Tục chia phần

ĐĂNG NGUYÊN 31/01/2019 02:48

Ngày tết, cùng với nhiều hoạt động lễ hội và các phong tục độc đáo, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thường giữ thói quen chia phần - một trong những nét đẹp truyền thống thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng ở vùng cao.

Ở nhiều vùng đồng bào Cơ Tu, tục chia phần vẫn được xem như một nét văn hóa độc đáo gắn kết cộng đồng. Ảnh: Đ.N
Ở nhiều vùng đồng bào Cơ Tu, tục chia phần vẫn được xem như một nét văn hóa độc đáo gắn kết cộng đồng. Ảnh: Đ.N

Quà tết

Với đồng bào Cơ Tu, bất kể ở vùng nào, hễ dân làng có dịp tổ chức hội ăn trâu chung hay nhân sự kiện nào đó trong những ngày tết, đồng bào cũng đều thực hiện những cuộc chia phần (cha’ner/cha’niêm) cho các thành viên trong làng. Tập tục độc đáo này, vì thế luôn được xem như món quà ngày tết, góp hương xuân với từng gia đình ở vùng cao.

Theo ông Bh’riu Lênh - cán bộ văn hóa xã Sông Kôn (huyện Đông Giang), ngày đầu năm mới, đồng bào vùng cao thường tổ chức hội làng truyền thống nhằm mục đích tạ ơn, báo cáo với thần linh về một năm cũ và cầu mong cho năm mới dân làng được thật nhiều sức khỏe, hòa thuận, làm ăn tiến tới. Đây cũng là ngày “tất niên chung” của làng, dịp để tổng kết năm cũ, hướng đến một năm mới có thêm nhiều nét khởi sắc trong cuộc sống. “Trong ngày hội chung, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi làng mà đồng bào xác định tổ chức lễ hội quy mô lớn hay nhỏ, nghĩa là ăn trâu hay chỉ mổ heo, bò. Dù ở cấp độ nào, ngoài tổ chức bữa tiệc mừng chung, đồng bào thường dành một ít phần thịt dùng để đãi khách, số còn lại sẽ được chia đều cho các thành viên trong làng. Người Cơ Tu xem đó như một món quà tết, ghi dấu tình cảm cộng đồng trong những ngày vui xuân” - ông Lênh cho biết thêm.

Tại làng văn hóa Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang), nhiều năm nay, đồng bào vẫn giữ truyền thống ngày hội ăn “tất niên chung” của làng vào dịp đầu năm mới. Không ai bảo ai, đồng bào cùng nhau mang đến nhà làng từng lon gạo nếp, từng bó củi, rau rừng… để góp thêm hương vị vào bữa tiệc chung này. Kết thúc phần nghi lễ, các già làng phân công tốp thanh niên làm nhiệm vụ chia phần cho các cư dân của làng. Những miếng thịt tươi được cắt nhỏ, rồi chia đều theo từng đùm lá chuối, tương ứng với số lượng nhân khẩu trong làng. Dù số lượng thịt không nhiều nhưng khi nhận được cha’niêm, ai cũng rất vui, bởi đó là phần quà tết ý nghĩa mà cộng đồng dành tặng riêng cho mình.

Gắn kết cộng đồng

Già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho hay, cuộc sống cộng cư lâu đời đã tạo nên nếp sống sinh hoạt đẹp đẽ giúp đồng bào Cơ Tu gắn kết cộng đồng một cách bền chặt, thông qua tập tục chia phần. Ngoài các thành viên chính thức của làng, những em bé trong bụng mẹ dù chưa chào đời vẫn được đồng bào để dành phần riêng như các thành viên khác. Điều này thể hiện giá trị nhân văn trong tập tính của cộng đồng, vừa hướng đến sự bình đẳng và công bằng giữa mọi cư dân. Thậm chí, ở một số vùng, đồng bào Cơ Tu vẫn giữ tục chia phần thịt cho người đã mất chưa giáp năm, vì quan niệm cho rằng linh hồn người mất trong vòng một năm vẫn còn ở trong làng. Theo đó, phần thịt này sẽ do gia đình người mất được hưởng theo phong tục của làng. “Người Cơ Tu, dù ở vùng nào cũng không phân biệt đẳng cấp hay dòng tộc. Điều đó càng được thể hiện rõ nhất ở phạm vi một làng, dù sinh sống với nhiều dòng tộc khác nhau, nhưng tinh thần gắn kết cộng đồng vẫn luôn được đồng bào giữ vững. Đặc biệt, trong văn hóa chia phần, việc chia thịt cho con của phụ nữ đang mang thai cũng cho thấy sự quan tâm của cộng đồng với thai nhi và coi đứa trẻ ấy - dù chưa chào đời cũng đã là thành viên chính thức của dân làng” - già Hạnh bộc bạch.

Theo nhiều già làng Cơ Tu, tập tục chia phần xuất phát từ việc “ăn chung” của cộng đồng vùng cao trong các dịp lễ hội ăn mừng lúa mới, cưới hỏi, tr’záo (thăm viếng nhau) trong ngày tết… Tùy theo phong tục của từng vùng mà đồng bào Cơ Tu thường phân chia thịt khi đã chín hoặc còn sống. Phần thịt này có thể được xâu bằng dây lạt theo vòng hoặc có thể gói trong bọc lá chuối tươi để mang về nhà.
Ngày xưa, khi chủ hộ nào đó bắt được con nai, con hoẵng cũng đều “sung công” cho làng một cách tự giác, không bị bắt buộc. Con thú sau đó sẽ được làm thịt, rồi chia đều và cả làng ăn chung. Phần thưởng cho người bắt được thú thường là hai thăn thịt lưng. Trong trường hợp người chủ hộ có việc gia đình cần dùng đến thịt đãi khách thì sẽ được dân làng cho thêm một cái đùi, tùy theo nhu cầu cần thiết. Ngoài ra, những phần thịt (hoặc cá) nhà gái mang về từ đám cưới hay có quà biếu từ một người nào đó, đồng bào Cơ Tu vẫn thường chia cho các hộ trong làng. Dù chỉ vài miếng nhưng chứa đựng giá trị tình cảm thắm thiết gắn bó, nhất là những dịp tết cổ truyền.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tục chia phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO