Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực ngày 1/1/2022), chuyển biến rõ nhất là các trung tâm sản xuất công nghiệp, cơ sở gây nguồn thải lớn, hay các “điểm nóng” ô nhiễm trên địa bàn Quảng Nam đã được kiểm soát. Tuy nhiên, từ việc chạy theo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều nơi đang tồn tại tình trạng “bức tử” môi trường.
Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực ngày 1/1/2022), chuyển biến rõ nhất là các trung tâm sản xuất công nghiệp, cơ sở gây nguồn thải lớn, hay các “điểm nóng” ô nhiễm trên địa bàn Quảng Nam đã được kiểm soát. Tuy nhiên, từ việc chạy theo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều nơi đang tồn tại tình trạng “bức tử” môi trường.
Đa dạng nguồn lực đầu tư
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, giai đoạn 2022 - 2024, ngân sách tỉnh bố trí hơn 576 tỷ đồng chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT); ngân sách đầu tư công bố trí 926 tỷ đồng trên tổng mức hơn 1.955 tỷ đồng cho 8 dự án về BVMT; dành 404,6 tỷ đồng kết hợp 913,1 tỷ đồng huy động vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài cho 7 dự án đầu tư thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; 20 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương có khu xử lý rác thải tập trung thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng.
Cạnh đó, UBND tỉnh cấp phép đầu tư cho 3 dự án xử lý chất thải rắn tại 3 địa phương (Đại Lộc, Bắc Trà My, TP.Hội An) với tổng số vốn đăng ký gần 900 tỷ đồng…
Ngoài ra, tỉnh tăng nguồn lực vốn đầu tư công cho xây dựng hạ tầng đường giao thông vào các khu xử lý rác Tam Xuân II, Nam Quảng Nam.
Đồng thời, hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư và địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 01/2020 ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Một số doanh nghiệp đã đầu tư dự án xử lý chất thải rắn như Núi Thành, Đại Lộc, Hội An, Bắc Trà My, Nam Giang…
Ông Nguyễn Viết Thuận – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, thời gian qua, các dự án/công trình đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn ngoài sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn huy động từ vốn đầu tư nước ngoài, vốn của các doanh nghiệp tư nhân.
Không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm
Nỗi lo nhất là một số loại hình sản xuất mới ở Quảng Nam tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đó là hoạt động nhập khẩu phế liệu và nhựa.
Trên địa bàn, hiện có 3 doanh nghiệp đang nhập khẩu nhựa và giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất với tổng khối lượng khoảng 14.520 tấn/năm, gồm: Công ty CP Giấy Sài Gòn Miền Trung; Công ty TNHH Lavergne Việt Nam; Công ty TNHH Bao bì Tấn Đạt.
Quảng Nam đã hoàn thành và đưa ra khỏi danh sách 25/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều năm qua, tỉnh không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc danh mục phải xử lý”.
Ông Nguyễn Viết Thuận – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường
Dù vậy, vừa qua Bộ Tài nguyên - môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã xác nhận, trong quá trình hoạt động sản xuất, các đơn vị trên đều tuân thủ các quy định pháp luật, đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
Để kiểm soát ô nhiễm đối với các nguồn thải, các khu công nghiệp (KCN) đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị truyền nhận và quản lý số liệu quan trắc tự động từ các cơ sở nhằm theo dõi, giám sát hoạt động xả thải.
“Hầu hết các cơ sở phát sinh nguồn thải đều tuân thủ việc thu gom, đấu nối vào hệ thống xử lý nước của KCN và có công trình xử lý khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Tình hình môi trường tại các KCN đang được kiểm soát chặt chẽ” – ông Thuận nói.
Trong khi đó, các địa phương gấp rút di dời các ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; lập phương án xử lý 36 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.
Cần xử lý triệt để
Tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong xử lý ô nhiễm, nhưng ngành chức năng tỉnh cũng thừa nhận, việc đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại cụm công nghiệp, làng nghề, hạ tầng cấp nước sạch đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, nước thải được thu gom, xử lý tại các khu vực đô thị còn thấp (khoảng 10,09%), hầu hết khu vực dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Các dự án đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung theo quy hoạch vẫn chậm triển khai, trong khi nhiều địa phương phải loay hoay thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Mấu chốt dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dè dặt đầu tư dự án xử lý môi trường là do thiếu nguồn lực, công tác giải phóng mặt bằng phần lớn thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, chưa đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương các cơ sở sản xuất, nhà máy, làng nghề thủ công truyền thống… đang hoạt động trong khu dân cư không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường, gây ô nhiễm vẫn chưa xử lý triệt để, chậm triển khai di dời…
Về giải pháp, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình, trước mắt Quảng Nam sẽ xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa nội dung phân vùng môi trường theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai đồng bộ hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, nâng cao tỷ lệ tái sử dụng hoặc tái chế rác thải sinh hoạt.
Thêm vào đó, xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dịch vụ tập trung, làng nghề, chợ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Và đặc biệt, chính quyền tỉnh sẽ có cơ chế thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Từ năm 2000 đến nay, Quảng Nam đã đầu tư 17 dự án/công trình ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án nước sạch từ nguồn vốn ngân sách và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, với tổng vốn hơn 9.225 tỷ đồng.