Từ Xuân Mậu Thân đến Hiệp định Paris 1973

TRƯỜNG ĐỒNG 14/02/2018 21:51

Hội nghị Paris - cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ bắt đầu từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (cách đây 50 năm) và kết thúc vào ngày 27.1.1973 (cách đây 45 năm).

Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973.  Ảnh tư liệu
Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973. Ảnh tư liệu

Không như Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 diễn ra với cục diện ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn ở Điện Biên Phủ và hội nghị là giữa các cường quốc; Hội nghị Paris là cuộc đàm phán tay đôi giữa Việt Nam với Mỹ và trong khi cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Đây cũng là thực hiện kế sách “vừa đánh vừa đàm” của Hội nghị lần thứ 13 Trung ương Đảng (khóa III) với đối phương là một cường quốc có sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần.

Trong một lần về thăm quê hương Quảng Nam và chia sẻ câu chuyện hành trình đàm phán Hội nghị Paris, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris cho hay, khi được các đồng chí lãnh đạo quyết định cử tham gia đoàn đàm phán với tư cách Trưởng đoàn, bà thấy rất vinh dự, song cũng lo lắng vì đây là một trọng trách nặng nề, do đó bản thân tràn đầy quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao. Bà Nguyễn Thị Bình cũng chia sẻ rằng, trong gần 5 năm (1968-1973), các cuộc đàm phán tiến đến ký kết Hiệp định Paris trở thành sự kiện tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Theo các số liệu thống kê, trong thời gian đàm phán đã diễn ra 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, cùng với hàng trăm cuộc mít tinh của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam ở miền Nam, ngày 31.3.1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris. Trong đó, Mỹ phải coi Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một bên đối thoại trực tiếp và bình đẳng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 3.4.1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố chấp nhận đi vào đàm phán.

Theo PGS-TS. Hồ Khang (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), đàm phán Paris phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả 3 mặt trận, quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.

Thực hiện kế sách “vừa đánh vừa đàm” của Trung ương Đảng, trong những năm 1971-1972, quân dân miền Nam mở nhiều đợt hoạt động quân sự mạnh mẽ, đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của Mỹ và quân đội Sài Gòn sang Campuchia, Nam Lào. Đặc biệt, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với 3 chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng trên 3 hướng Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cùng 2 chiến dịch tổng hợp ở bắc Bình Định và đồng bằng Nam Bộ đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh của Việt Nam trên bàn đàm phán. Trong các nghiên cứu của mình, PGS-TS. Hồ Khang cho rằng, chính những thắng lợi to lớn của quân và dân Việt Nam trên các chiến trường trong những năm 1971-1972 đã giúp ta đẩy mạnh thế tiến công trong đàm phán Paris ở thế chủ động hơn bao giờ hết. Kết hợp chặt chẽ “đánh với đàm”, Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi Mỹ phải rút hết quân viễn chinh về nước. Dù phản ứng quyết liệt, song phía Mỹ vẫn buộc phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân đội. Và đến khi chuốc lấy thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 cuối năm 1972, ý chí xâm lược của Mỹ hoàn toàn bị bẻ gãy. Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, đơn phương rút hết quân Mỹ và quân đồng minh về nước, chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam.

Những cột mốc quan trọng

Ngày 13.5.1968, Hội nghị Paris khai mạc. Do lập trường cương quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ buộc phải ngồi nói chuyện chính thức với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (và từ tháng 6.1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).

Ngày 18.1.1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc tại phòng họp của Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris.

Ngày 25.1.1969, khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Paris.

Ngày 8.6.1969, Tổng thống Mỹ Níchxơn tuyên bố rút đợt đầu tiên 25 nghìn quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 17.9.1970, tại phiên họp toàn thể lần thứ 84 Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đưa ra đề nghị “Tám điểm” - nói rõ thêm về giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn và vấn đề thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 10.12.1970, trong phiên họp toàn thể lần thứ 94 Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đưa ra đề nghị “Ba điểm” về ngừng bắn, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 30.6.1971.

Ngày 2.2.1972, tại Hội nghị bốn bên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã nói rõ thêm hai vấn đề then chốt trong lập trường “Bảy điểm” đã đưa ra ngày 1.7.1971 của Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Ngày 18.12.1972, Tổng thống Níchxơn ra lệnh cho B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng mở đầu “cuộc hành quân Linebaker II” kéo dài 12 ngày đêm, đồng thời Mỹ gửi công hàm cho Việt Nam yêu cầu họp lại.

Sau thất bại của Mỹ trong đợt tập kích chiến lược bằng không quân, ngày 8.1.1973, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đã ngã ngũ, phần thắng nghiêng về phía Việt Nam. Mỹ phải bỏ thái độ “thương lượng trên thế mạnh”.

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris giữa bốn bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam. Bản Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều, trong đó có 3 điều quan trọng nhất: Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và thống nhất của Việt Nam; Quân Mỹ và chư hầu phải rút hết khỏi Việt Nam; Quân miền Bắc vẫn ở lại miền Nam Việt Nam.

Ngày 29.3.1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.

(Nguồn tư liệu: “Giai đoạn 1955-1975: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước” - Thư viện Cổng thông tin Chính phủ)

TRƯỜNG ĐỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ Xuân Mậu Thân đến Hiệp định Paris 1973
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO