Tươi sáng Đại Quang

KHẢI KHIÊM 23/03/2019 01:23

Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, sự năng động và sáng tạo cùng chung tay xây dựng xã nông thôn mới (NTM) của cả hệ thống chính trị đã làm nên diện mạo tươi sáng, đầy sức sống trên mảnh đất Đại Quang (Đại Lộc).

Đường trục chính qua Trung tâm hành chính xã Đại Quang.Ảnh: K.K
Đường trục chính qua Trung tâm hành chính xã Đại Quang.Ảnh: K.K

Chung tay xây dựng

Tại sân vận động xã, vào tháng 12.2012, xã Đại Quang (Đại Lộc) chính thức làm lễ phát động xây dựng NMT. Khởi sự chỉ dựa vào nền tảng khiêm tốn với 6 tiêu chí đạt được, vậy mà sau 6 năm, địa phương về đích 13 tiêu chí còn lại theo quy định mới, để mảnh đất này khoác trên mình một diện mạo tươi sáng. Bày tỏ niềm phấn khởi, Bí thư Đảng ủy xã - ông Mai Anh Sơn chia sẻ, cái được và nhìn thấy rõ nhất đó là bộ mặt nông thôn đổi thay, nông nghiệp chuyển mình và công nghiệp (CN) có bước phát triển vượt bậc. Đi trên tỉnh lộ 609 qua xã, chúng ta dễ dàng nhận ra cổng chào do từng thôn nằm trên trục tuyến, hoặc hội đoàn thể thiết lập. Thâm nhập vào khu dân cư, đường làng, ngõ xóm kiên cố chạy dọc ngang kết nối liên hoàn với giao thông nội đồng vững chãi. Ven các tuyến giao thông, 98,89% nhà ở đã đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Tường rào, cổng ngõ kiên cố, song chẳng hề thô kệch vì được “mềm hóa” bởi hàng cây xanh, hoa cảnh; 10 nhà văn hóa khang trang được bố trí ở mỗi thôn, đảm bảo cho việc sinh hoạt, hội họp, vui chơi và rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Xã Đại Quang có 3.008 hộ với 10.017 khẩu (1.892 hộ sản xuất nông nghiệp). Tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 272,42 tỷ đồng (thương mại - dịch vụ chiếm 136,26 tỷ đồng, CN - tiểu thủ CN 64,18 tỷ đồng, nông nghiệp 62,06 tỷ đồng). Địa phương phấn đấu cuối năm 2020 đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”, trong đó có thêm 3 “Khu dân cư NMT kiểu mẫu”; đến năm 2025 đạt chuẩn “ Xã NTM kiểu mẫu”.

Quá trình dựng xây NTM, cải thiện đời sống đưa mức thu nhập bình quân của người dân Đại Quang lên 35,21 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 2,7%. Họ đã phát huy tốt lợi thế điều kiện sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, con vật nuôi, phát triển cánh đồng mẫu; nhiều diện tích đất màu cho doanh thu hơn 100 triệu/ha; các tổ hợp tác dần chứng tỏ tầm ảnh hưởng. Chủ tịch UBND xã Đại Quang - ông Đoàn Tám cho biết thêm, nhà máy gạch Prime hoạt động ổn định đã giải quyết hơn 1.000 lao động với mức lương 6-10 triệu đồng/người/tháng. Cụm CN Đại Quang 2 ngày càng mở rộng, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Tiểu thủ CN cũng phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Thương mại - dịch vụ nở rộ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên ở xã đạt 95,07%. Văn hóa - xã hội và môi trường được quan tâm. Cuối năm 2018 toàn bộ trường học cấp mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; an ninh - quốc phòng đảm bảo.

Nhân lên điển hình

“Xã đạt chuẩn NTM là nhờ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mà sự đồng thuận, đoàn kết một lòng và quyết tâm thực hiện của nhân dân hết sức quan trọng. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, hướng đến mục đích cuối cùng nâng cao chất lượng đời sống. Thông qua xây dựng NTM, chúng tôi thường xuyên làm việc, đối thoại để kịp thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ vướng mắc cho bà con” - ông Mai Anh Sơn nói. Ngoài góp công, góp sức, nhân dân còn đóng hơn 4,4 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện chương trình hơn 85,6 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tham gia hơn 12,3 tỷ đồng. Ông Đoàn Tám thì cho hay, không dừng lại ở công tác tuyên truyền, MTTQ phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”;  Hội Phụ nữ với “5 không 3 sạch”; Hội Người cao tuổi chăm lo “Xây dựng gia đình ăn ở ngăn nắp hợp vệ sinh”, “Thu gom rác thải, sạch từ nhà ra đường”… đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi.

Huy động sức dân là điểm nổi bật ở thôn Song Bình. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trần Thanh Trung chia sẻ, nhà văn hóa thôn kiên cố như hôm nay là nhờ nhân dân đóng góp hơn 31 triệu đồng. Hay mới đây, người dân và mạnh thường quân góp công, hỗ trợ khoảng 45 triệu đồng làm nền tuyến đường tránh lũ dài 177m, rộng 3,5m. Về sau này, khi nền đường đã ổn định, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực kiên cố hóa mặt đường rộng 3m. Đó là thành quả xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” bắt đầu từ năm 2017 và được công nhận vào tháng 11.2018. Theo ông Đoàn Ngọc Lạc - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tam Hòa, để tạo bóng mát và cảnh quan chung, dọc 2 bên đường làng, ngõ xóm được trồng hàng nghìn cây cau, cây chuỗi ngọc. Tường rào, cổng ngõ “mềm hóa” bằng hoa cảnh, cây xanh. Đặc biệt chương trình mang lại lợi ích thiết thực với hàng chục vườn mẫu thành hình, canh tác hàng chục héc ta lúa giống, thương mại - dịch vụ sôi động góp phần mang lại thu nhập ổn định. Tam Hòa nay không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng/năm.

Chọn điểm nhấn nông nghiệp

Xã Đại Quang đạt chuẩn NTM là sự khởi đầu tốt đẹp, mở ra chặng đường mới trong quá trình phát triển của địa phương. “Tuy nhiên, chúng tôi không hề “ngủ quên” mà tiếp tục tập trung giữ chuẩn và nâng chuẩn, hướng đến mục tiêu có một nền sản xuất phát triển, nhân dân có đời sống sung túc, làng xã văn minh, sạch đẹp, quản lý xã hội tốt hơn. Bởi muốn đạt được mục tiêu nêu trên, xã phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách” - Bí thư Đảng ủy xã Mai Anh Sơn nói. Theo lãnh đạo xã, một số tồn tại cần phải khắc phục, như nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng, chưa chủ động được nguồn vốn; huy động vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt vấn đề bỏ hoang đất, ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai, đường cũ xuống cấp… cũng cần được cấp trên quan tâm tháo gỡ. 

Một khu vườn trồng mít tại làng Phương Trung.Ảnh: K.K
Một khu vườn trồng mít tại làng Phương Trung.Ảnh: K.K

Trên chặng đường này, Đại Quang kỳ vọng tạo nên bước đột phá bằng việc đưa thôn Phương Trung cũ thành làng du lịch sinh thái. Quy hoạch lại đường giao thông, chỉnh trang vườn tược, bố trí khu vực trồng cây đã có. Địa phương đã thực hiện trồng 2 vành đai dừa từ đầu đến cuối làng, đưa tre ra bìa làng để chống xói lở, dành đất cho 15 vườn chuyên canh cây ăn quả như mít, chôm chôm, cốc, ổi, bơ, na, lựu…

Đang an cư tại thôn Phương Trung mới (làng cũ trước đây bị sạt lở), bà Nguyễn Thị Lý hàng ngày quay về làng cũ chăm sóc cho hơn 1,5ha vườn. Bà cho hay, vườn cũ của gia đình rộng khoảng 15 sào được trồng dừa, mít và chuối xen kẽ. Giống dừa được mua từ miền Tây Nam Bộ về ươm, ban đầu được 120 gốc. Sau 6 năm, cả khu vườn gần như được phủ kín sau khi địa phương hỗ trợ thêm mấy chục gốc dừa và mít. Bà Lý còn mua thêm đất vườn để canh tác các loại cây ăn quả rất hợp với thổ nhưỡng vùng.          

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phương Trung - ông Ngô Văn Thọ chia sẻ, làng cũ có khoảng 18ha đất vườn và 47ha đất hoa màu. Bây giờ, người dân hăng hái cải tạo vườn tạp, khoanh vùng trồng cây, canh tác rau sạch phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh cây chủ lực như chôm chôm, cau, dừa hay mít, họ còn trồng thêm cây chuối để “lấy ngắn nuôi dài”. Sắp tới đây, ven các trục giao thông chính sẽ được trồng cau ăn quả, trồng bờ rào vườn cũng bằng cây cau. Bày tỏ nỗi trăn trở, ông Ngô Văn Thọ cho biết, Nhà nước cần sớm đầu tư hạ tầng cơ sở như kiên cố hóa các trục giao thông chính, có chính sách ưu đãi về vay vốn để đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng cây theo quy hoạch…

KHẢI KHIÊM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tươi sáng Đại Quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO