Ngôi nhà của họ vẫn ấm áp, đầy nghĩa tình như hai mươi năm trước, khi tôi còn trọ học sát vách nhà họ. Cả hai đều tật nguyền, và họ tựa vào nhau…
Rổ, rá gặp nhau
Bà Trần Thị Nga (SN 1957, trú ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) bị cụt hết hai chân thường được một người đàn ông đẩy xe “đi dạo” trên con đường Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ. Chiếc xe lăn chầm chậm hòa vào dòng xe tấp nập. Năm 17 tuổi, khi đang làm việc cho một đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cô gái Nga tình nguyện xung phong mở đường ở mảnh đất hẻo lánh Trà My. Một buổi chiều xám xịt ập đến, lúc đang phát dây leo bụi rậm trong rừng, Nga bị mìn nổ (tàn dư của chiến tranh để lại) làm đứt lìa cả hai chân. Bao ước mơ tươi đẹp của thời con gái đã tan theo mây khói, nỗi mặc cảm về thân xác tàn phế ám ảnh bà suốt quãng thời gian trị bệnh. “Bị vết thương lở loét hành hạ, nhìn xuống hai đầu gối, tôi như tan nát cõi lòng. Nhiều đêm than thân trách phận, có lúc nghĩ đến cái chết nhưng thấy những người đồng cảnh ngộ bất hạnh hơn, tôi thấy mình cần phải mạnh mẽ để gượng dậy” - bà Nga rơm rớm kể.
Ngày ngày ông Câm đẩy xe lăn đưa bà Nga đi các ngả đường. |
Năm 1990, những đối tượng tàn tật và bị mắc bệnh dị tật bẩm sinh đã được thị xã Tam Kỳ (cũ) bố trí sinh hoạt trong Trại xã hội Tam Kỳ (nay thuộc đường Trưng Nữ Vương, phường Tân Thạnh). Trong ngôi nhà tình thương này, bà đã gặp tri kỷ của mình bây giờ. Ông bị câm điếc bẩm sinh, thời chiến tranh loạn lạc ly tán đã không nhớ nổi người thân, quê quán và tuổi tác của mình. Tên ông cũng vì thế mà được đặt: Nguyễn Văn Câm. Thời gian này, bà Nga và ông Câm xem nhau như anh em tri kỷ, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt. Đến năm 1994, Trại xã hội ở Tam Kỳ giải tán, sáp nhập vào Trung tâm Xã hội Hội An. Bà Nga quyết ở lại, tiết kiệm từng đồng mua lại ngôi nhà cũ do Nhà nước bán thanh lý vì bà khao khát sống tự lập, không muốn thêm gánh nặng cho xã hội. Không nỡ bỏ người bạn đơn độc, ông Câm cũng xin ở lại tình nguyện sống chung một mái nhà với bà Nga cho đến nay. “Nhiều người mới gặp tưởng chúng tôi là nhân ngãi vợ chồng nhưng không phải vậy. Thấy ổng hiền lành, tôi xin ở lại để có người nương tựa nhau lúc trái gió trở trời. Mấy chục năm nay, có ổng đồng hành, tôi thấy cũng đỡ khó khăn hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Trời cũng thương ổng là ít đau ốm vặt” - bà Nga thổ lộ.
Bị khiếm khuyết về thân thể nên họ luôn nương tựa, đùm bọc lẫn nhau. Ảnh: H.PHÚC |
Tình thương vô ngôn
Hiện, bà Nga hưởng tiền chế độ chính sách đối với người tàn tật hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, trong khi đó ông Câm hầu như không được hưởng đồng nào từ hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Nga, ông Câm đến nay vẫn không có các giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Do vậy, ông Câm không được các ngành chức năng đưa vào danh sách hỗ trợ chế độ. “Thấy hoàn cảnh bất hạnh của chúng tôi, cán bộ công an của phường đã ra Trung tâm Xã hội Hội An cắt hộ khẩu về nhập ở Tam Kỳ. Thế nhưng, mọi giấy tờ về ông Câm ở đó đều không có nên nhiều năm đã thiệt thòi về quyền lợi. Tôi mong các ngành chức năng của thành phố tạo điều kiện thuận lợi để ổng có được bảo hiểm y tế, chế độ của người khuyết tật” - bà Nga cho biết. Không chờ vào đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhiều năm nay, ngôi nhà của bà Nga cũng là cơ sở thu mua bán phế liệu. Trước ngôi nhà là một đống giấy bao bì, sắt thép gỉ chất ngổn ngang, với nhiều người buôn bán phế liệu lui tới rôm rả. Nhìn vào từng động tác sắp xếp phế liệu, nhanh nhẹn di chuyển trên xe lăn cân từng ký giấy, sắt gỉ của bà Nga mới thấy được sức lao động phi thường, không thua kém một người bình thường của người phụ nữ này. Bà chia sẻ, bình quân mỗi ngày, cơ sở mua trên dưới 200 ký giấy vụn, sắt thép gỉ. Mỗi ký kiếm lời vài trăm đồng. Buôn bán mặt hàng này cũng bấp bênh lắm, chủ yếu lấy công làm lời. Mong muốn lao động và có cái nghề đem lại thu nhập ổn định luôn là khát vọng cháy bỏng của người khuyết tật.
Bây giờ, cả bà Nga và ông Câm tóc đã điểm bạc nhưng họ vẫn hăng say lao động, lạc quan về cuộc đời. Mỗi khi trở trời, bà Nga bị vết thương hành hạ, ông Câm phải xuống bếp, tự tay nấu cháo chăm bệnh cho bà. Rồi lúc ông bị bệnh, bà phải nhờ người hàng xóm đẩy xe lăn mua thuốc về cho ông. Đôi mắt và bàn tay ra dấu như thứ ngôn ngữ để họ hiểu nhau, giúp nhau trong công việc hằng ngày, cũng như chăm sóc sức khỏe. Những cử chỉ không lời ấy, dường như đã nói lên tất cả sự đùm bọc cưu mang, sắt son nghĩa tình của hai con người kém may mắn. “Ông Câm không có một chế độ nào dành cho người dị tật bẩm sinh từ nhỏ đến nay. Ổng hiện diện trên cõi đời mà chẳng được ai thừa nhận cũng xót xa lắm, cháu ơi. Tôi không đòi hỏi gì lớn lao cả, chỉ mong ổng có được cái bảo hiểm y tế đề phòng lúc bất trắc ốm đau” - bà Nga buồn bã. Bữa ăn đạm bạc của hai người khuyết tật bày lên bàn cũng ấm áp như mọi gia đình bình thường khác. Nhìn tô canh chua nóng hổi, tôi lại nhớ thời trọ học của mình, cô Nga thỉnh thoảng ra hiệu để chú Câm mang cho lũ học trò sát bên nhà một tô canh thơm thảo như thế. Chỉ có vậy mà cay mắt!
HỮU PHÚC