(VHQN) - Miền biển Quảng Nam là nơi tụ cư lâu đời của cư dân ngư nghiệp, trong quá trình sinh tồn cùng với những đặc điểm về địa lý và lịch sử đã sản sinh văn hóa phong tục, tín ngưỡng gắn với môi trường biển cả.
Sống trong điều kiện thời gian phần nhiều dành cho việc mưu sinh lênh đênh trên biển nên ngư dân thường nghĩ rằng “Sanh tử là ai cũng phải qua/ Đi mãi nhưng ai đã đến nhà…”.
Thuở xa xưa, khi kỹ thuật hải trình còn thô sơ, ngư dân hoặc thương lái đi biển dài ngày không may bị bệnh hoặc tai nạn thì buộc lòng các bạn chài phải thực hành tục thủy táng, thả thi thể người mất xuống biển với quan niệm nước là cội nguồn sinh mệnh của con người.
Từ cội nguồn tín ngưỡng văn hóa
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa cổ đại, thủy táng không chỉ có ở Việt Nam mà khá phổ biến ở những cư dân ven biển, trên các đảo nhỏ ở vùng Đông Nam Á. Đối với ngư dân xứ Quảng, tục thủy táng hiện nay đã trở thành ký ức của những lão ngư. Họ không biết tục thủy táng từ xa xưa có nguồn gốc từ đâu, có lẽ bắt nguồn từ tín đồ đạo Hindu của Ấn giáo.
Đại đa số người đi biển ở xứ Quảng theo đạo Phật và tục thờ cúng ông bà, từ đức tin vạn vật hữu linh, họ có niềm tin mãnh liệt về biển cả linh thiêng thường được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo, xác thân con người do tứ đại là đất, nước, gió, lửa hợp thành, khi chết tứ đại trả về với tứ đại, phần tinh thần là thần thức, linh hồn không thuộc thể xác.
Khi chết, xác thân và thần thức đã tách ra, nên dù thủy táng thì thần thức sẽ không bị lạnh lẽo, bởi vì giáo lý của đạo Phật nói rằng con người sinh ra đều do lòng luyến ái - “Ái bất nhiễm bất sanh ta bà”.
Những người khi sống thường luyến tiếc thân thể, khi chết thần thức cũng dễ bám víu vào xác thân của mình. Do vậy tục thủy táng đối với người đi biển cũng là một trợ duyên giúp linh hồn của họ mau được thọ sanh kiếp khác.
Ngư dân còn cho rằng đại dương là cội nguồn sinh mệnh, nơi con người sinh ra và tìm về khi qua đời. Nếu người chết được thả ra biển, thi thể sẽ hòa vào dòng nước anh linh để được siêu thoát. Không gian biển có ý nghĩa tượng trưng cho sự bất tử, thần linh và hạnh phúc, khi được thủy táng thì người chết ra đi sẽ thanh thản.
Trở về với biển cả
Trong quá khứ con người đã tồn tại song song nhiều hình thức mai táng như địa táng, hỏa táng, thủy táng, thiên táng, huyền táng, điểu táng…, nhưng ở các vùng ven biển chỉ phổ biến hai hình thức địa táng và thủy táng.
Địa táng dành cho người sống ở đất liền, còn thủy táng thường là rất hiếm hoặc chỉ ở trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng khi con người ở nơi biển cả. Thủy táng là hình thức an táng sau khi người mất đi, thi thể được làm lễ đơn giản rồi thả xuống biển cho các loài cá và thủy tộc ăn, vì vậy thủy táng còn gọi là ngư táng.
Ngày xưa, ngư dân vạn chài quan niệm cuộc sống con người được tính từ lúc sinh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng giã từ cuộc sống, quãng thời gian ấy thể hiện qua hai từ sinh - tử, và hai từ ấy cũng là hai từ quan trọng nhất trong kiếp sống nhân sinh.
Trong tâm thức tín ngưỡng chu kỳ đời người, ở những ngư dân xứ Quảng, từ lúc sinh ra đến khi chết, vòng đời của họ gắn liền với nhiều nghi lễ: thành sinh, thành niên, thành thân, thành nghiệp và cuối cùng là trở về với đại dương sóng nước.
Trong các tín ngưỡng trên, nghi lễ thiêng liêng nhất là lễ tiễn đưa con người về nơi an nghỉ cuối cùng kể cả trường hợp thủy táng, nó liên quan đến điều kiện và môi trường sống cũng như ý nghĩa tâm linh của những cư dân ngư nghiệp sử dụng hình thức này.
Thực tế từ xưa, cộng đồng các vạn chài và thương lái đi biển ở xứ Quảng đã có những quy định khá chặt chẽ về thủ tục thủy táng, tựu trung lại tất cả hướng đến tính nhân văn, bày tỏ lòng tiếc thương và biết ơn, thể hiện đạo lý nhân nghĩa đối với người đã khuất.
Nhiều lão ngư khi còn trai trẻ đã làm nghi thức thủy táng cho bạn chài. Khi trên tàu thuyền có người qua đời, các bạn chài nấu chén cơm xông đầu rồi tiến hành tắm cho thi thể hai lần, lấy áo quần tốt mặc vào, còn quần áo cũ thì xé ra làm dây vải để cột chặt thi thể bó trong chiếc chiếu hoặc trong tấm chăn vải rộng với ngụ ý khi trở về với dòng nước anh linh thì thân thể phải sạch sẽ.
Quan niệm của ngư dân cho rằng ngoài hồn còn có vía, nam 3 hồn 7 vía, nữ 3 hồn 9 vía cho nên sau khi chết, họ bỏ 7 hạt gạo vào miệng nếu là nam và 9 hạt gạo nếu là nữ với mong muốn khi sang bên kia thế giới người chết được ăn no để đi đường.
Ngoài ra họ còn quan niệm, ngoài hồn (dương hồn) còn có phách (âm hồn), do đó nghi lễ thủy táng là cầu mong được “hồn siêu phách lạc”. Người chết ngày trước thì ngày sau được tiến hành thủy táng và diễn ra khi mặt trời đã lên trên biển, các bạn chài dùng dây thừng để đưa thi thể người chết thòng xuống biển theo hướng đầu xuôi ra biển, chân hướng về đất liền, hạ lên xuống ba lần theo tín ngưỡng tam tài: Thiên - Địa - Nhân.
Di vết của tục thủy táng
Khi tiếp cận lễ thức tang ma thủy táng, từ góc độ lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định tập quán an táng là một vấn đề xã hội liên quan đến tập tục và đạo đức. Đến với cộng đồng ngư dân xứ Quảng, chúng ta nhận thấy ở họ có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống mưu sinh hằng ngày.
Trước sự huyền bí và dữ dội của biển cả, giữa các bạn chài đã thiết lập mối quan hệ hòa hợp. Tâm thức của ngư dân luôn đề cao đạo lý cộng đồng để gắn kết tình cảm giữa những con người cùng chung một phương thức sinh tồn mà quan hệ xã hội ba chiều Người - Thần - Biển được cộng đồng bảo lưu và gìn giữ.
Giá trị văn hóa tinh thần và những sự kiện liên quan đến cuộc mưu sinh của con người trên biển luôn hiện hữu trong tâm thức ngư dân xứ Quảng. Kể cả tục thủy táng từ xưa còn lưu vết trong văn hóa tâm linh của cộng đồng ngư dân.
Đó là biến thể trong dân gian lưu truyền về truyền thuyết xưa kia đức Phật Quan Âm thường tuần du ở biển cả, ngậm ngùi trước những số phận của con người bị chết chìm ngoài biển khơi, nên xé chiếc áo cà sa làm muôn mảnh, thả trên biển, làm phép màu thành cá Ông để cứu người đi biển bị nạn.
Hoặc trong lễ cầu ngư của các vạn chài, có nghi thức diễn bổn chèo Âm linh Bả trạo ca, gọi là chèo cô hồn với làn điệu hát thán bi thương ngoài bãi biển để cầu nguyện và đưa những linh hồn oan nghiệp không may bị nạn giữa biển khơi vượt qua bờ mê để về miền bến giác: Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt. Vạn lý vô vân vạn lý thiên (Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện/ Muôn dặm không mây muôn dặm trời).
Hiện nay, tục thủy táng ở cộng đồng ngư dân chỉ còn trong ký ức, nhưng cần tìm hiểu để thấy được ứng xử văn hóa truyền thống của cư dân đi biển với quan niệm nhân văn về thế giới bên kia tốt đẹp “sống gửi thác về” bản nguyên của con người.