Nhìn dưới góc độ văn hóa học thì con vật linh là con vật được sử dụng trong các tín ngưỡng thờ động vật (animal worship) - lấy con vật làm một thực thể, một hình tượng để thể hiện sự tôn kính một vị thần đặc biệt.
Tượng linh cẩu thờ ở Chùa Cầu. |
Ở đây, vị thần được biểu hiện dưới hình dạng động vật nhưng không phải là sự thờ phụng chính con vật đó. Theo các nhà nghiên cứu thì “thuật ngữ vật linh chỉ mới xuất hiện gần đây trong không khí học thuật của thế kỷ 20, khi Việt Nam bắt đầu tiếp thu nền khoa học nước ngoài, đặc biệt là ở các nghiên cứu về dân tộc học, nhân học” (Đinh Hồng Hải - Các con vật linh - NXB Thế giới 2016 tr.8 - 9). Như vậy trước thế kỷ 20, người Việt hay dùng chữ vật thiêng hay linh vật. Các con vật linh thường gắn với các huyền thoại, truyền thuyết… trong nhiều nền văn hóa. Vật linh là những con vật linh thiêng (có thực hoặc hư cấu) gắn với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư, được thiêng hóa thành những biểu tượng của cộng đồng đó hay nền văn hóa đó.
Tục thờ chó hiển nhiên là gắn với tín ngưỡng sơ khai của con người - đó là quan niệm “vạn vật hữu linh”. Chó là con vật nuôi mà con người thuần dưỡng từ rất sớm trong lịch sử. “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” (NXB Đà Nẵng 2002, tr.181) cho rằng chó - được con người từ xa xưa cho rằng chó là chó của trời (Thiên khuyển, Thiên cẩu), là Thần Chết, là con vật dẫn hồn ma ở địa ngục… Trong tâm thức người Việt - cũng tương đồng với tâm thức con người Á Đông - thì chó là biểu tượng đồng thời hai chiều quan niệm đối nghịch: một bên, chó là biểu hiện của cái ác, cái xấu, sự cực nhục, lòng tham, sự phóng dục, sự điên dại (chó dại)…; chiều ngược lại, chó là biểu hiện của sự trung thành, vật lành hiền, sự bảo hộ, canh giữ, tình nghĩa thủy chung… Trong kho tàng văn học dân gian có vô số văn bản truyền khẩu về chó “biểu hiện của cái xấu, cái khổ nhục”, “sự điên loạn”… như “khổ như chó”, “nhục như chó”, “đời chó má”, “lên voi xuống chó”, “chó ỷ gần nhà - gà ỷ gần vườn”, “điên như chó dại”… đồng thời với “biểu hiện của cái tốt, cái có ích” như: “chó đâu chó sủa lỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”, “lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, “chó giữ nhà, gà giữ bếp”…
Ở Quảng Nam, Chùa Cầu - biểu tượng của một đô thị cổ - “một hình mẫu điển hình của sự giao hòa các nền văn hóa trong một thương cảng cổ” có thờ hai cặp tượng chó và khỉ (linh cẩu và thần hầu). Dân gian cho rằng “đó là cách ghi dấu niên đại theo kiểu Nhật, rằng Chùa Cầu được khởi công vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất”. Cách lý giải như vậy, rõ ràng mang tính võ đoán của văn hóa dân gian. Tư liệu của ngành bảo tồn có ghi chép đôi câu đối nguyên trước đây được đắp bằng sứ ở mặt phía đông Chùa Cầu (nay không còn nữa):
“Thiên cẩu song tinh an cấn thổ;
Tử vi lưỡng tướng định khôn thân”.
(Tạm dịch: Hai sao thiên cẩu trấn an đất Cấn; Hai tướng tử vi định giữ cung Khôn).
Theo kinh Dịch thì “Cấn thổ” (đất Cấn) chỉ hướng đông bắc, Khôn thân (cung Khôn) chỉ hướng tây nam. Câu này tôn xưng hai vị Thiên cẩu canh giữ sự bình an cho xứ đất (phong thủy) theo đúng hướng của kiến trúc Chùa Cầu vì cây cầu bắc qua lạch nước Ồ Ồ nối hai xã Cẩm Phô và Minh Hương (phố người Nhật và phố người Đường) theo hướng đông bắc - tây nam. Nét độc đáo của tượng khỉ và chó Chùa Cầu là tượng được tạc bằng vật liệu gỗ phủ sơn trông giống đá (theo thuyết tôn xưng quan Hoàng Thạch). Hình tượng chó và khỉ Chùa Cầu sẽ vẫn còn chờ các nhà nghiên cứu giải mã, nhưng với người xứ Quảng các hình ảnh ấy đã đi vào tâm thức dân gian với các thành ngữ có tính chất “thế tục” như “ngơ ngơ như khỉ Chùa Cầu” hay “chờ khan như chó Chùa Cầu” và hình tượng chó - một điều nằm ở “cơ tầng” của văn hóa Á Đông - được xem như thiên cẩu - là vị thần bảo hộ cho sự bình an, xua đuổi tà khí. Hình tượng chó là biểu hiện của quan niệm hai chiều đối nghịch - là sự dữ với sự lành - mà trong sâu thẳm của khát vọng phồn thực thì sự lành vẫn là điều người dân hằng mong mỏi.
PHÙNG TẤN ĐÔNG