Tục xin tên của người Ca Dong

HOÀNG THỌ 12/07/2013 08:17

Người Ca Dong ở Nam Trà My có cách xin tên rất khác lạ. Đứa trẻ, sau khi sinh 2 ngày, sẽ được cha mẹ và tất cả người thân trong gia tộc đặt tên (mỗi người chọn một tên). Thầy mo cúng, xin trúng tên nào thì chọn tên đó. Nếu đặt tên xong mà đứa trẻ đó khóc đêm, không bú sữa, thầy mo sẽ cúng xin tên khác, đến khi nào đứa trẻ chịu bú, ngủ ngon mới thôi.
Chúng tôi tìm về xã Trà Tập huyện Nam Trà My, nơi người Ca Dong còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. Trong đó có tục lệ xin tên khá lạ lẫm. Theo anh Hồ Văn Niếp (28 tuổi) - cán bộ xã Trà Tập, một đứa trẻ khi chào đời, khoảng 2 ngày sau bà con thân thuộc sẽ đến thăm và mỗi người chọn cho bé một cái tên thật đẹp nhưng không được trùng với họ hàng hai bên trong vòng 4 đời. Sau đó, gia đình mời thầy mo đến cúng xin tên. Lễ vật bao gồm 1 con gà và 1 củ diêng (giống củ gừng) chẻ đôi, 1 que nứa được trang trí tượng trưng cho cây nêu. Sau khi bày lễ vật, mỗi tên do người thân chọn được viết lên một lá rừng đặt giữa bàn cúng, thầy mo sẽ đọc bài cúng, xin thần linh, đất trời ưng thuận ban cho đứa bé một cái tên đẹp, để nó lớn nhanh khỏe mạnh, đi rẫy giỏi... Đọc xong bài cúng, thầy mo dùng củ diêng đã chẻ đôi để gieo quẻ. Thầy mo cầm củ diêng đưa vào tên viết trên lá bất kỳ và thả xuống bàn cúng. Nếu hai phần củ diêng cùng ngửa hoặc cùng sấp thì tên đó không lấy. Cứ thế thầy mo gieo quẻ tới các tên khác, đến khi nào hai phần củ diêng 1 sấp - 1 ngửa sẽ chọn tên trên lá đó. Việc cúng xin tên được thực hiện vào ban đêm.

“Khi tôi sinh ra, bố đặt tên là Huyền nhưng thầy mo cúng xin tên này không được, nên thầy mo xin tên khác. Cuối cùng chọn tên Niếp. Năm 2008, tôi có con, lúc đầu chọn tên là Nam nhưng thầy mo cúng xin không được, nên đặt qua tên Hưng. Mục đích của việc gieo quẻ xin tên là muốn cho đứa bé tránh bệnh tật, khỏe mạnh, mau lớn” - anh Niếp cho biết. Còn anh Hồ Văn Tiên - cán bộ địa chính xã Trà Tập kể rằng, khi sinh ra, người nhà đặt tên anh là Canh nhưng cúng xin không được, đặt qua tên Thiên. Thời gian sau đó anh bị đau ốm liên tục và khóc đêm, nên cha sắm lễ vật mời thầy mo cúng xin lại tên Tiên. Từ đó anh không còn khóc đêm và hết đau luôn. Tương tự, con anh Tiên khi sinh ra được người thân chọn nhiều tên như Mẫn, Anh, An… đến khi cúng thầy mo xin được tên An.

Hiện nay ở tất cả 4 thôn của xã Trà Tập, đồng bào Ca Dong đều thực hiện nghi thức đặt tên như vậy. Trường hợp nếu không mời được thầy mo, gia đình hai bên sẽ họp lại và sắm lễ vật để đại diện gia đình cúng xin tên. Còn một tục lệ nữa, theo bà Nguyễn Thị Huệ - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập, khi một đứa bé mới sinh ra, trong số họ hàng, ai gặp đứa trẻ đầu tiên thì phải sắm lễ vật ăn mừng. Cha mẹ bồng đứa trẻ lên ở lại nhà người thân đó một đêm, cùng ăn heo, gà, vịt, uống rượu cần đến hôm sau mới được về. Đó được xem là trách nhiệm và vinh dự của người họ hàng đối với đứa trẻ mới chào đời. Theo bà Huệ, việc người thân, họ hàng cùng tham gia chọn tên cho đứa trẻ thể hiện tinh thần gắn bó, xem trọng tình cảm gia tộc của người Ca Dong. Người Ca Dong quan niệm, cái tên gắn với một đời người, tên đẹp thì người đó khỏe mạnh, may mắn, ít bị ốm đau, nên tên nào thần linh cho mới được dùng. “Dù hiện tại, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền đang diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng tục xin tên vẫn được người Ca Dong gìn giữ và thực hiện khá nghiêm ngặt” - bà Huệ nói.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tục xin tên của người Ca Dong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO