Từ tuổi 17 kiên cường

HÀ AN 03/05/2018 09:18

Trong kỷ yếu của Hội Tù yêu nước xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), tôi đặc biệt chú ý đến nhân vật Phan Đình Ty, bị bắt trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968, lúc này mới 17 tuổi và đã là Tiểu đội trưởng Đại đội Đặc công Quảng Nam. Phan Đình Ty bị giam cầm qua 3 nhà tù Non Nước, Biên Hòa, Phú Quốc và được trao trả ở Lộc Ninh vào năm 1973 sau ngày Hiệp định Paris được ký kết.

Ông Phan Đình Ty trong vườn nhà.
Ông Phan Đình Ty trong vườn nhà.

Phan Đình Ty sinh ra ở làng Thăng Tân, xã Tam Thăng, nơi mà mỗi rẻo cát trắng cũng trở thành địa đạo, mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ. Hầu như bất cứ người dân Tam Thăng nào sống trong thời đó đều cầm cuốc xẻng đào địa đạo, để trụ bám giữ đất giữ làng, để nuôi giấu cán bộ, bộ đội và tham gia làm cách mạng. Cha của ông Phan Đình Ty là đảng viên từ thời chống Pháp, mẹ là cơ sở cách mạng. Nhà có 11 chị em, chị gái đầu là bộ đội Quân khu 5. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1967, khi mới 17 tuổi Phan Đình Ty xung phong vào bộ đội, công tác ở đơn vị bộ đội Đặc công V16 của Tỉnh đội Quảng Nam.

Ông Ty nhớ lại, lúc ấy thanh niên trai tráng xung phong đi bộ đội đều được bước lên “Cầu vinh dự”. Cây cầu làm bằng tre đặt ở khu đất cát, giáp ranh giữa thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình để làm lễ tiễn thanh thiếu niên của xã lên đường nhập ngũ. Từng người một tiến lên “Cầu vinh dự” ký tên vào sổ vàng, được gắn Huy hiệu hình lá cờ giải phóng lên ngực. Họ vẫy tay chào người thân rồi bước qua phía bên kia cầu, lên đường tòng quân ngay trong đêm. “Lúc đó tôi bước lên “Cầu vinh dự” trong niềm hạnh phúc lâng lâng, bởi vì từ giờ phút ấy tôi đã là người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, là người con của Đảng, của nhân dân. Trách nhiệm nặng nề đã được mang trên vai, đó một vinh dự lớn lao mới mẻ, tôi tự nhủ sẽ cố gắng hết lòng, bởi sự kỳ vọng của người thân, của bà con dân làng. Tôi nhìn xuống, thấy các mẹ, các chị lén lau nước mắt, mỉm cười, giơ chiếc khăn tay vẫy nhìn với ánh mắt trìu mến, tin cậy” - ông Ty kể.

Bây giờ đã 50 năm trôi qua, nhưng ông Ty vẫn còn nhớ bài thơ “Qua cầu vinh dự” năm xưa: “Qua cầu dừng bước bên cầu/ Ký tên vào sổ thề câu trung thành/ Tài hùng trên đất Kỳ Anh/ Thề non hẹn biển quyết giành chiến công/ Ngày ấy con ra đi chân bước oai hùng/ Mẹ tiễn đưa con xóm làng trao tặng/ Tình cảm quê hương ôi thắm thiết ân tình/ Gửi lại quê hương những kỷ niệm êm đềm/ Biết nói gì đây trên chiếc cầu vinh dự/ Chỉ có lời thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh/ Nỗi căm hờn bè lũ giặc gây nên/ Thân trai trẻ phải lên đường tòng quân chiến đấu/ Ngày con ra đi trên chiếc cầu yêu dấu/ Chắc dưới chân cầu nước mắt mẹ tuôn rơi/ Đừng buồn chi nữa mẹ ơi/ Quê mình khói lửa con ngồi sao yên/ Thương con gác bỏ tình riêng/ Vì dân vì nước con thề nguyền ra đi/ Ôi lời nói thân thương của người trai nơi xứ cát/ Mà nghĩa nặng ơn sâu như biển rộng sông dài/ Qua cầu dừng bước bên cầu/ Ký tên vào sổ thề câu trung thành/ Quyết lòng vì Đảng vì dân/ Đánh xong lũ giặc lập công đem về/ Đây chiếc cầu tre mang tên cầu vinh dự/ Tre vẫn là tre mà mang lời thề/ Nghĩa sao thúc giục ta mau cất bước lên đường/ Nối bước cha ông chiến đấu ngoan cường/ Trăm trận đánh, trăm phần chiến thắng/Mang vinh dự về cho đất mẹ Kỳ Anh”.

Tuổi 17 với thể lực dồi dào và sự sắc sảo, nhanh nhạy hơn người, ông Ty được chọn vào đơn vị đặc công của tỉnh. Ông đã trải qua những ngày huấn luyện gắt gao, được giám sát kỹ lưỡng, bởi lính đặc công phải là người có tinh thần thép, mưu mẹo nhất, quật cường và anh dũng nhất; phải có ý chí quyết tâm đặc biệt cao, bản lĩnh chiến đấu đặc biệt giỏi, tinh thông điêu luyện về kỹ thuật, chiến thuật vì khi làm nhiệm vụ phải luồn sâu, áp sát kẻ thù, độc lập tác chiến... Có một kỷ niệm khó quên là khi cùng đồng đội đi nắm tình hình, địa bàn địch đóng quân ở núi Trà Quân, Bắc Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân, huyện Núi Thành), ông Ty bị lạc và mất liên lạc với đơn vị. Bảy ngày đêm ở trên núi, đây là vùng trắng, không có dân, ông chỉ ăn toàn lá và trái cây, uống nước lã cầm hơi, tối leo lên cây ngủ để tránh thú rừng. Tuy một mình trên núi trong hoàn cảnh khó khăn ông vẫn thực hiện nhiệm vụ được giao, trèo lên cây cao quan sát địa hình, các hoạt động của địch, đồng thời xác định phương hướng để tìm cách về đơn vị. Vừa đi vừa quan sát, đến ngày thứ 7 thì ông về tới đơn vị. Ông Ty bảo: “Lúc đó tôi không sợ gì hết, chỉ sợ về không kịp để tham gia trận đánh đặc biệt với đơn vị”.

Ông Ty còn kể, lúc ấy sau nhiều ngày không thấy ông trở về, đơn vị nghĩ rằng ông đã hy sinh nên làm giấy báo tử, đưa tư trang về quê hương. Gia đình lập bàn thờ, địa phương làm lễ truy điệu cho ông. Mọi người trong nhà khóc ngất, nhất là mẹ và chị gái. Sau đó ông tham gia chiến dịch Mậu Thân, bị bắt và ở tù nên gia đình vẫn không hề biết ông còn sống. Thương cho mẹ và chị gái ông, năm 1972 đều hy sinh, trước lúc mất vẫn không biết được rằng đứa con và đứa em yêu quý vẫn còn sống, đang ở trong nhà tù Mỹ - ngụy. Còn ông Ty, năm 1975 khi trở về quê hương mới biết sự thật đau lòng, mẹ và chị không còn nữa, trong đó chị ông là Phan Thị Hòa đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt...

(Còn nữa)

HÀ AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ tuổi 17 kiên cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO