Từ những năm đầu thế kỷ XX, Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh cùng các nhà Duy tân đã đề xướng chủ thuyết “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trong đó, “khai dân trí” chủ yếu là khai phóng về giáo dục, kêu gọi và thực hành thực học để thực nghiệp.
Với bài viết Hiện Trạng Vấn Đề trên Đăng cổ Tùng báo năm 1907, cụ Phan đã bày tỏ tâm huyết: Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.
Với tác phẩm Tỉnh quốc hồn ca (II), cụ Phan Châu Trinh lại tiếp tục gióng lên tiếng chuông thức tỉnh về giáo dục, nêu lên mơ ước tha thiết rằng:
Ước học hành mở cho xứng đáng,
Đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua,
Công thương kỹ nghệ chuyên khoa,
Trí tri cách vật cho ta theo cùng,
Cuộc điều dưỡng mở trong dân sự,
Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm,
Làm cho bá tánh yên tâm,
Làm cho kinh tế càng năm càng giàu…
Trải hơn thế kỷ kể từ khi cụ Phan trình bày ước nguyện trước công luận, qua bao thăng trầm lịch sử, giáo dục ở nước ta có những bước tiến đáng kể, bắt đầu xóa nạn mù chữ - chống “giặc dốt”, rồi đến đầu tư cơ sở trường lớp các cấp học, nay số lượng người được học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước khá đông đảo. (Năm học mới vừa khai giảng có thống kê cho biết cả nước có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên).
Tuy nhiên, thực tiễn việc học hành được đánh giá thế nào là điều còn phải bàn, phải chăng về lượng thì đạt được “mục tiêu thiên niên kỷ” là phổ cập giáo dục tiểu học (từ năm 2015), còn chất lượng giáo dục, nhất là ở bậc học cao hơn, thì có nhiều vấn đề gây băn khoăn?
Có những nan đề phát sinh nhiều năm song chưa được giải quyết căn bản. Chẳng hạn từng xảy ra nạn chạy bằng cấp, chạy đua thành tích vô lối trong giảng dạy, chương trình nặng nề kiến thức không phù hợp, không hữu ích cho việc “thực nghiệp”. Những điều đó gây sức ép lên xã hội, khiến không ít lần dư luận lên tiếng chỉ trích giáo dục thiếu tinh thần “thực học” như cụ Phan Châu Trinh từng khởi xướng.
Rồi việc “chảy máu chất xám” khi nhiều người giỏi ra nước ngoài du học, ở lại làm việc cho quốc gia khác, trong khi trong nước thì vẫn khát vọng… “cháy cổ” về nguồn nhân lực chất lượng cao, vậy thì đâu là mục tiêu học hành thành tài để phụng sự đất nước, dân tộc, làm cho nước ta phú cường?
Đáng lo hơn cả là có hiện tượng tiêu cực phát sinh trong một số trường học, cơ sở đào tạo, ghi điểm trừ khá lớn về nhân cách cả thầy và trò khi để xảy ra nạn bạo hành, nạn chạy điểm, chạy trường, chạy lớp. Mới đây dư luận lại ồn ào vì có vụ việc phải “bốc thăm” mới được đi học trường công lập; rồi vào mùa tuyển sinh thì có hàng trăm nghìn thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển đại học; nỗi lo về tăng học phí v.v.
Qua những vụ việc trên và những tồn tại hạn chế nhiều năm cho thấy để thực hiện đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục đòi hỏi vượt qua nhiều thử thách. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu trên báo chí rằng: “Nếu như năm học 2021-2022 là năm kiên trì mục tiêu chất lượng, cố gắng hoàn thành kế hoạch thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới”. Thiển nghĩ, để đạt được mục tiêu ấy không dễ nếu quyết tâm và biện pháp thực hiện chưa tương ứng!
Nỗi ưu tư về giáo dục vẫn không ngừng chảy theo sự phát triển của đời sống xã hội. Thời cụ Phan Châu Trinh khác thời nay, khác ngay với một chủ thuyết giáo dục cũng do một người Quảng - GS. Hoàng Tụy từng khởi xướng là “Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hóa Giáo dục”. Nhưng dù có theo triết lý, chủ thuyết nào, ở thời nào thì việc “thực học” như cụ Phan Châu Trinh đã từng gieo ước mơ, khát vọng, sẽ luôn là một giá trị, là hằng số.