Kéo dài từ tháng Giêng âm lịch đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Xê Đăng bước vào mùa lễ hội đâm trâu tạ ơn thần linh. Đây là phong tục văn hóa truyền thống của người miền cao, nhưng cũng để lại không ít nỗi lo trong đời sống xã hội.
Lấy trâu làm hội
Thường trước Tết Nguyên đán, khi mùa màng thu hoạch, người Ca Dong ở vùng cao Bắc Trà My và Xê Đăng (Nam Trà My) tổ chức lễ hội đâm trâu ăn tết mừng lúa mới. Tục đâm trâu ăn mừng mùa màng, trả ơn thần linh, thậm chí còn mong ước xua đuổi “con ma” trong gia đình nào có người thân bệnh tật đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào. Xưa, lễ hội đơn giản, có khi cả làng mới toan tính đâm một con trâu, nhưng nay đời sống khá lên, đồng bào cũng “chơi” rôm rả, kéo dài ngày này qua ngày khác. Cuối tháng 3, khi hoa gạo rực rỡ trên cánh rừng già, nhiều nóc làng sống rải rác dọc sông Tranh, thuộc các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác (Bắc Trà My) lại rộn ràng với lễ hội đâm trâu huê. Theo tục lệ, mỗi năm, trong làng sẽ có một nhà đứng ra đâm trâu rồi mời dân làng, bà con dòng họ các vùng lân cận đổ về ăn lễ. Già làng Đinh Văn Xết (81 tuổi, trú thôn 5, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) cười bảo: “Tục đâm trâu có từ thời xa xưa của người Ca Dong. Mỗi năm tổ chức ít nhất một lần. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh của từng hộ hoặc từng làng mà có thể ăn lớn hay nhỏ”. Về nóc Khe Dưng - thôn 5 xã Trà Đốc khi lễ hội đâm trâu đã tàn đúng một ngày, nhưng làng còn đó bãi giết trâu, cây nêu, ché rượu cần chưa kịp dọn dẹp.
Ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng khi trâu đưa vào cây nêu chuẩn bị giết mổ. |
Qua tìm hiểu, được biết lễ hội đâm trâu của người Ca Dong diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu người dân sum vầy ca hát, nhảy múa, đánh trống cồng chiêng đi quanh con trâu rồi uống rượu cần, ăn cơm lam. Ngày thứ hai, đồng bào vào nghi thức “khóc trâu”. Kiểu khóc trâu của người Ca Dong thường diễn hát theo lối đối đáp, nội dung hay kể về tiểu sử của trâu, của ma lúa hay những bài hát bản địa. Họ uống rượu vừa nhảy múa, vừa khóc trâu. Khi say họ ngủ, khi tỉnh dậy họ tiếp tục nhảy múa quanh con trâu. Tiếng cồng chiêng, trống vang dội một góc rừng. Ngày cuối cùng, diễn ra lễ đâm trâu chính thức, già làng xin quẻ để quyết định giờ thuận đâm trâu. Người được giao nhiệm vụ đâm trâu là già làng và một thanh niên khỏe mạnh. Động tác ban đầu là già làng cầm con dao cán ngắn mũi nhọn đâm vào sườn bên phải con trâu cho đổ máu, sau đó người thanh niên khỏe mạnh sẽ cầm cây lao cán dài phóng thẳng vào tim trâu, khiến trâu gục ngã tại chỗ. Sau đó, mổ thịt trâu chia đều cho dân làng, còn lại nấu đãi khách. Ngày đâm trâu, người phụ nữ là vất vả nhất. Họ vừa làm cơm, rượu, thịt đãi khách, vừa dâng lễ vật cúng bái thần linh. Hai vật phẩm không thể thiếu trong lễ đâm trâu của người Ca Dong là cơm nếp và rượu cần. Bà Hồ Thị Dưng (70 tuổi) đồng bào Ca Dong có chồng về tận xã Phước Gia (Hiệp Đức) vui vẻ: “Dù băng rừng cả nửa ngày nhưng nhận lời mời phải về chung vui với làng. Má về đây phục vụ nấu nướng, vào múa với dân làng, là cách để má trả ơn cho thần linh, cho làng”.
Vào mùa lễ hội, nhiều con trâu bị đâm chết như thế này. Ảnh: BÍCH HẠNH |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa miền núi, đâm trâu là lễ hội mang bản sắc văn hóa đặc trung của người Ca Dong, Xê Đăng, chứa đựng ý nghĩa tâm linh là cầu cho mùa màng tươi tốt bội thu, người thân trong gia đình ít đau ốm, bệnh tật. Thế nhưng, ngày nay nhiều nghi thức lễ hội bị lạm dụng và đâm trâu quy mô gây hệ lụy tốn kém tiền của, nguyên nhân của đói nghèo.
Ảnh hưởng đời sống
Những nghi thức phần lễ và hội đâm trâu bao đời này gần như đồng bào ít thay đổi. Trước đây, khi điện thoại chưa phủ sóng lên vùng cao, người trong làng được giao nhiệm vụ đi mời người đến dự có khi mất cả vài tuần mới xong. Xưa chỉ có trâu, rượu cần thì nay có thêm giết mổ heo, gà cho phong phú cuộc vui. Một chủ lò nấu rượu gạo ở ngã ba xã Trà Đốc tiết lộ: “Bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 30 lít rượu, còn đến khi các làng có tổ chức đâm trâu, phải dự trữ cả tuần để bán ít nhất 100 lít”. Người Xê Đăng thuộc các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang (Nam Trà My) thì quan niệm, con trâu hiến tế cho thần linh phải là trâu đực khỏe mạnh, kèm theo heo, nhiều ché rượu cần, hàng chục bao lúa rẫy. Một con trâu đực khỏe hiện trên thị trường có giá tối thiểu 50 triệu đồng. Ông Hồ Văn Víu - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam xác nhận, năm 2014, trên địa bàn xã có đến 16 hộ dân thuộc 5 thôn đứng ra tổ chức lễ hội này. Dù tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân ăn lễ tiết kiệm, không được lãng phí, nhưng thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua có ít nhất 19 con trâu bị giết mổ để cúng bái thần linh.
Nghi thức cúng gà trước khi đâm trâu. |
Tổng kết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp đón Tết Nguyên đán, chính quyền một số xã ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My nhìn nhận, tục đâm trâu diễn ra khá tốn kém, có trường hợp người dân mượn tiền mua trâu làm lễ hội. Ngoài lễ hội đâm trâu thường niên vào đầu năm và cuối năm, nếu dân làng gặp cảnh bất trắc như mùa màng thất bát hoặc gia đình có người bệnh tật thì khoảng tháng 7 - 8, họ sẽ cúng xin quẻ. Nếu không may trúng vào quẻ cúng trâu thì họ lại tiếp tục đâm trâu với mong ước xua đuổi “con ma rừng” lởn vởn trong nhà cho dù gia đình phải vay mượn tiền mua trâu cúng. Thực tế, đã có không ít gia đình lâm cảnh nợ nần sau khi kết thúc tục đâm trâu. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến đàn gia súc, gia cầm trong năm qua giảm mạnh, ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, là vì phong tục đâm trâu của đồng bào Ca Dong tồn tại nên sức tiêu thụ gia súc ở thời điểm cuối năm và đầu năm rất lớn. “Đâm trâu vô cùng tốn kém, có thể ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống nhưng đồng bào hoàn toàn tự nguyện và xem đó là phong tục tập quán lâu đời cần giữ gìn và phát huy” - ông Lợi khẳng định.
Nhưng, cũng nhiều ý kiến cho rằng đó là hủ tục. Đã đến lúc các địa phương miền núi cần có quan điểm thống nhất và chính sách tuyên truyền hiệu quả để đồng bào vừa kế thừa phong tục vừa vui chơi tiết kiệm, không lãng phí và tập trung phát triển kinh tế.
TRẦN BÍCH HẠNH