Tụng ca đồng làng...

SONG ANH 13/11/2016 11:18

Không phải ngẫu nhiên khi ngày càng nhiều các dự án nghệ thuật, dự án cộng đồng chọn những vùng ven đô thị để khởi đầu, thử nghiệm. Và càng không phải chuyện chơi, khi những chủ đề chính trong các tác phẩm, kể cả ở sân khấu biểu diễn mang tầm cỡ quốc tế, vẫn chọn từ những ám ảnh của đồng làng, những giá trị văn hóa cổ truyền…

Một sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặt tại khuôn viên nhà cổ ở Hội An.
Một sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặt tại khuôn viên nhà cổ ở Hội An.

Trở về mái nhà xưa

Mới đây nhất, ở Liên hoan múa đương đại quốc tế (diễn ra từ 21 đến 27.9), nhóm Arabesque, bằng ngôn ngữ hình thể của mình, đã mang những ụ rơm lên sân khấu để dựng thành một vở múa xuất sắc, chuyển tải những giá trị văn hóa dân gian đến với người mộ điệu. Cũng như vậy, vài năm gần đây, người ta chờ mong “À Ố Show” của nhóm Làng Tôi, với sự kết hợp của múa và xiếc, để kể người nghe những cảnh nông thôn đằm thắm. “À Ố” dùng những công cụ truyền thống của người Việt, từ thuyền thúng, quang gánh, gậy tầm vông… để phả lên không gian nghệ thuật đương đại những hình ảnh đậm chất quê xứ Nam bộ… Ca tụng những vết dấu làng quê thuần khiết, hay đúng hơn, như một xu hướng, những giá trị truyền thống, chân mộc, ngày càng được chuộng để thưởng thức và cả để tâm thức quay về. Nhiều người cho rằng, đây là cơ hội để lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa làng quê. Hay ngược lại, có khi là một may mắn cho những nghệ sĩ trót bén duyên với những thứ tưởng chừng “quê mùa” này. Nhưng thử nhìn rộng ra các nền nghệ thuật quốc tế, những giá trị văn hóa cổ truyền, là bản sắc của dân tộc, thì luôn được tôn vinh và xem như đỉnh cao của nghệ thuật.

Phải vì thế, mà khi chọn Việt Nam để tiếp nối câu chuyện nghệ thuật của mình, các nghệ sĩ trên thế giới, đã chọn kể cho người Việt câu chuyện xưa xa của chính dân tộc họ. Và cũng nhiều khi, chính quá khứ tưởng đã yên sâu, chìm khuất, mất mát cùng lũy tre làng, với sự bồi lấp của rất nhiều thứ lai căng của người Việt, lại được các nghệ sĩ nước ngoài tìm về và khơi dậy. Không thể so sánh với các thành phố lớn, nhưng Hội An cũng là nơi tụ hội khá nhiều các nghệ sĩ đương đại trên khắp thế giới, với đủ mọi loại hình nghệ thuật khác nhau. Và điểm chung trong hoạt động nghệ thuật của họ khi dừng chân ở Hội An, là tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của một nền văn minh lúa nước đặc trưng Á Đông.

Tôn vinh nghệ thuật truyền thống

Jean Luc Mello, một nghệ sĩ khá tiếng tăm với những sáng tạo nghệ thuật đương đại mang tính khám phá, lại mê mẩn những khuôn hình của mặt nạ tuồng. Chủ trương làm nghệ thuật của Jean luc Mello đồng điệu với Síu Phạm – vợ ông, một nhà làm phim tận dụng hết nấc những chất liệu từ văn hóa dân gian, từ đời sống bình dân của những người Việt ở các làng chài ven sông, ven biển đến những khám phá về văn hóa của các sắc tộc ở những vùng núi cao Đông Bắc, Tây Bắc. Jean quan niệm “arte di poverti”, nghĩa là chỉ dùng những vật liệu sơ sài, đời thường để làm nghệ thuật. Từ giấy xuyến chỉ, giấy vàng mã đến các hình ảnh của dân gian đã xa lắc lơ, mực, màu vẽ cũng từ đời sống của người Việt, ông cứ từ từ kết nối từng chút một những thứ tưởng đã qua, đã mất, để trở về ngay thời khắc hiện hữu. Cũng bằng chất liệu giấy dó cổ truyền, Jean Cabbane – một họa sĩ người Pháp, lại khiến người xem tranh ông tại Hội An cứ cắc cớ về những nhân hình thấp thoáng trong cái mỏng tang của loại giấy truyền thống Việt Nam… Eric Kappeler, nhà điêu khắc đá người Thụy Sỹ hay nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn… cũng đang đình đám trên các diễn đàn ảnh của quốc tế với câu chuyện về những khoảnh khắc đời thường ở Việt Nam, đều là những rung cảm văn hóa thú vị khi nhắc đến Hội An.

Với các nghệ sĩ Việt, câu chuyện gần đây nhất, là sự quay trở lại với những tinh túy của văn hóa truyền thống từ cả họa pháp, chất liệu lẫn việc tận dụng những ý tưởng từ dân gian. Họa sĩ Trương Bách Tường, chủ gallery T&G, người vừa mới ra mắt một gian trưng bày mặt nạ tuồng tại phố cổ, cho biết, chuyện ngày càng nhiều nghệ sĩ chọn cách quay về với bản sắc văn hóa của dân tộc, có rất nhiều lý do. “Vì đã và đang có nhiều xu hướng kinh doanh văn hóa bản địa, do đó văn hóa dân gian dần bị biến tướng. Tuy nhiên một mặt nào đó nó vẫn hữu ích vì ít ra thì vẫn giữ được cái tên. Riêng tôi khi làm ra gian hàng mặt nạ tuồng thì chỉ nghĩ đơn giản là giữ lại được một phần cái hình ảnh tinh túy nhất của hát bội là kẻ mặt” - họa sĩ Trương Bách Tường nói. Anh có lý khi cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, khi những đường biên giới thực thể trong nghệ thuật bị xóa dần, đã và đang xuất hiện hiện tượng xâm lăng văn hóa. “Để khẳng định chỗ đứng của một dân tộc chỉ có cách làm văn hóa dân tộc mạnh lên mới tránh khỏi bị đồng hóa” - anh chia sẻ quan điểm. Đồng điệu với tư tưởng không muốn bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nghệ thuật nào, các chàng trai của Vườn Giấy Việt – nơi khởi đầu các sản phẩm nghệ thuật làm từ giấy dừa, hay những họa sĩ trẻ đang hoạt động ở Art House Việt Nam với “trưởng nhóm” Vũ Trọng Anh, đều đã và đang khẳng định con đường làm nghệ thuật riêng biệt và mang bản sắc đặc trưng của văn hóa Việt.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tụng ca đồng làng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO