Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, việc trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu dẫn đến hơn 1 triệu ca tử vong ở trẻ trên toàn thế giới mỗi năm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu không chỉ phát triển tốt thể chất, phòng tránh suy dinh dưỡng, bệnh tật mà còn tăng chỉ số thông minh. Một đứa trẻ không được bú mẹ có nguy cơ tử vong trong 6 tháng đầu đời cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ, tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường cũng như bệnh cao huyết áp và tim mạch về sau này. Thế nhưng, các sảm phẩm thay thế sữa mẹ hiện nay áp đảo thị trường tiêu dùng thực phẩm cho trẻ với nhiều mẫu mã bắt mắt, được quảng bá với đầy đủ dưỡng chất, rất đa dạng…
Sữa mẹ rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. |
Song trên thực tế, các nghiên cứu đều cho thấy, sữa bột không đủ các yếu tố cần thiết có trong sữa mẹ; bao gồm các kháng thể và các hoạt chất sinh học khác giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Hơn nữa, các sản phẩm thay thế sữa mẹ mặc dù được làm từ sữa tiệt trùng nhưng vẫn có thể nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, pha chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho trẻ. Trong khi đó, việc cho con bú đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người mẹ như tạo liên kết cảm xúc giữa người mẹ và con trẻ, giúp mẹ giảm cân nhanh, ngăn ngừa được nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và ung thư cổ tử cung cũng như bệnh tiểu đường loại 2… WHO ước tính, riêng tại Việt Nam, trung bình mỗi gia đình tiêu tốn khoảng 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi tháng nếu cho trẻ ăn các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Chi phí này chiếm một phần khá lớn trong thu nhập bình quân của tổng thu nhập ở nhiều gia đình.
Theo thống kê của WHO, ước tính thế giới hiện chỉ có 38% trẻ nhỏ trong 6 tháng tuổi được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Trước thực trạng ngày càng nhiều trẻ em bị “mất quyền lợi” bú mẹ, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cùng phối hợp với WHO đã phát động “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” hằng năm. Tuần lễ này được tổ chức vào năm 2013 với chủ đề “Chung tay hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Họ cần nhận được sự hỗ trợ cũng như được cung cấp thông tin cần thiết về chăm sóc trẻ nhỏ sau khi sinh từ người thân, bạn bè và xã hội. Trong đó, vai trò của người chồng đặc biệt quan trọng để người mẹ có thể thực hiện đầy đủ các giai đoạn: Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (không nước, không sữa bột, không thức ăn bổ sung) và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bên cạnh đó, cán bộ y tế, cộng tác viên dinh dưỡng cũng cần tích cực giúp bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công.
Cũng theo WHO, hiện nay chỉ có 37 trong tổng số 199 quốc gia thông qua Quy chế quốc tế về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ (WHO code). WHO code nhằm xây dựng và cung cấp nguồn dinh dưỡng an toàn và phù hợp cho trẻ, cụ thể là bảo vệ và thúc đẩy việc bú sữa mẹ, nhưng vẫn đảm bảo việc sử dụng các sản phẩm sữa thay thế một cách phù hợp khi thật sự cần thiết. Cung cấp các quy định thích hợp về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ, phố biến thông tin và giáo dục về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ…
QUỐC HƯNG (tổng hợp)