Ra phố định cư nhưng tôi vẫn thường xuyên đi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình: xóm Chùa, làng Lâm Bình. Chạp mả là dịp gặp gỡ bà con họ hàng đông đủ, tôi tranh thủ hỏi chuyện xóm mạc chuẩn bị vui xuân đón tết cổ truyền. Mẹ tôi bảo: “Chừ, mọi thứ bày bán sẵn ở chợ. Có tiền, bỏ ra một buổi mua sắm là xong!”. Bà Ba thêm: “Trước đây, sau ngày hai mươi tháng chạp - ngày giẫy mả họ, ai cũng tất bật lo đổ nếp ra phơi, rồi xay giã giần sàng, gói bánh tét bánh chưng, làm bánh in bánh nổ… Càng gần tết càng phải thức đêm thức hôm mà làm kẻo hết thời gian”. Vui chuyện, ông Hai góp lời: “Thời thế đổi thay, việc sắm tết ở quê cũng thay đổi. Nhưng theo tôi nghĩ, xóm mạc không còn duy trì tục lệ làm hàng thịt heo thì uổng quá”.
Làng quê ngày giáp tết. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Câu chuyện về tục lệ làm hàng thịt heo ở quê trở thành đề tài thu hút mọi người. Theo lời mẹ tôi, vào khoảng tháng 3 âm lịch, khi ra đồng thu hoạch lúa đông xuân, các bà, các cô, các chị… trong xóm mạc cùng nhau bàn bạc việc hệ trọng: Thịt heo tết tới! Người nào “mát tay”, nhà có nhiều phụ phẩm làm thức ăn cho heo như chuối cây, mít trái, rau lang, cám bã… sẽ được giao nuôi heo tết. Giống heo Móng Cái vai nở, lưng võng, mõm ngắn, tạp ăn, chóng lớn sẽ được chọn nuôi. Bà Ba cho hay: “Người nào “mát tay”, sau bảy, tám tháng chăm bẵm, con heo tết đạt chừng tạ hơi. Cuối năm, cả xóm chọn ngày mổ heo ăn tết. Thường là ngày hai mươi tám hoặc hai mươi chín tháng chạp, tùy theo tháng thiếu hay tháng đủ. Chọn hai ngày đó là có nguyên do. Trước, sớm quá! Sau, nhằm ngày cấm kỵ sát sanh. Ở quê, hầu hết bà con đều theo đạo Phật”. Rất nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi thời tuổi nhỏ háo hức chờ đợi ngày làm hàng thịt heo. Khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Núi Sấu, tỏa ánh nắng dịu nhẹ của ban mai tháng chạp, khắp làng trên xóm dưới rộn vang tiếng heo kêu eng éc. Lũ trẻ bọn tôi bỏ dở những trò chơi đánh cờ gánh, kẻ ô ăn quan, bắn bi, trốn kiếm… co cẳng chạy đi xem làm hàng thịt heo.
Vừa phì phèo điếu thuốc sâu kèn trên môi, ông Hai vừa giảng giải cho tôi hiểu ý nghĩa của tục lệ làm hàng thịt heo ngày tết ở quê tôi.
Với bà con trong xóm mạc, đó là cách giúp nhau cùng vui xuân đón tết. Bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Sống chung một xóm một làng nhưng gia đình này làm ăn khá giả, gia đình kia lận đận khó khăn. Làm hàng thịt heo là hình thức giúp đỡ thiết thực để mọi nhà đều có một cái tết ấm cúng. Tùy theo gia đình nhiều hay ít người mà chia phần thịt heo. Nhiều, xách năm, bảy xâu. Ít, xách vài ba xâu. Mỗi xâu khoảng một cân gồm thịt, xương và lòng. Ai có tiền trả ngay cho gia chủ. Ai không có tiền, đợi qua giêng hai, gặt hái xong xuôi, đong lúa cấn nợ. “Nhờ tục lệ ấy, ngày xưa nhà nào ở làng Lâm Bình cũng có thịt heo, dưa hành, bánh trái và câu đối đỏ đón tết”. Ông Hai kể, rồi cho biết thêm: “Ngày làm hàng thịt heo là ngày “hội xóm”, vừa liên hoan nhẹ, vừa trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hóa giải những chuyện nhỏ nhặt “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa người này với người kia”. Bà Ba cười: “Đó cũng là dịp để cánh đàn bà trổ tài nội trợ giúp gia chủ trong việc nấu nướng, bày mâm cúng thổ thần, bà con cô bác khuất mày khuất mặt phù hộ độ trì cả xóm bình an, làm ăn phát đạt”.
Bất chợt bao ký ức một thời tuổi nhỏ lại ùa về trong tôi.
“Hội xóm” cuối năm dẫu bây giờ đã trở thành dĩ vãng nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Chiếc giếng thơi nơi đầu ngõ có cả chục đàn ông xúm quanh con heo đã cắt tiết, cho công đoạn làm heo. Nồi nước to bự chảng chụm thêm củi gộc sôi sùng sục. Lúc cho đầu heo và bộ lòng vào luộc, gạo tẻ cũng được đổ vào. Mỗi người một tay. Vì vậy, mọi việc nhanh chóng xong đâu vào đấy. Chừng một tiếng sau, tất cả đã chín. Đầu heo vớt vào rổ. Thịt xắt lát sắp lên đĩa. Cháo lòng thơm ngậy và đầy váng mỡ múc ra chén. Gia chủ bày biện tất cả lên mâm đặt ngoài sân thắp hương cúng vái…
Không kéo dài, phần “lễ” diễn ra chỉ mươi phút là xong.
Sau đó, phần “hội xóm” với bữa liên hoan nhẹ được mọi người chung tay góp sức cùng làm. Kê bàn ghế. Phá đầu heo lấy thịt xắt lát. Múc cháo lòng ra chén ra tô… Sau đó mọi người cùng ngồi vào bàn ăn uống chuyện trò rôm rả. Và hẳn nhiên, lũ trẻ bọn tôi cũng được gia chủ dọn riêng một mâm. Khi bữa liên hoan nhẹ kết thúc, mọi người lần lượt chào gia chủ ra về với những xâu thịt heo làm hàng trên tay. Lũ trẻ bọn tôi mong đợi tới ngày làm hàng thịt heo để xin cái bọng đái của “lão Trư” làm trái banh chơi đá bóng. Bọng đái heo đem xát muối hạt, rửa nhiều lần rồi bẻ cọng đu đủ đút vào cuống thổi phồng căng lên, lấy dây su buộc chặt lại thành trái banh da tuyệt vời! Bởi nó “ăn đứt” các loại banh làm bằng nùi rơm, nùi giẻ rách hay trái bòng non, vì mềm mại hơn, nhẹ hơn, dễ bay bổng hơn. Ở xóm Chùa ngày ấy, có vạt đất bằng gần nhà thằng Mày. Lũ trẻ bọn tôi kéo nhau ra đấy, bất chấp cái lạnh se se của tiết trời tháng chạp, mặc quần đùi, chia phe đá bóng, hò hét vang trời. Đám con gái tóc cháy nắng vàng hoe đứng quanh vạt đất bằng nhiệt tình cổ vũ cho cả hai phe…
“Thời thế đổi thay, bây giờ tục lệ làm hàng thịt heo không còn nữa. Xóm mạc vì thế cũng lặng lẽ hơn”. Ông Hai tiếc nuối bảo với tôi. “Và trẻ con bây giờ cũng chỉ biết chúi đầu vào học. Học đã đời, tốt nghiệp ra trường rồi thất nghiệp…”. Mẹ tôi ca cẩm. Ngày cuối năm, về quê chạp mả, nghe người già kể về tục lệ quê xưa, tôi lại nhớ một thời thơ bé…
NGUYỄN TAM MỸ