở đâu cũng khí thế, chỗ nào cũng hừng hực, rộn ràng ra trận, ông đọc cho tôi nghe mấy vần thơ: “Hãy xông lên với khí thế dời non lấp biển/ Với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!/ Trút căm thù lên đầu lê mũi súng/ Trả thù nhà, đền nợ nước, kiên quyết diệt địch đến cùng...”; hay câu thơ: “Năm nay ăn tết rừng xanh/ Sang năm ăn tết đô thành Quảng Nam”.

Chấp hành mệnh lệnh của trên, đêm 31.1.1968, tất cả đơn vị làm nhiệm vụ đánh vào thị xã Tam Kỳ tiến hành mở đường tiếp cận mục tiêu. Liên đội đặc công V16 xuống đến đường xe lửa, vào quận lỵ Quảng Tín thì bị địch phục kích, lực lượng trinh sát đi đầu hy sinh, ông Ty bị hai vết thương sau lưng và ở đùi do mảnh đạn pháo và đại liên của địch. Do vết thương quá nặng, ông bất tỉnh và bị địch bắt đưa vào nhà tù Chu Lai (Núi Thành). Trong 3 ngày bị giam ở Chu Lai, địch đánh đập tra khảo tàn bạo nhưng ông nghiến răng chịu mọi cực hình và trước sau chỉ nhận là dân công, bị bắt đi tải đạn (vì lúc bị bắt sau lưng ông còn mang gùi đạn và lương khô). Sau đó địch đưa ông ra giam ở nhà tù Non Nước (Đà Nẵng). Sau 3 tháng không khai thác được gì, chúng chuyển ông vào nhà giam Biên Hòa, rồi đưa ra nhà giam Phú Quốc. Trong tù, ông tham gia tổ chức thanh niên trung kiên của trại do Đảng bộ trại giam tổ chức để làm mũi tiến công đấu tranh với kẻ thù.

Bị địch bắt ở tuổi 17, cái tuổi đẹp nhất của đời người, trải qua các nhà tù của kẻ thù với những hình thức tra tấn dã man nhưng ông Ty vẫn một lòng hướng về ngày thắng lợi. Ông Ty nhớ lại, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 12.3.1973 ông được trao trả  tại Lộc Ninh. “Trước đó, những tin tức chiến thắng dồn dập từ bên ngoài báo hiệu cho chúng tôi ngày toàn thắng của quân ta không còn xa nữa. Ngày được tin Hiệp định Paris ký kết (27.1.1973) lòng chúng tôi vô cùng phấn khích. Trong mỗi chúng tôi tràn ngập nỗi vui mừng vì ngày sắp được tự do, vì cuộc kháng chiến dằng dặc gần hai mươi năm với biết bao hy sinh xương máu của dân tộc ta sắp đến ngày thắng lợi. Chưa được ra tù mà chúng tôi đã thấy tự do ngay trong mấy vòng gai thép. Hôm đó từ trại giam chúng tôi được chở trên 4 chiếc xe GMC để ra sân bay Phú Quốc. Dọc đường đi, chúng tôi hát vang những bài ca cách mạng. Những tên quân cảnh đi áp tải với nét mặt lầm lì, hậm hực nhưng chẳng tên nào dám mở miệng để dọa nạt cấm đoán chúng tôi. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng đang phần phật bay trong gió. Không ai bảo ai, chúng tôi gần như nhất loạt reo lên: Ôi cờ Giải phóng, cờ Giải phóng! Người nào cũng ràn rụa nước mắt trên gương mặt tươi cười” - ông Ty xúc động kể.

Sau khi được trao trả, ông Ty tham gia học nâng cao trình độ 3 tháng rồi trở về quê hương tiếp tục chiến đấu. Sau chỉnh huấn ông được đưa về Trung đội Trinh sát Tiểu đoàn 70, nhận chức vụ Trung đội trưởng. Ông tham gia cùng đơn vị tổ chức các trận đánh rừng Ran, đồn Rừng Nhưng (Tam Kỳ) năm 1973; đồn Hòn Gian, Nổng Gạch (Quế Sơn); đồn Trà Cai (Tam Kỳ) năm 1974 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, ông Ty chuyển về Đại đội 2 Công binh của Tỉnh đội, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở sân bay Chu Lai và nhiều vùng trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng để có đất cho dân sản xuất và kiến thiết quê hương. Đến bây giờ, trong ký ức ông Ty vẫn còn nhớ như in những tháng ngày cùng đồng đội làm nhiệm vụ đặc biệt này, nhất là ở khu vực sân bay Chu Lai. Đây là khu vực từng làm căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy nên số lượng bom đạn còn lại rất nhiều. Tuy không trực tiếp chiến đấu như khi đối mặt với kẻ thù nhưng hàng ngày, hàng giờ, cái chết luôn rình rập, chỉ cần sơ sẩy một chút là nguy hiểm đến tính mạng không chỉ cho mình mà còn cho cả đồng chí, đồng đội. Phương tiện dò gỡ lúc đó còn thô sơ, nhưng bằng tấm lòng và trách nhiệm của người lính, ông Ty đã cùng đồng đội thận trọng tỉ mỉ lần dò, đánh dấu, tiến hành tháo gỡ từng quả bom mìn và đưa đi tiêu hủy. Công việc nhiều nên ông cùng đồng đội tranh thủ cả nắng-mưa-trưa-sớm-chiều không ngừng nghỉ nhằm “lật mặt” những “thần chết” đang ẩn náu trong lòng đất.

Sau khi hoàn thành việc rà phá bom mìn, ông Ty chuyển ngành về Sở Xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng công tác cho đến khi nghỉ hưu. Về lại quê hương, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Thăng Tân. Trong 10 năm làm Bí thư Chi bộ, với phương châm “Nói đi đôi với làm; không ngại việc khó; vì lợi ích chung” và tinh thần tiền phong, gương mẫu, ông Ty đã góp sức giúp địa phương vượt qua thời kỳ gian khó. Hiện gia đình ông có 8 đảng viên, 3 người con đã tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, trong đó một người là tiến sĩ.

Mảnh đạn găm vào người từ ngày tham gia Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 vẫn còn trong cơ thể không lấy ra được, nhưng ông Ty vẫn đùa, đó là kỷ niệm luôn giữ trong mình về một thời chiến tranh khốc liệt. “Từ trong lao tù, chúng tôi là những người may mắn sống sót trở về. Còn rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng trước đòn roi tàn độc của kẻ thù. Trong ngày lễ kỷ niệm, tôi thường đi kể chuyện cho thế hệ trẻ nghe về cuộc chiến tranh đau thương cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Để các cháu cảm nhận, để hiểu và thấm thía giá trị cuộc sống yên bình, hạnh phúc hôm nay của đất nước của quê hương” - ông Ty chia sẻ.

HÀ AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ tuổi 17 kiên cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO