Tết máng nước theo tiếng Ca Dong là Clang Đhak, đây là một trong những lễ hội quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My. Cộng đồng nơi đây rất coi trọng nguồn nước của làng và họ xem đây là mạch nguồn sự sống.
Giữ nguồn nước trong lành
Những ngày này về các làng nóc ở Nam Trà My đâu đâu cũng được dân làng Ca Dong mời dự ăn tết máng nước. Tết máng nước thường được tổ chức vào những ngày đầu năm mới, sau khi kết thúc lễ hội đâm trâu. Theo quan niệm của người bản địa, vào mùa này nguồn nước từ rừng sẽ trong lành và mát mẻ. Phong tục này đều được tổ chức thường niên ở tất cả làng nóc. Tại nóc Măng Ri (thôn 1, xã Trà Vinh), cả làng đang rộn ràng tổ chức tết cúng máng nước. Cây nêu cao hơn 15m đứng sừng sững giữa làng để mời gọi thần linh về chứng giám. Theo già làng Hồ Văn Tiến, để chuẩn bị cho tết cúng máng nước, già làng sẽ gọi những thanh niên trai tráng trong làng giao nhiệm vụ làm cây nêu, phát dọn lối đi sạch sẽ vào khu vực dòng suối lấy nước. Nguồn nước mà dân làng lấy về sử dụng thường ở trong khu rừng già và cách biệt những khu rừng ma. Mỗi làng cũng sẽ chuẩn bị 2 con gà trống và 1 con heo để tế lễ. Sau khi cây nêu dựng xong, tất cả đàn ông trong làng sẽ mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối. Tại đây, già làng sẽ cắt tiết heo, phó già làng cắt tiết gà để cho tiết chảy xuống dòng suối, tiếp theo vị già làng sẽ đọc bài cúng: “Hôm nay cả làng lên đây xin thần núi, thần rừng ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận tiện, sinh sống đoàn kết. Ban cho dân làng nguồn nước trong lành để uống mát cái bụng quanh năm”.
Máng nước mới của làng Măng Ri (xã Trà Vinh). |
Sau khi thực hiện xong nghi lễ tế thần, từng gia đình dùng 1 ống nứa rừng múc nguồn nước dưới suối đã được hòa với tiết gà, heo mang về nhà nhóm bếp nấu cơm. Các thanh niên trong làng đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng. Khi nguồn nước về tới máng của làng nằm cạnh cây nêu, già làng tiếp tục cắt tiết 1 con gà nữa để tạ ơn thần linh đã cho nước về với dân làng. Thanh niên đứng vây quanh cây nêu cùng nhau hú reo để thần núi về chứng kiến nguồn nước mới. “Tết máng nước của người Ca Dong đã có từ lâu đời. Khi cúng xong, người dân trong làng phải sống thẳng thắn, trung thực, không được làm chuyện xấu, nếu vi phạm lệ làng sẽ bị phạt nộp heo, gà… Nhờ đó mà tết máng nước là một trong những phong tục giúp cho dân làng chúng tôi sống đoàn kết, hòa thuận, luôn hướng đến những việc tốt đẹp” – già làng Tiến chia sẻ.
Cây nêu tết máng nước ở làng Măng Ri. |
Thắt chặt tình xóm giềng
“Theo các nhà nghiên cứu, nghi thức tổ chức tết máng nước ở Nam Trà My vẫn còn khá nguyên vẹn, không hề bị mai một. Do đây là lễ hội được tổ chức định kỳ hằng năm nên đã giúp cho các làng nóc tự bảo tồn phong tục này. Ngoài ra thông qua tết máng nước, người dân còn giữ gìn được một số nét văn hóa tiêu biểu như múa cồng chiêng, hát ting ting, hát ru…”. (Ông Dương Trinh – Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My) |
Thực hiện xong các nghi lễ cúng máng nước, cả làng mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Tất cả hộ dân trong làng đều nấu rượu cần, cơm lam để đãi khách. Thường thì phần hội của tết máng nước diễn ra trong khoảng 15 ngày. Nhà này đến thăm nhà khác, nóc này đến thăm nóc khác để cùng uống rượu cần, ăn thịt và chúc phúc cho nhau. Nhiều nóc còn tổ chức đánh cồng chiêng, hát dân ca suốt thời gian diễn ra phần hội để tăng thêm không khí rộn ràng của tết máng nước. Những hộ khá giả còn dự trữ thịt rừng sấy giàn bếp hoặc mổ gà, heo để ăn mừng. Ông Hồ Văn Phương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trà Vinh cho biết, nhà ông vừa xây dựng kiên cố cách đây 3 tháng nhưng cách đây vài ngày sàn nhà bị thủng hết do bà con trong nóc nhảy múa cồng chiêng đạp lên. Ông Phương khẳng định đó là điềm tốt vì dân làng quý mến mình mới đến chung vui múa cồng chiêng. “Tôi cho rằng tết máng nước của người Ca Dong là một nét văn hóa đặc sắc mà ở đó nó giúp cho tinh thần đoàn kết giữa các hộ được gắn bó bền chặt, giúp cho tình thân ái giữa nóc này với nóc khác khắng khít. Nhờ tết máng nước này mà các vị già làng có thêm vị thế để quản lý làng nóc ngày càng văn minh, phát triển hơn”.
Tết cúng máng nước là lễ hội quan trọng thứ 2 sau lễ ăn trâu huê của người Ca Dong. Khi nguồn nước đưa về giữa làng, các hộ dân sẽ lấy về để sinh hoạt, ăn uống. Đây là nguồn nước chung của cả làng và sẽ được duy trì dòng chảy quanh năm. Ông Dương Trinh – Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My khẳng định, tết máng nước là nét văn hóa tín ngưỡng rất đặc sắc của người Ca Dong và Xê Đăng ở Nam Trà My. Phong tục này thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên của người vùng núi, giúp cho tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn.
Trên những nóc làng khắp Nam Trà My, người dân đang tưng bừng mở hội để mừng nguồn nước mới về làng. Tiếng cồng chiêng hòa cùng những lời hát ru bên ché rượu cần thâu đêm suốt sáng càng làm cho không khí ở vùng núi trở nên ấm áp. Cứ vậy, người bản địa nô nức vui hội để rồi sau đó lại bận rộn cho một mùa phát nương, tỉa rẫy mới.
Hoàng Thọ