Tuần tra rừng theo nhóm

TRẦN NGUYỄN 25/05/2018 12:17

Từ ngày thành lập Ban Quản lý khu bảo tồn Sao La đến nay, việc tuần tra rừng, theo dõi công tác bảo tồn đa dạng sinh học đều cơ cấu theo nhóm tổ…

Cán bộ, nhân viên bảo tồn tuần tra rừng tại lâm phận huyện Đông Giang. Ảnh: T.N
Cán bộ, nhân viên bảo tồn tuần tra rừng tại lâm phận huyện Đông Giang. Ảnh: T.N

Ba mươi nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng (BVR) của Ban Quản lý khu bảo tồn Sao La là thanh niên có sức khỏe thuộc 2 huyện Đông Giang và Tây Giang đã tốt nghiệp trung cấp ngành lâm nghiệp đến đại học. Nhiều năm qua, 30 thành viên chia thành 6 tổ để tuần tra rừng. Mỗi tổ có 5 nhân viên, cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm. Arất Ka Piết (quê xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) được cơ cấu vào một tổ BVR hơn 5 năm nay. Anh dễ dàng nhận biết “đường đi nước bước” trong khu rừng đặc dụng nhờ đọc bản đồ, sử dụng GPS, la bàn, cách thu thập và tải dữ liệu. “Chuyện ăn, ngủ lại trong rừng 3 - 4 ngày đêm là bình thường. Đi hiện trường vất vả nhưng bù lại say nghề và anh em đông người nên cũng thấy đỡ buồn hơn” - Arất Ka Piết bộc bạch.

Hầu hết “lính hiện trường” đều trải qua các lớp tập huấn, đào tạo về xử lý các hoạt động phi pháp tác động đến vùng lõi khu bảo tồn. Các kỹ năng cơ bản dành cho người làm công tác bảo tồn sao la như kỹ năng di chuyển, đóng trại, sơ cứu, ghi chép dữ liệu, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện như máy định vị, máy ảnh, xuất dữ liệu từ máy định vị sang máy tính. Nhìn vào lịch công tác của đơn vị, mới thấy khả năng di chuyển hiện trường nhiều của cán bộ bảo tồn. Các tổ tuần tra BVR hàng tháng có 16 ngày tuần tra tại rừng và mỗi tháng chia làm 2 - 3 đợt. Mỗi đợt tuần ngắn nhất 5 ngày và dài nhất 8 ngày. Thời gian còn lại trực tại các trạm BVR và nghỉ ngơi. Trong quá trình tuần tra của tổ BVR, máy định vị được mở 24/24 giờ để lãnh đạo Ban Quản lý khu bảo tồn Sao La giám sát thời gian hoạt động và độ dài của tuyến đi rừng nên không có chuyện… báo cáo không thực tế.

Các tổ BVR và kiểm lâm khu bảo tồn đến nay tổ chức hơn 693 đợt tuần tra. Theo đó phá hủy 555 lán trại, tịch thu 27.664 bẫy dây cáp các loại phục vụ cho mục đích săn động vật hoang dã, giải cứu hàng chục cá thể bị mắc bẫy. Tuy có nhiều cố gắng trong nỗ lực bảo tồn, nhưng ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn Sao La lo lắng, tình trạng bẫy bắt động vật hoang dã diễn ra gần như không có hồi kết. Đáng lo hơn là gần đây người dân sử dụng súng săn tự chế khá phổ biến ở khu vực rừng Trường Sơn. Sau khi các dự án phi chính phủ kết thúc, công tác quản lý BVR hầu như phụ thuộc từ nguồn kinh phí hạn chế từ ngân sách nhà nước hàng năm.

Đến nay, chưa hề có một chiến lược hay kế hoạch hành động cụ thể nào từ phía các cơ quan bảo tồn cấp quốc gia (như Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn thuộc Bộ NN&PTNT hay Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ TN-MT) nhằm bảo tồn loài thú quý hiếm có giá trị toàn cầu này. Tiền nhận khoán BVR theo Nghị định 99 năm 2010 về dịch vụ chi trả môi trường rừng cho người dân còn thấp nên việc giữ rừng vẫn chưa đem lại hiệu quả cao.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuần tra rừng theo nhóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO