Giáo dục - Việc làm

Tư vấn hướng nghiệp học sinh: Lựa chọn cơ hội tương lai

BQN 07/04/2024 10:47

Tư vấn hướng nghiệp và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chiếm vị trí quan trọng trong câu chuyện giáo dục. Đây cũng là thời điểm học sinh THPT đang chuẩn bị làm hồ sơ thi tốt nghiệp và xét nguyện vọng vào đại học. Tư vấn hướng nghiệp sớm sẽ giúp các em có nhận thức đúng đắn về khả năng, nhu cầu nhân lực lao động trong tương lai và có lựa chọn đúng với sở trường, năng lực của mình. Tại Quảng Nam, những hoạt động tư vấn hướng nghiệp sôi nổi, góp phần hỗ trợ và đồng hành với học sinh THPT xác định ngành nghề, trường học các em yêu thích...

tu-van-huong-nghiep-cover-desktop.png

Tư vấn hướng nghiệp và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chiếm vị trí quan trọng trong câu chuyện giáo dục. Tư vấn hướng nghiệp sớm sẽ giúp các em có nhận thức đúng đắn về khả năng, nhu cầu nhân lực lao động trong tương lai và có những lựa chọn đúng với sở trường, năng lực của mình.

1(1).png

Từ chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, tư vấn mùa thi cho đến “đưa trường học đến với thí sinh”... đã mở ra nhiều kênh tiếp cận thông tin về tuyển sinh cho học sinh Quảng Nam.

Cầu nối từ truyền thông

Chị Lê Thị Diệu Hiền - Trưởng văn phòng Đại diện Báo Thanh niên khu vực duyên hải miền Trung cho biết, hồi đầu tháng 3, chương trình “Tư vấn mùa thi” do Báo Thanh niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức, đã thu hút hơn 4.000 học sinh Quảng Nam tham gia.

z5308601524287_be135ff16388a0d362ae3e4cf111e61a.jpg
Học sinh Quảng Nam tham gia tư vấn tuyển sinh. Ảnh: M.C

Từ thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh đại học cho đến xu hướng về ngành nghề đào tạo, cơ hội trúng tuyển các nhóm trường, những ngành học “hot” khi tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm cao, phương thức xét tuyển nào nhiều cơ hội trúng tuyển… được giới thiệu khá cặn kẽ. Ngoài ra, chương trình tư vấn, giải đáp thắc mắc của học sinh từ các chuyên gia giáo dục, các thầy cô ở trường đại học mang đến rất nhiều thông tin cần thiết cho các em.

“Qua 26 lần tổ chức chương trình tư vấn mùa thi, chúng tôi nhận thấy nhu cầu thông tin tuyển sinh của học sinh THPT rất lớn. Ở các thành phố lớn, các em được tiếp cận với rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, đối với học sinh ở khu vực các tỉnh thành khác hoặc vùng nông thôn, các em gặp rất nhiều hạn chế về các kênh thông tin tuyển sinh. Đây cũng là lý do để Báo Thanh niên liên tục chọn các địa phương của tỉnh Quảng Nam để thực hiện chương trình Tư vấn mùa thi” - chị Lê Thị Diệu Hiền chia sẻ.

tu-van-mua-thi.png

Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Quảng Nam có 17.555 thí sinh tham gia dự thi.

Cũng với mục đích mang lại thông tin tuyển sinh đa dạng, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” vừa tổ chức tại huyện Tiên Phước cung cấp những thông tin từ các chuyên gia giáo dục nhằm giúp học sinh khối 12 xác định đúng ngành nghề phù hợp, chuẩn bị hành trang vào đời.

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đến những thay đổi trong quy chế tuyển sinh, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thí sinh và cung cấp thông tin về tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng cũng như giúp các em khám phá sở thích nghề nghiệp và tư vấn cho các em những ngành học phù hợp nhất, được những người tổ chức thực hiện thành công.

Trường Đại học Quảng Nam tích cực tư vấn tuyển sinh

Nhiều năm nay, Trường Đại học Quảng Nam tích cực tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT tại các trường trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ sau tết, đoàn tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Quảng Nam đã đến trực tiếp tại các trường THPT để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.

z5305328653711_47d3eea3e31f4a85c9f76f1e043ed6d2.jpg
TS. Nguyễn Thị Hồng Ngự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam trả lời thắc mắc của học sinh tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” tại Tiên Phước.Ảnh: H.S

Mỗi năm, nhà trường tổ chức 15 đoàn tư vấn tuyển sinh đến 30 trường THPT trên địa bàn tỉnh với hơn 120 lượt giảng viên tham gia tư vấn. Ngoài ra, Trường Đại học Quảng Nam mở rộng đối tượng tư vấn sang các tỉnh lân cận nhằm thu hút các thí sinh ngoài sư phạm.

Các học sinh đa số rất hào hứng với các thông tin mà nhà trường cung cấp. Từ băn khoăn của học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường, môi trường học tập, phương thức xét tuyển, học phí đào tạo cũng được nhiều học sinh quan tâm và chính sách đối với các ngành học sư phạm và ngoài sư phạm đã được Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp cặn kẽ.

Cơ hội nghề nghiệp là điều thí sinh rất quan tâm. Các em mong muốn việc chọn ngành nghề ngoài phù hợp với sở thích của bản thân thì sau khi tốt nghiệp các em tìm được việc làm ngay tại địa phương để góp phần phát triển quê hương.

Các hình thức hướng nghiệp được tổ chức đa dạng gồm: tư vấn trực tiếp tại lớp trong giờ ra chơi, tư vấn trực tiếp tại lớp trong tiết hướng nghiệp, tư vấn trực tiếp 15 phút đầu giờ học...

z5314138247516_bc8ae3331ab83c0c3e33c32676a67bff.jpg
Học sinh tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh của trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: H.S

Sau khi kết thúc từng đợt tư vấn, Tổ tư vấn tiến hành phân công các thành viên thống kê phiếu khảo sát và phân loại theo ngành để tư vấn hằng ngày qua các kênh như điện thoại, trao đổi tin nhắn qua Facebook, Fanpage, Messenger, Zalo, Usechat... và đồng thời chuyển dữ liệu về các khoa chuyên môn để các khoa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 12.

Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh và đa dạng qua các kênh. Từ tư vấn trực tiếp tại các trường THPT, đoàn tư vấn kết nối các trang Facebook và Fanpage... của các trường THPT các trang tuyển sinh của Trường Đại học Quảng Nam, tạo mạng lưới kết nối thông tin trên các nền tảng số. Điều này giúp các em có thể được giải đáp một cách nhanh chóng và hiệu quả những vấn đề liên quan đến việc định hướng nghề và chọn nghề.

Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học tại Trường Đại học Quảng Nam tăng khá cao (năm 2021 đạt 46,5%, năm 2022 đạt 50,7%, năm 2023 đạt 63,7%). Điều này cho thấy hiệu quả nhất định của công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh.

z5305399815666_f00d8cefb22f6d7f8c5615dd62f2fc51.jpg
Thống kê kết quả tuyển sinh 3 năm gần đây tại trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: H.S

Cạnh đó, sau dịch COVID -19, học sinh mong muốn được học gần nhà. Hơn nữa, Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm cũng là một trong những yếu tố khiến số lượng hồ sơ đăng ký ngành sư phạm tăng đột biến.

Ngoài ra, theo báo cáo khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Quảng Nam, số lượng sinh viên có việc làm cũng tăng cao trong những năm gần đây (năm 2021 là 67,8%, năm 2022 là 80.8%, năm 2023 là 86,8%).

2.png

Một cách hướng nghiệp và tư vấn khá đặc biệt từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Quảng Nam, khi chính các cựu học sinh của trường sẽ trở về nói chuyện, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm học tập, định hướng nghề nghiệp cho đàn em của mình...

Thầy giáo Lê Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam cho biết, hoạt động giao lưu giữa các thế hệ học sinh luôn được duy trì từ nhiều năm qua. Đó chính là cơ hội để hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh đang theo học tại trường.

img_0016.jpg
Chương trình giao lưu hướng nghiệp tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

“Những kinh nghiệm thực tiễn trong việc chọn lựa ngành nghề, cũng như nỗ lực phấn đấu trong học tập, kỹ năng sống của các thế hệ cựu học sinh được chia sẻ giúp học sinh nhà trường có thêm lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bởi các thế hệ cựu học sinh được mời về giao lưu hằng năm đều là “nhân chứng sống” khá thành đạt, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng miền núi” - thầy Sơn chia sẻ.

Tại các buổi giao lưu hướng nghiệp, ngoài sinh viên có thành tích xuất sắc đang theo học tại các trường đại học, khách mời còn có thêm các cựu học sinh là những cán bộ chủ chốt của các huyện miền núi tham gia chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, cũng như quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Cách làm này được xem là hướng đi mới và sáng tạo trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh miền núi, giúp định hướng nghề phù hợp, nhất là trong thời điểm học sinh đăng ký nguyện vọng thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sắp tới.

img_0014.jpg
Cựu học sinh chia sẻ câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

“Kinh nghiệm của các anh chị đi trước sẽ là bước đệm hỗ trợ cho các em trong việc lựa chọn đúng ngành nghề để theo học. Đồng thời tích lũy kinh nghiệm sống, tiếp tục đổi mới trong học tập, trở thành nguồn nhân lực cho các địa phương miền núi sau này. Điều rất đáng mừng, là sau thời gian duy trì hoạt động giao lưu hướng nghiệp này, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT và đại học hằng năm đều tăng cao” - thầy giáo Lê Đức Sơn nói.

Từng tham gia nhiều chương trình giao lưu hướng nghiệp cho học sinh miền núi tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam, ông Lalim Hậu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang nói, rất nhiều câu chuyện thú vị được chia sẻ, gợi mở hướng đi mới đầy bổ ích từ các “nhân chứng sống” cho học sinh.

“Đặc biệt hơn nữa, các cựu học sinh đến giao lưu đa số là cán bộ chủ chốt của các huyện miền núi. Điều này mở ra cơ hội để các em có cách nhìn và quyết định hướng đi phù hợp cho bản thân, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của từng địa phương hiện nay. Đó cũng được xem là một cách “đặt hàng” rất sớm từ lãnh đạo các địa phương miền núi” - ông Lalim Hậu nói.

1(2).png

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với cấp THPT được nhận định là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giáo dục kết hợp hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp vào các môn học.

Thuận lợi trong giảng dạy

Cụ thể, cấp THPT (từ lớp 10 đến lớp 12), ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Trong chương trình này, giáo dục kết hợp hướng nghiệp được lồng ghép tích hợp vào các môn học. Qua đó giúp học sinh sớm có cơ hội tiếp cận và nhận thức được nhiều hơn về các ngành nghề, cũng như sớm xác định được khối ngành trong tương lai. Điều này cũng giúp học sinh có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, tập trung vào những môn trọng tâm để thi hoặc xét tuyển đại học.

day-to-hop.jpg
Việc phân chia lớp học theo tổ hợp môn giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy để học sinh dung nạp kiến thức tốt, hiệu quả. Ảnh: H.Đ

Thầy giáo Lê Văn Ngạt - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (thị xã Điện Bàn) cho biết, hiện trường có gần 1.750 học sinh với tổng số 43 lớp học của 3 khối, riêng khối 12 có 13 lớp học với 527 học sinh.

Khối lớp này khi bước vào năm học 2023 – 2024 thì mới bắt đầu phân chia lớp theo nhu cầu của học sinh theo tổ hợp môn tự nhiên và xã hội. Để việc phân chia hợp lý, nhà trường đã khảo sát, tư vấn nhu cầu của học sinh, từ đó theo nguyện vọng đã hình thành nên 5 lớp học tổ hợp môn tự nhiên và 8 lớp tổ hợp môn xã hội.

“Thuận lợi là sau khi các em thi học kỳ xong thì việc ôn tập rất hiệu quả khi chương trình ôn tập đúng trọng tâm, kiến thức phù hợp. Điều này giúp các em hăng say học tập hơn, tránh tình trạng những em theo tổ hợp môn tự nhiên không hứng thú khi ôn tập các môn xã hội và ngược lại” – thầy giáo Ngạt cho biết.

Hiệu trưởng Lê Văn Ngạt cho biết thêm, việc chia lớp sẽ thuận lợi cho công tác giảng dạy vì nhà trường phân chia đội ngũ giáo viên phù hợp. Tức những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ở các môn tự nhiên sẽ phụ trách các lớp tự nhiên và tương tự với tổ hợp môn xã hội. Từ đó, các giáo án giảng dạy sẽ chuyên sâu nhằm giúp các học sinh học tập tốt hơn.

Qua các kỳ thi giữa kỳ, học kỳ thì mình sẽ đánh giá được từng em rồi xây dựng kế hoạch giảng dạy chi tiết để hướng hàm lượng kiến thức cho các em thi tuyển đại học.

Thầy giáo Lê Văn Ngạt

Đối với các khối lớp 10, 11 hiện nay, nhà trường đã tư vấn, phân luồng học sinh theo tổ hợp môn ngay từ tuyển sinh đầu vào. Nhờ tư vấn kỹ lưỡng cho học sinh, phụ huynh nên đến nay chưa có trường hợp chuyển tổ hợp tại ngôi trường này.

“Chỉ có một trường hợp chuyển trường nhưng chúng tôi đã bổ túc cho em các môn chưa được học để em hoàn thành chương trình và theo kịp các bạn. Nên nhìn chung là thuận lợi khi phân chia lớp học theo tổ hợp môn dựa trên sở trường, nguyện vọng của học sinh” – thầy Ngạt đánh giá.

Học sinh gặp khó khi chuyển tổ hợp

Trường THPT Núi Thành nhiều năm nay luôn có chất lượng tuyển sinh khá tốt. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhà trường, việc phân chia lớp học cố định theo tổ hợp môn học sẽ dễ gây hiện tượng các học sinh có năng lực học tập khá, giỏi tập trung vào một vài lớp và các lớp còn lại sẽ là các học sinh có năng lực kém hơn.

Chia lớp theo tổ hợp môn tự nhiên và xã hội sẽ gây phân hóa học sinh rất lớn. Điều này làm cho các hoạt động, phong trào của các lớp không đồng đều nên việc phát triển toàn diện cho các em sẽ khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Triều - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành

Đồng thời ngay từ đầu cấp, học sinh vẫn chưa có định hướng rõ ràng cho việc chọn nghề nghiệp. Do đó, việc chọn tổ hợp môn xã hội hay tự nhiên đôi khi còn theo cảm tính của học trò. Do đó nếu phân chia ngay từ khối lớp 10 sẽ dễ dẫn đến hiện tượng học sinh thay đổi tổ hợp.

“Điều khó là khi thay đổi tổ hợp thì các em phải tự bổ túc kiến thức, học tập các môn chưa học để hoàn thành chương trình khiến các em sẽ tốn kém thời gian. Và nhà trường cũng thêm phần khó khăn trong kế hoạch giảng dạy, tổ chức lớp bổ túc… Vì vậy, các giáo viên chấp nhận vất vả hơn bằng việc tổ chức lớp ôn tập theo tổ hợp môn không thu phí cho các em, miễn sao các em phát huy được sở trường, phát triển toàn diện” – thầy Triều cho biết.

Thầy giáo Trần Quốc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn) nhìn nhận thêm, khó khăn nhất chính là việc khi học sinh chuyển tổ hợp môn học từ tự nhiên qua xã hội và ngược lại hoặc trường hợp chuyển trường.

“Năm học này chúng tôi có 4 trường hợp chuyển tổ hợp, chuyển trường. Vì chưa có cơ chế tài chính mở lớp bổ túc, số lượng ít ỏi nên các em phải tự học” – thầy Tuấn nói.

Tương tự, thầy giáo Lê Văn Ngạt cho biết: “Việc chủ động xây dựng các môn trong tổ hợp môn của các trường dẫn đến tình trạng nếu học sinh chuyển trường thì dù không chuyển tổ hợp môn nhưng vẫn có môn chưa học nên học sinh phải bổ túc kiến thức nền để theo kịp. Vì vậy, nếu phân chia lớp khi các em bước vào khối 12 vẫn là hợp lý nhất” – thầy Lê Văn Ngạt đánh giá.

2(1).png

Ngoài việc giúp học sinh hiểu hơn về ngành nghề, công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mà các trường đại học, cao đẳng đang thực hiện gần giống với hoạt động marketing của các trường, đôi bên cùng có lợi. Đây là nhận định từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước khi đang tích cực tham gia lẫn tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

Ông Trịnh Hoàng Xuân Phúc, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương:
“Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp giúp học sinh dễ dàng tiếp cận được ngành học, trường học”

1(4).png

Đối với công tác hướng nghiệp, tại trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên đã tổ chức cho học sinh đầu cấp, ngay tại trường, giúp các em hiểu rõ ngành, chọn trường đúng, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Còn công tác tư vấn tuyển sinh, là đưa thông tin cho các em về những ngành nghề đào tạo của một trường cao đẳng - đại học, chính sách, học phí, học bổng…

Hai mảng trên khác nhau, nhưng đi chung, bổ trợ cho nhau, tương hỗ nhau. Công tác hướng nghiệp tốt thì giúp công tác tuyển sinh dễ dàng, thuận lợi cho các trường. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng. Tôi nghĩ, các trường cũng cần nghiên cứu để ứng dụng AI vào công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Theo đó, thông qua các dữ liệu của người học, trí tuệ nhân tạo có thể phân tích, đưa ra những lời khuyên, định hướng cho học sinh chọn ngành và trường học, hiểu rõ về công việc của mình khi chọn một ngành, nghề sẽ học. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 244 trường đại học công lập, ngoài công lập. Do vậy, hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp giúp các em tiếp cận được ngành học, trường học dễ dàng hơn.

Bà Ngô Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh:
Ba giai đoạn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp

2(3).png

Chương trình tư vấn hướng nghiệp của trường chúng tôi được thực hiện dựa trên kế hoạch công tác năm, nhằm định hướng và thông tin tới học sinh THPT trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong toàn quốc. Ban đầu, chúng tôi định hướng và hỗ trợ tư vấn cho học sinh THPT biết cách chọn nghề, ngành, trường phù hợp với năng lực, sở trường và đam mê của từng em, do các thầy cô chuyên gia tâm lý, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư vấn nghề nghiệp.

Sau đó, chúng tôi tổ chức các chuyên đề học tập trực tiếp tại các trường THPT hoặc tại chính trường đại học - cho học sinh đăng ký tham quan và học trải nghiệm, tìm hiểu sâu về các ngành mà trường đang đào tạo. Cuối cùng, kết hợp giữa định hướng nghề nghiệp và truyền đạt thông tin tuyển sinh, phương thức xét tuyển, các ngành, chương trình đào tạo của trường trong năm học đang diễn ra ngay khi đề án tuyển sinh của trường được công bố.

Các giai đoạn trên sẽ giúp học sinh THPT quan tâm vào trường, có cái nhìn tổng quát về cơ sở vật chất, môi trường học tập, văn hóa trường đại học; đặc biệt chi tiết, cụ thể về các chương trình đào tạo của trường, giúp các em có thể đưa ra các quyết định phù hợp - chọn ngành học phù hợp với năng lực của mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing:
“Hướng nghiệp cho học sinh là một hoạt động cộng đồng quan trọng”

3(2).png

Công tác hướng nghiệp - tư vấn tuyển sinh dành cho học sinh tỉnh xa rất quan trọng, qua đó giúp các em nắm bắt đặc thù ngành nghề theo học, trường sẽ học cũng như các công việc tương lai, vị trí việc làm đối với ngành nghề muốn thi vào.

Công tác tuyển sinh có những thay đổi liên tục theo năm, nên công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cần thiết thực hiện hằng năm. Trong đó, việc đến trực tiếp để lắng nghe, giúp các em học sinh tìm hiểu sâu về ngành nghề theo học khá quan trọng.

Theo tôi, công tác này đối với trường đại học như một hoạt động phục vụ cộng đồng, muốn chia sẻ cho học sinh cơ hội học tập tốt nhất, nhu cầu của mình đối với ngành học tương lai.

3.png

Nhiều học sinh chọn cách tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học để có cơ hội đậu đại học. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo và phụ huynh mong muốn Bộ GD-ĐT phải quản lý, giám sát.

Thầy Lê Thành Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP. Hội An) cho biết, những năm gần đây, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số đại học khác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để đánh giá chất lượng đầu vào của thí sinh.

ky-thi-danh-gia-nang-luc-1.jpg
Không thuộc chương trình của Bộ GD-ĐT nên các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy có ảnh hưởng nhất định đến cả học sinh và các trường THPT. Ảnh: H.Đ

Nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học này để phục vụ tuyển sinh. Vì vậy, các học sinh thường tham gia để tự đánh giá năng lực của bản thân cũng như mở ra cơ hội lựa chọn trường đại học và ngành học thích hợp theo nguyện vọng.

Để tạo điều kiện cho học sinh, hằng năm, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông đều cung cấp đầy đủ thông tin về kỳ thi này đến học sinh. Số lượng học sinh tham gia cũng tăng lên mỗi năm.

Năm 2024 có 9 đơn vị tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy để tuyển sinh đại học với 26 đợt thi. Riêng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, có 105 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả thi của trường để tuyển sinh. Và đợt 1, trường này đã công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi tính đến ngày 4/3 đạt kỷ lục 96.070 thí sinh.

Tương tự, trong những năm gần đây, số lượng học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn) ngày càng tăng lên, ước tính khoảng 800/1.637 học sinh của nhà trường. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nhà trường đã thông tin cụ thể về lịch đăng ký, đợt thi, ngày công bố kết quả để học sinh chủ động tham gia.

ky-thi-danh-gia-nang-luc-2.jpg
Ngày càng nhiều học sinh khối 12 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường Đại học tổ chức. Ảnh: ĐH. QGHCM

Tuy nhiên, theo thầy giáo Trần Quốc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực không phải là nguyên nhân chủ yếu để tỷ lệ học sinh đậu đại học tăng lên.

Hiện tại, kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức không có sự phối hợp thông tin, định hướng kiến thức, yêu cầu cần đáp ứng của thí sinh dự thi… giữa các trường đại học với các trường THPT nên phía nhà trường không thể tư vấn hay hỗ trợ ôn tập kiến thức cho học sinh.

Các học sinh phải tự mình ôn tập kiến thức, tự tìm hiểu các vấn đề liên quan đến kỳ thi cũng như sắp xếp thời gian tham gia. Chưa có con số thống kê cụ thể học sinh đậu đại học qua kênh này nhưng việc có các kỳ thi đánh giá năng lực cũng tạo cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng cho học sinh

Thầy giáo Trần Quốc Tuấn

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành Nguyễn Tấn Triều cho rằng, tổ chức quá nhiều kỳ thi về đánh giá năng lực của các trường đại học sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập của học sinh. Theo đó, dựa trên việc xét học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực thì nhiều học sinh đã biết được mình đậu xét tuyển đại học nên có phần chểnh mảng trong thời gian còn lại.

Đồng thời các kỳ thi này không thuộc chương trình của Bộ GD-ĐT nên khá bị động cho học sinh. “Lịch thi chỉ là dự kiến nên có thể thay đổi khiến ảnh hưởng đến việc học tập tại trường của học sinh. Nhưng vì các em thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện để các em tham gia. Các phụ huynh đã từng phản ánh rằng các kỳ thi này phải tự con em họ tìm hiểu thông tin, tìm kiếm phương pháp ôn tập trên mạng internet là bất cập và cần sự quản lý từ Bộ GD-ĐT” – thầy giáo Triều nói.

Nội dung: LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN - HOÀNG ĐẠO - HỒNG SANH - BÌNH MINH - ĐÔNG YÊN

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tư vấn hướng nghiệp học sinh: Lựa chọn cơ hội tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO