Cuộc chơi với đá
Chiều muộn. Ánh nắng cuối xuân đã khuất dần sau đỉnh núi Pa Trzương. Alăng Tùng vẫn lặng lẽ đắm chìm trong “cơn say” cùng những hòn đá. Căn nhà mở toang cửa. Bên trong, một “bảo tàng đá” - tạm gọi vậy, được Tùng cất giữ từ nhiều năm nay. Có cả một chiếc rương gỗ, dài hơn một mét, đựng đầy đá. Tất cả đều được bọc kỹ bằng lớp giấy báo, ni lông. “Gia tài của mình chỉ có chừng đó thôi!”, Tùng cười hào sảng. Tôi chú ý từng cử chỉ của Tùng. Rất khó đoán. Mê đá hơn những gì tôi tưởng. Nhưng lại là một cuộc chơi vô cùng thú vị.
Alăng Tùng và cuộc chơi với đá. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Alăng Thị Dung, vợ Tùng nép mình sau cánh cửa nhà sàn, nói vọng: “Mỗi ngày, khi việc nhà đã hoàn tất, ổng lại đi tìm đá dọc nguồn sông suối. Ổng mê đá, đến nỗi sắp nhỏ trong làng cũng… mê theo”. Người phụ nữ đã trạc bốn mươi. Chung sống với chồng hơn hai mươi năm nhưng đã có nửa thời gian chứng kiến chồng “tình say” với đá. Mười mẫu đá mỗi ngày. Sưu tầm, rồi lại bỏ đi. Những “kho đá” được chất đều trước hiên nhà, rất lạ mắt. Nhiều em nhỏ trong làng, hễ phát hiện được viên đá lạ cũng đều mang đến bán cho Tùng. “Mới vừa mua viên đá của người dân trong làng. Đẹp lắm. Giống miếng gỗ hóa thạch” - Tùng cho hay. Tôi quan sát, khắp ngôi nhà, chỗ nào cũng có đá. Tùng khệ nệ bê một tảng đá to, đặt trên chiếc phản gỗ, rồi áp bày tay xuống. Tảng đá vuông vức in hằn vệt bàn tay, lưu gần 2 phút đồng hồ. Loại khác, “trứng ngỗng hóa thạch” - như lời giới thiệu của Tùng. Giống đến lạ. Tôi bắt đầu bị “Tùng đá”… mê hoặc!
“Loại đá này được tìm thấy trên ngọn núi phía bên kia đỉnh Pa Trzương. Nó đẹp lắm. Soi trước nắng, hiện lên khuôn mặt của người con gái rất dịu dàng, thùy mị”. Viên đá màu trắng, dẹt và rất mỏng được Tùng lấy ra từ trong chiếc ché đặt trên bàn thờ tổ tiên, có màu sắc cùng hình thù khá lạ. Soi viên đá ấy trước nắng, một “người đá” hiện ra, chỉ hao hao nhưng khá đầy đủ các chi tiết cơ bản về cấu tạo khuôn mặt người. Có thể là ngẫu nhiên nhưng với Tùng đó lại là “một bí ẩn của tạo hóa”. Hơn năm mươi năm lập làng, xứ Kà Đâu - tên gọi khác của làng Mèn chỉ có Tùng biết chơi đá. Tùng “kỳ dị” đến mức ăn ngủ gì cũng với đá. Chiếc “nanh gấu” bằng đá được Tùng mài mịn, rồi khoét thêm một lỗ tròn để móc cùng dây đeo cổ. Trông rất lạ và đẹp. Tùng khoe, túi quần anh lúc nào cũng rủng rỉnh đựng vài viên đá. Ngay cả khi đi ngủ. Cơ duyên với đá, Tùng kể chuyện cách đây hơn mười năm. Anh bị đá nhọn cứa rách bàn chân trong một lần đi săn thú phía ngoài Hang Gợp. Miếng đá rất đẹp khiến anh mê mẩn. Tùng bảo, tất cả vạn vật đều có “thần” riêng. Ví như hòn đá. Dù là vật vô tri nhưng lại mang nhịp sống mà chỉ có những người biết “chơi” với đá mới thấu hiểu được… Tùng đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Toàn về đá. Một cuộc chơi với đá. Thế là đủ. Tôi hiểu vì sao người trong làng gọi anh với cái tên “Tùng đá”.
Biểu diễn lại một cuộc đi săn, hạ gục con hổ. |
“Võ Tòng” của làng Mèn
Người làng Mèn vốn “kín tiếng” vì sống ở một quần cư đầy cách trở. Nhưng câu chuyện về họ lại mang nhiều vẻ bí ẩn, thú vị về cuộc sống giữa rừng. Và, câu chuyện về chàng thanh niên Alăng Tùng - người trẻ duy nhất trong làng, cách đây đã mấy chục năm bắt được hổ, là niềm tự hào của mọi người. Tùng kể, hôm đó trời mưa lất phất. Một mình anh vào thăm rẫy phía bên kia đỉnh núi Pa Trzương. Trên đường về, bỗng phát hiện phía trước một con hổ đang hướng thẳng về phía làng mình. Tùng vội nấp vào một tảng đá to, rút nhanh mũi tên đã tẩm kịch dược ch’pơơr, rồi dùng nỏ nhắm về phía con hổ mà bắn. Trúng tên, con hổ lao nhanh về phía rừng sâu và gục chết chỉ sau mấy phút. Tin Alăng Tùng giết được hổ đã lan nhanh khắp vùng. “Ngày ấy, Nhà nước chưa cấm đoán săn bắt hổ. Còn bây giờ, hổ là động vật hoang dã quý hiếm, dân làng phải bảo vệ nó” - già làng Alăng Minh cho biết.
Chiếc pa’nanh (nỏ) treo trên nóc nhà đã úa màu khói bếp, trông rất cũ kỹ. Nhưng với Tùng, đó là kỷ vật vô giá. Một chứng tích làm nức lòng người dân làng Mèn một thời. Đó là chưa kể về những trận đánh giặc của những du kích vùng cao, chỉ bằng chiếc pa’nanh. Già làng Alăng Minh bảo, Alăng Tùng không chỉ bắn nỏ giỏi mà còn biết cách chế tác các loại nỏ điêu luyện. “Bây giờ, hiếm có người trẻ nào có khả năng chế tác và bắn nỏ giỏi như Tùng đâu. Và nữa, Alăng Tùng còn là người trẻ duy nhất ở làng Mèn có khả năng nói lý, hát lý “ngang hàng” với các bậc cao niên trong các dịp lễ hội, cưới hỏi...” - già làng Alăng Minh tự hào bảo với tôi.
Đêm. Làng Mèn bập bùng ánh lửa. Câu chuyện dưới mái gươl như “đốt cháy” bao ánh mắt của lũ làng. Như thể, lần đâu tiên được kể về Tùng…
LĂNG A CÚI