Tự ý bán bò hỗ trợ từ Chương trình 135

XUÂN HIẾU 04/04/2017 10:36

(QNO) - Vì nhiều lý do khác nhau, hàng chục gia đình ở xã Bình Lãnh (Thăng Bình) đã tự ý bán bò sinh sản được hỗ trợ từ Chương trình 135.

Bình Lãnh là địa phương được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chương trình 135 của Chính phủ dành cho các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh được nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, giống cây trồng, chương trình hỗ trợ bò sinh sản là một trong những chính sách kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo ở địa phương. 

Nhà ông Phạm Nhào nằm cuối con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội của thôn 2 (xã Bình Lãnh). Hai vợ chồng ông Nhào đã ngoài 80 tuổi, sinh sống trong căn nhà xập xệ. Nằm trong danh sách những hộ được hỗ trợ bò sinh sản từ Chương trình 135 của xã, vợ chồng ông được hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng, đối ứng thêm 2 triệu đồng để nhận bò về chăm sóc. Do tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông nhiều lần bị bò kéo ngã, có lúc suýt gãy chân do bị bò dẫm. Con cái, hàng xóm can ngăn, sau gần 1 năm chăm sóc, vợ chồng ông đành bán lại con bò này với giá chưa đến 10 triệu đồng, chấp nhận lỗ hơn 2 triệu đồng cùng công chăm sóc.

Ông Nhào chép miệng: “Bữa hôm dắt bò về, vợ chồng phấn khởi lắm, nhờ bà con đến làm chuồng trại, cứ nghĩ mỗi năm nó mà đẻ một con, bán đi cũng có tiền dưỡng già. Nhưng vợ chồng tôi đã lớn tuổi, không còn sức điều khiển được bò nên đành bán thôi!”.

Không chỉ riêng hộ ông Nhào mà có rất nhiều gia đình ở xã Bình Lãnh đã bán bò được hỗ trợ từ Chương trình 135. Sự việc chỉ có dấu hiệu dừng lại khi chính quyền địa phương lập đoàn kiểm tra giám sát. Thống kê qua kiểm tra cho thấy có 17 hộ đã bán bò, có hộ chỉ bán với mức giá 5 - 6 triệu đồng/con, có nghĩa chỉ bằng nửa số tiền mà địa phương và gia đình bỏ ra mua bò lúc ban đầu.

Giải thích về thực trạng này, chính quyền xã Bình Lãnh thừa nhận đã mắc thiếu sót trong việc khảo sát đối tượng, nhiều trường hợp già cả không có khả năng chăn dắt, làm chuồng trại vẫn được đưa vào danh sách nhận bò. Bên cạnh đó giá bò liên tục giảm mạnh trong 2 năm lại đây khiến người dân không còn mặn mà với việc nuôi bò.

Bà Hồng Thị Kim Yến - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lãnh, người trực tiếp tham gia giám sát vụ việc cho biết, xã còn trên 18% hộ nghèo, nên cấp bò là việc làm hết sức thiết thực góp phần giảm nghèo. Đa số các hộ khi được nhận bò đều rất phấn khởi, chăm sóc chu đáo. “Nhưng nói thực, nếu ở nhà giữ bò, một năm lãi có 2 - 3 triệu đồng, còn đi giúp việc, làm thợ hồ thu nhập một tháng đã 3 - 4 triệu đồng. Khi chúng tôi tới các gia đình này làm việc, nhiều hộ tâm sự biết bán bò là sai, không chấp hành đúng cam kết với UBND xã, nhưng họ nói không thể làm khác được” - bà Yến nói. Bò giảm giá, nuôi bò không có lãi là sự thật. Nếu như trước đây một con bò trưởng thành có giá 18 đến trên 20 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 7 - 8 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Tấn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết: “Toàn xã có 62 hộ nghèo được hỗ trợ bò từ Chương trình 135 của Chính phủ. Sự việc người dân bán bò rộ lên từ cuối năm 2016, ngay khi phát hiện, chính quyền địa phương đã lập các tổ công tác xuống tận nơi khuyên giải, vận động phải dừng ngay việc bán bò, bà con cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Tôi cũng mong muốn và đề nghị các ngành chức năng có hướng tác động đến thị trường chứ nếu giá cả bò cứ thấp như hiện nay thì tình trạng người dân bán bò sẽ tiếp tục diễn ra”.

Việc người dân tự ý bán bò được hỗ trợ là sai quy định của nhà nước, cần phải được xử lý. Hiện chính quyền xã Bình Lãnh yêu cầu các hộ đã bán phải mua lại bò để chăm sóc, nhưng có vẻ phương án này không khả thi. Và một điều tưởng chừng như nghịch lý lại đang diễn ra, đó là một số hộ nghèo tại xã Bình Lãnh vừa từ chối nhận bò hỗ trợ của chính quyền địa phương, bởi nuôi bò không còn sinh lãi.

XUÂN HIẾU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự ý bán bò hỗ trợ từ Chương trình 135
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO