Tục đẹp của người Cơ Tu

ALĂNG NGƯỚC 17/12/2016 12:38

Không chỉ thể hiện tinh thần gắn kết của cộng đồng vùng cao, nhiều tập tục của đồng bào Cơ Tu còn mang các giá trị đặc trưng, đầy tính nhân văn.

Nhà mồ độc đáo được già làng Bh’riu Nga “tặng” cho bố vợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhà mồ độc đáo được già làng Bh’riu Nga “tặng” cho bố vợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Quý nhau tặng chiếc… quan tài

Thật lạ. Nhiều người sẽ thốt lên như vậy khi nghe điều này, nhưng với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, thì đó là cách mà họ thể hiện tình cảm với nhau. Chỉ khi thật quý nhau, họ mới tặng quan tài - một tập tục đẹp, đầy ý nghĩa và đậm tính nhân văn được người Cơ Tu lưu giữ từ bao đời. Theo ông Palăng Bưng - Phó Phòng VH-TT huyện Tây Giang, tập tục tặng quan tài xuất phát từ tình cảm gắn bó giữa đồng bào Cơ Tu với nhau trong cộng đồng làng, hoặc thể hiện tấm lòng hiếu thuận giữa con rể với cha mẹ vợ. “Tặng quan tài, không có nghĩa là mình trù ẻo họ, mà ngược lại được xem như món quà quý giá thể hiện tình cảm giữa đôi bên. Món quà độc đáo này có khi được nhà trai tặng nhà gái, con rể tặng cha mẹ vợ, hoặc người thân, họ hàng tặng nhau trong một dịp nào đó rất đặc biệt” - ông Bưng cho biết thêm.

Già làng Bh’riu Nga kể về chính câu chuyện của mình cách đây hơn chục năm trước, khi người bố vợ của ông chẳng may bị bệnh nặng đã nói lên tâm nguyện được người con rể - là ông, tặng ngôi nhà mồ. Một năm sau khi cụ mất, ông Nga ngày đêm miệt mài làm công trình ý nghĩa để “tặng” cho người bố vợ theo di nguyện của cụ. Ngày ông Nga hoàn thành công trình nhà mồ, rất đông người dân miền núi tìm về để chứng kiến. Ai cũng trầm trồ khen ngợi ngôi nhà mồ độc đáo, món quà quý giá mà chàng rể Bh’riu Nga tặng người bố vợ quá cố. Hay câu chuyện của già Y Kông, người đã tự chế tác chiếc cỗ quan tài kỳ lạ (t’rang ch’ríh) cho chính mình, thu hút rất nhiều du khách đến xem, chiêm ngưỡng.

Đồng bào Cơ Tu xem việc tặng quan tài như một tập tục tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng trong cuộc sống. Cá biệt, quan tài cũng là món quà có ý nghĩa được nhà trai tặng cho nhà gái trong ngày cưới, hỏi. Tuy nhiên, ở nhiều vùng, sau ngày cưới, nhà gái không mang quan tài về mà “gửi” lại ở nhà trai, sau này khi cần đến mới sang nhận. Già làng Bh’riu Nga, ở thôn Aliêng (xã A Ting, huyện Đông Giang) cho rằng, trong văn hóa của đồng bào Cơ Tu, tập tục tặng/biếu quan tài được xem có giá trị thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất. Ông Nga lý giải, việc tặng quan tài không chỉ thể hiện tình cảm giữa đồng bào với nhau ở đời thường, mà nghĩa cử đó còn vượt giới hạn với cả những người đã khuất. “Trong làng có người mất, mà người thân của họ quá khó khăn, không thể lo hậu sự hoặc không mua nổi một chiếc quan tài thì dân làng sẽ cùng nhau quyên góp hỗ trợ. Và chính già làng là người đứng ra vận động, thậm chí ứng trước quan tài của hộ nào đó trong làng để giải quyết tình thế trước mắt, sau đó mới tính đến chuyện trả nợ” - ông Nga nói.

Cũng có nhiều trường hợp, khi người thân trong gia đình bên vợ mất, hoặc đau ốm sắp không qua khỏi, con rể thường mang quan tài để “làm quà” cho họ về bên kia thế giới. Việc biếu quan tài như vậy hoàn toàn bình thường trong đời sống của đồng bào Cơ Tu.

Bó củi - quà quý ngày đông

Cùng với nhiều nét đẹp truyền thống của đồng bào Cơ Tu, tập tục tặng củi (záo oóih) ngày đông của cha mẹ dành cho con gái sau khi lấy chồng được xem như một biểu trưng tình cảm giữa cha mẹ với con cái. Dù không một ai nhớ rõ tập tục đẹp này có từ bao giờ, nhưng người Cơ Tu ở nhiều vùng vẫn gìn giữ và trở thành nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng vùng cao. Trong ký ức của nhiều già làng Cơ Tu, tập tục “záo oóih” bắt nguồn từ câu chuyện về một gia đình nghèo khó cách đây hàng trăm năm. Sau khi con gái lấy chồng, vì không có món quà hồi môn cho con nên cha mẹ quyết định tặng củi mỗi năm một lần để con gái vui lòng. Họ chọn mùa đông để mang quà cho con gái với mong muốn giúp con có thêm củi để sưởi ấm, chống chọi với cơn rét ở vùng cao. Việc làm đầy ý nghĩa của đôi vợ chồng già đó, sau này được nhiều người vùng cao làm theo, trở thành tập tục đẹp lưu truyền cho đến ngày nay.

Theo ông Pơloong Plênh, ở làng Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang), giá trị của tục “záo oóih” chính là thể hiện được tình cảm của cha mẹ, anh chị dành cho con (hoặc em) gái. “Thông thường, sau khi hoàn tất công việc nương rẫy, bên nhà gái luôn là người chủ động chọn ngày để vào rừng kiếm củi và mang tặng những gùi củi cho nhà trai trong những ngày cuối năm. Ngày xưa việc tặng củi cũng có những quy định mang tính truyền thống, củi tặng có khi là củi tươi, nhưng phải được chẻ nhỏ, đều và đẹp, thường là các cây gỗ dễ cháy, có than tốt như chôm chôm, sến, chò… Tùy theo điều kiện về sức khỏe và vật chất của từng gia đình nhà gái mà số bó củi cũng được tặng tương ứng. Những bó củi sau khi nhà trai tiếp nhận sẽ được xếp gọn để phơi khô trên các giàn bếp của nhà mình và lấy dùng khi cần trong dịp lễ tết và biếu tặng một phần cho anh em” - ông Plênh cho hay.

Bên cạnh tục tặng củi, biếu quan tài, đồng bào Cơ Tu còn giữ nhiều tập tục rất lạ, rất độc đáo như: tục tr’záo (thăm viếng nhau, kèm vật phẩm); pa đắh t’rí (tạ ơn bố mẹ vợ); hay tục tốh buốh (đổ rượu cần)… mang nhiều nét đẹp của văn hóa truyền thống.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tục đẹp của người Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO