Tựa lưng vào hơi thở cùng “Như những sớm mai”

HỒ CAO MỸ DIỆP (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước) 04/07/2021 11:03

(QNO) - Tín hiệu khả quan của văn hóa đọc là sách vẫn luôn đem lại cảm hứng đam mê, sự hấp dẫn đặc biệt đối với học sinh giữa kỷ nguyên vũ bão của công nghệ. Chúng tôi nhận được ngày một nhiều hơn bài viết từ các em với đa dạng thể loại, cảm xúc và cách thức thể hiện.

Cùng đọc sách sẽ tăng lượt đăng tải số bài trong tuần để chia sẻ được nhiều nhất những bài dự thi hay, đạt chất lượng. Tuần này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Hồ Cao Mỹ Diệp, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) - học sinh đoạt giải nhất môn Văn kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2020-2021.

---------------------------------

Bìa tập sách “Như những sớm mai” (NXB Đà Nẵng - năm 2020). Ảnh: M.D
Bìa tập sách “Như những sớm mai” (NXB Đà Nẵng - năm 2020). Ảnh: M.D

Tôi nhận ra, mỗi cánh bướm là một bức ký họa nho nhỏ, hóa thân của những điều đẹp đẽ bình dị quanh mình: những cánh đồng lúa nép mình dưới chân núi, con nắng mềm miệt mài cùng thời gian chảy trôi trên dòng sông Tiên miền trung du Tiên Phước… Hóa công kỳ diệu vẽ nên từng đường nét hoa văn mang vẻ đẹp điệu hồn và cấu trúc của quê hương xứ sở.

Và hình như tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền đã để cái ĐẸP ấy len lỏi vào hồn mình, chắt chiu thành những trang viết phập phồng hơi thở bằng chất liệu yêu thương. Để rồi, khi mối duyên lành đến và mang độc giả chạm vào “Như những sớm mai” (NXB Đà Nẵng, năm 2020) cũng là lúc đôi cánh ẩn chứa sức truyền cảm lớn của tác phẩm vỗ cánh, bắt đầu cuộc hành trình đưa người đọc tìm về những chân giá trị của sự sống, đôi khi còn khiến ta thức tỉnh, vỡ òa trong cơn bão cảm xúc.

Xuyên suốt tập tản văn gồm 132 trang viết có lẽ là lời tha thiết gọi độc giả trở về với chính mình, trân trọng từng hơi thở, “bước chân tìm lối về ngõ đá, chạm vào thinh không nghe rất đỗi yên bình”…

 

Nhà văn Đan Mạch Andersen, người viết truyện cổ tích nổi tiếng thế giới cho rằng: “Không có truyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên”. Tựa vào bờ ký ức trong veo cùng tác giả, ta gặp gỡ gương mặt Lộc Yên (một làng quê thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - quê hương tác giả) thấp thoáng hiện ra qua muôn vàn hình ảnh lung linh hoài niệm.

Đó là “cái rốn lệch của ruộng, di sản tuổi thơ”,“những trái ổi vàng mơ thơm nức vườn rơi xuống từ cổ tích”, “những chùm dủ dẻ chín vàng như nải chuối tí hon ăm ắp trong vành nón lá”. Ở đó, thiên nhiên luôn biết cách biệt đãi lũ mục đồng bằng thức quà bình dị.

Cô bé ngày xưa sung sướng sà vào lòng ông ngoại mà ngỡ như “ông Tiên đời ban tặng cho mình”. Hạnh phúc tuổi thơ trong những năm tháng nghèo khó, lắng sâu tâm khảm của tác giả, nó giản đơn và long lanh như giọt sương sớm. Có lẽ vì thế, hiện thực trần trụi nhường chỗ cho âm hưởng hồn nhiên và lạc quan quán xuyến toàn bộ tác phẩm.

Thổn thức cùng mùa, tâm hồn nghệ sĩ phát hiện được thiên tính nghệ sĩ trong mỗi cỏ cây, hoa lá. Ta bắt gặp loài hoa sưa “không muốn lặp lại mình trong mỗi mùa khoe sắc”. Mùa ôn đới lạc về trong tầm tay mỗi đợt sưa rụng lá, “mơ màng những con đường ngập sắc quan san ở Luxembourg”.

 

Mây rong chơi phiêu lãng muôn phương, hiện hữu rồi tan biến như khúc ca bất tận của tự do và cái Đẹp”. Cho đến những đóa bằng lăng nhỏ xíu tự hiến đời mình thành “khung trời tím” điểm tô thêm cho khuôn mặt Tam Kỳ đoạt giải thưởng danh giá “Phong cảnh thành phố châu Á” (ATA) năm 2015. Gửi tâm hồn vào “bản hòa ca của lá”, tác giả khiến ta giật mình, “một lá cỏ cũng không nhỏ nhoi hơn hành trình của các vì sao” (Walt Whitman).

Nguyễn Thị Diệu Hiền, cô giáo của tôi, còn là nghệ sĩ chân chính trong nghề dạy học, dạy Văn. Vì thế, “tuổi học trò” chiếm cả một khoảng trời trong tác phẩm như một tất yếu. Cô dẫn nhập bài học “Phát biểu tự do” với ý thơ về “cây táo vẫn nở hoa” để nhắn gửi niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Cô thủ thỉ về nỗi rong ruổi “giấc mơ dã quỳ”, viễn du đến tận “vùng mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban giữa con nắng vàng tươi”. Bằng cách đó, cô đã đánh thức khát khao “quảy gánh băng đồng ra thế giới” trong mỗi học trò. Đi để trở về!

Khoảnh khắc dùng dằng giã từ thời áo trắng, tôi chực xúc động khi đọc dòng văn ăm ắp thông điệp yêu thương: “Những đóa bằng lăng tím của cô, hãy cứ tin yêu và hy vọng, hãy cứ nhân hậu và vị tha, hãy cứ kiên cường nở trong nắng gió của đời!”. Tạm biệt tôi với khoảng trời thơ dại. Cầm cuốn sách cô thương tặng trên tay, tôi tự nhủ lòng: Rồi ngày mai sẽ lại “như những sớm mai”…

Gấp sách lại mà đôi cánh ấy vẫn rập rờn trên đỉnh núi bồng bềnh sương trong trang bìa của nghệ sĩ Lãm Thắng. Bấy nhiêu thôi cũng dư sức quyến rũ, níu kéo người đọc tìm về với “lời gọi trung du”. Ta tiếp xúc với nhiệm màu, và chứng kiến sự sống nảy nở thành những bó hoa thơ tuyệt đẹp.

----------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tựa lưng vào hơi thở cùng “Như những sớm mai”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO