Trong những năm qua, Quảng Nam đã thực hiện quyết liệt việc phân luồng, hướng nghiệp giúp học sinh chọn con đường đúng với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội. Để lộ trình này không gặp rào cản và sự chồng chéo, Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GD-ĐT đang quyết liệt triển khai hiệu quả.
Từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015, GDNN trở thành một phần của hệ thống giáo dục quốc dân, quy định các bậc cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, do Bộ LĐ-TB&XH quản lý và thực hiện theo quy định.
Ông Phan Văn Bình - Phó Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, trong thời gian đầu khi triển khai Luật GDNN trên địa bàn tỉnh, hợp nhất chức năng quản lý về một đầu mối, cộng với những khó khăn nội tại đã không thu hút học sinh vào cơ sở GDNN. Thậm chí hiện nay, một bộ phận giáo viên, cán bộ địa phương vẫn chưa rõ về hệ thống GDNN hiện nay như thế nào. Hy vọng sau thời gian ổn định dần, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã thay đổi nhận thức từ giáo viên, cán bộ địa phương, phụ huynh và học sinh về quan điểm học nghề lập nghiệp. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn nặng tư tưởng coi trọng bằng cấp trong phụ huynh và học sinh nên việc tuyển sinh tại các cơ sở GDNN vẫn còn gặp khó.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Sở GD-ĐT đã tổ chức các khóa tập huấn về GDNN và tư vấn hướng nghiệp trong toàn tỉnh vào tháng 9 vừa qua, cho giáo viên bậc THCS, THPT. Chương trình hướng nghiệp được giới thiệu tại khóa tập huấn theo bộ công cụ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các báo cáo viên của ILO đã giới thiệu những bài dạy dành cho giáo viên theo chương trình khung của ILO.
Trong đó, học sinh sẽ được định hướng con đường khám phá nghề nghiệp; phân định được sự giống và khác nhau giữa “việc làm” và “nghề nghiệp”; những đặc điểm đặc trưng của tâm lý, văn hóa và kinh tế bản địa tác động đến việc chọn nghề của mỗi người sao cho phù hợp nhất.
Những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến tỉnh đối với GDNN; xu hướng thị trường lao động, nhu cầu của nhà tuyển dụng sau đào tạo; phối hợp, kết hợp với hệ thống các trường trung cấp và cao đẳng trong và ngoài tỉnh trong công tác tuyển sinh đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh; quy chế tuyển sinh mới, chương trình đào tạo các trường, về việc làm sau đào tạo… đều được giới thiệu đến với giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong các trường học.
Đồng thời, sau khóa tập huấn các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh sẽ được chuyển giao bộ công cụ chương trình hướng nghiệp của ILO để thực hiện tốt hơn công tác GDNN, hướng nghiệp hiệu quả. Từ đó thực hiện tốt mục tiêu phân luồng đào tạo cho học sinh, tránh sự lãng phí cho xã hội khi học sinh không xác định được cụ thể học nghề nghiệp gì phù hợp với khả năng của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội.
Làm thế nào để công tác hướng nghiệp trong nhà trường phát huy được thế mạnh giáo dục trong mối liên kết gia đình - nhà trường - xã hội là mối quan tâm lớn của những người làm công tác GDNN. Hướng nghiệp thành công quyết định phần cốt lõi dẫn đến thành công trong sự nghiệp của mỗi người sau này.
Từ bộ công cụ của ILO được chuyển giao cho tỉnh, hy vọng rằng một đội ngũ giáo viên tâm huyết sẽ trở thành cầu nối đắc lực, kết nối giúp học sinh tiếp cận được với cơ hội nghề nghiệp phù hợp bản thân, đồng thời có việc làm ổn định sau khi học nghề.
Đây có lẽ còn là chặng đường dài, nhưng với những chuyển biến tích cực như hiện nay trong phân luồng đào tạo, cũng như sự truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở GDNN sẽ tác động và mang lại hiệu quả trong thời gian sớm nhất.