(QNO) - Trong buổi tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2018 của ĐH Đà Nẵng, mối quan tâm của nhiều học sinh là chọn học ngành gì để có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Thí sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng. Ảnh: C.N |
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Cùng bạn chọn trường” năm 2018 do ĐH Đà Nẵng tổ chức sáng nay 25.3 tại Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), mối quan tâm hàng đầu của nhiều học sinh là chọn ngành học như thế nào để có việc làm sau khi tốt nghiệp. Có lẽ, con số thêm 200 nghìn cử nhân thất nghiệp trong năm 2017 do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) công bố, khiến nhiều thí sinh quan tâm đến vấn đề này.
Trả lời băn khoăn của Võ Trịnh Anh Khoa (học sinh Trường THPT Trần Cao Vân) về cơ hội việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế, thầy Đào Hữu Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thông tin, hơn 90% sinh viên ĐH Đà Nẵng có việc làm ổn định sau một năm tốt nghiệp và tỷ lệ này đối với Trường ĐH Kinh tế là hơn 95%.
Thí sinh đọc báo tìm hiểu ngành nghề đào tạo. Ảnh: C.N |
Hằng năm, Trường ĐH Kinh tế phối hợp các doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm ngay trong trường nên cơ hội việc làm của sinh viên là rất lớn, nhất là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi. Tuy nhiên, thầy Hòa tư vấn thêm, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần chú ý thứ tự ưu tiên theo nguyện vọng, cần chọn ngành nghề mình yêu thích nhất cho nguyện vọng 1. “Đặc biệt, trong chọn ngành nghề, thí sinh chú ý không chọn ngành cho hiện tại, mà phải chọn cho tương lai, cho 5 năm, thậm chí 10-15 năm sau. Bởi vì, có những ngành nghề “hot” năm nay nhưng vài năm sau lại dư thừa nhân lực” - thầy Hòa nói.
Tham gia chương trình tư vấn là các đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng như: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Ngoại ngữ, CĐ Công nghệ thông tin, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh..., thu hút hàng trăm học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các huyện lân cận. Các đơn vị đã giới thiệu những thông tin quan trọng, những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018; đồng thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ, tư vấn cho học sinh những vấn đề liên quan đến việc chọn ngành nghề cũng như mức học phí, học bổng... |
Về cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành cơ điện tử như lo lắng của một học sinh Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ), đại diện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, Quảng Nam có nhiều nhà máy, khu công nghiệp cần nhân lực ngành cơ điện tử nên sinh viên có thể yên tâm về cơ hội việc làm khi tốt nghiệp.
Các ngành học nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được khá nhiều học sinh quan tâm. Các thầy cô trong tổ tư vấn của các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đều thông tin về những ngành học mới hoặc tổ hợp xét tuyển mới, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như sự cân đối giữa các ngành để phù hợp với xu thế của tương lai. Riêng Trường ĐH Kinh tế có thêm 2 ngành mới là thống kê kinh tế và thương mại điện tử để đón đầu xu hướng của tương lai.
Một số thí sinh nán lại sau chương trình để được tư vấn thêm. Ảnh: C.N |
Một học sinh Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình) hỏi: “Em không giỏi tiếng Anh, liệu khi học ngành quản trị kinh doanh có phù hợp hay không và ra trường có dễ xin việc hay không?”. Thầy Hòa cho biết, từ khóa tuyển sinh 2014, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng có quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên hệ đại học chính quy. Đó là sinh viên phải có năng lực tiếng Anh tương đương B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nên nhà trường phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng tạo điều kiện cho sinh viên học và thi để đạt chuẩn đầu ra.
Bên cạnh đó, còn có nhiều thí sinh thắc mắc về các tổ hợp xét tuyển năm nay của các trường. Trần Thanh Trí (học sinh Trường THPT Hùng Vương) khá bất ngờ khi ngành báo chí (Trường ĐH Sư phạm) năm nay không xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa mà lại xét 3 tổ hợp gồm Văn, Địa, Anh; Văn, Giáo dục công dân, Toán; Văn, Giáo dục công dân, Anh. Thầy Nguyễn Vinh San - Phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Sư phạm) cho rằng, nhà trường chọn các tổ hợp xét tuyển đối với ngành báo chí như năm nay là điều cần thiết cho các nhà báo trong tương lai, vì nhà báo tác nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không riêng lĩnh vực xã hội...
CHÂU NỮ