Những cuộc chiến tranh trong thế kỷ hai mươi đã ngừng hẳn, thế nhưng trên khắp da thịt quê hương tôi vẫn còn sót lại chi chít những hố bom.
Qua năm tháng, nhiều hố bom không còn sâu hoắm, nhiều bùn rong. Phần thì các thế hệ gia đình đã cùng nhau lấp đất xuống, phần thì những trận lụt, những cơn mưa đã kéo theo một lượng đất cát xung quanh trôi vào, tạo thành những vùng trũng vừa phải, giàu mùn đất và độ ẩm.
Ngoại trừ những năm mùa mưa kéo dài, hố bom bì bõm nước và tiếng ếch nhái kêu râm ran suốt đêm ngày, thời gian còn lại, vùng lòng chảo dưới hố bom bao giờ cũng mướt xanh bởi đủ loại rau trái. Nào rau muống, rau thơm, cà, ớt, rồi các loại môn ngứa, môn tím, môn lựu đạn. Những giống môn lá xanh rì, cành nào cành nấy to và chắc nịch.
Mùa hè, khi khói bếp của bữa cơm chiều bắt đầu bay lên, mẹ thường sai tôi và chị hai cầm liềm xuống hố bom sau nhà để trảy rau cho heo. Chúng tôi thường bắt gặp ở đáy hố bom những khóm rau khúc mướt xanh. Đây là loài rau dại, thường mọc ở các chân ruộng, lẫn trong đám rơm rạ, cỏ mục.
Mẹ bảo mùa của rau khúc thường là mùa mưa, khi vụ lúa cuối cùng trong năm kết thúc. Thế nhưng, bằng quan sát thực tế của một đứa trẻ quanh năm chăn bò, “trinh sát” hầu hết vùng đất đồng làng thì tôi kết luận, rau khúc mọc quanh năm, mọc bất kể nơi nào.
Rau khúc có mặt dưới bờ mương, giữa luống cày, bên chân các ngôi mộ hoặc lẫn giữa đám cỏ may. Đám rau khúc dưới đáy hố bom tôi gặp nõn nà, mướt xanh. Tôi định dùng liềm cắt sạch mấy bụi rau cho vào giỏ nhưng chị hai bảo, thôi, để cây ra hoa và kết hạt, cho mùa sau lòng hồ thêm xanh.
Nếu vườn nhà có vài ba hố bom thì ở cánh đồng càng sẵn. Xen kẽ giữa các thửa ruộng là những hố nước, những ao sen, những vũng lầy ken dày cây dại. Mùa gặt, tôi vẫn thường theo mẹ ra đồng. Lúa chín, trải ra dưới bầu trời một mặt phẳng vàng mơ màng. Gió, những con sóng lúa liên tục loang ra. Thế rồi thấp thoáng nổi lên trên bề mặt ấy là những khóm sen nhỏ nở hồng.
Bà tôi bảo, trước đây, khi ruộng đồng còn hoang sơ, người nông dân còn canh tác thủ công, thì những hố bom hố pháo đa số bị bỏ hoang, làm bãi lầy cho bò lấy chỗ uống nước, cho trâu lấy chỗ tắm đằm sau những giờ cày kéo mệt nhọc.
Sau này, cơ giới hóa nông thôn, máy móc về làng, số lượng trâu bò giảm hẳn, con người cũng tính đến hiệu quả kinh tế khi làm ăn, nên người ta mới tranh thủ luôn những hố bom. Họ thả vào đó vài nhánh sen, dần dà, sen nhảy khắp hồ, lan sang mương nước, lẫn vào đám cỏ, tạo quang cảnh đồng làng đẹp như tranh.
Rồi có sen, nước trong hồ lầy cũng mát hơn, lá sen úa tàn rụng xuống, đài sen cho hạt, bùn dưới chân sen mủn ra trở thành mái nhà chung cho nhiều loài ốc, cua, cá đồng sinh sống. Từ lòng sâu của những hố bom, có một thế giới tươi xanh và nhuận sắc, đó như là cách thiên nhiên chữa lành vết thương một cách dịu dàng mà sâu thẳm...