Có lẽ câu chuyện nên bắt đầu từ cây vải già cuối làng. Cây vải cổ thụ ấy, lúc nhỏ tôi nghe người lớn bảo nó đã đứng đó từ hơn trăm năm rồi. Nó đứng đó, sừng sững bên lối vào nhà thầy giáo Nhự, mặc cho mưa nắng bão dông, chứng kiến biết bao thăng trầm thế sự, biết bao đổi thay dâu bể của cuộc đời. Lần đầu tôi được cha dẫn đến trường vào một buổi sáng sớm. Tôi nhớ, cách đó vài hôm trong bữa cơm chiều, cha nói với mẹ rằng phải cho thằng Nhiên đi học để kiếm cái chữ. Thầy Nhự đã đồng ý nhận vô trường rồi. Mẹ sắm cho tôi bộ quần áo mới, chiếc cặp da và những tập vở còn thơm mùi giấy mới. Tối hôm trước khi đến trường tôi không sao ngủ được. Cứ nghĩ ngày mai mình được đi học, được quen biết bạn bè, trường lớp, thầy giáo… cái cảm giác vừa hồi hộp vừa sợ sệt xen lẫn mừng vui khiến tôi không tài nào chợp mắt. Mẹ phải vỗ về, à ơi ru tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Rồi tôi đi học. Quen biết rất nhiều bạn bè, ngoài những đứa cùng xóm thân thiết như thằng Giải, thằng Kiều, con Hảo, con Hóa… tôi còn biết thêm ở làng dưới còn có thằng Bôn, thằng Dưỡng, con Thoa... Gọi trường làng nhưng chỉ là một ngôi nhà mái tranh rạ đơn sơ, được lợp đi lợp lại nhiều lần do mưa nắng và bom đạn. Mấy tấm gỗ xẻ từ cây gạo xù xì được kê làm bàn viết học trò. Ghế là những chiếc đà gỗ tròn, láng kịn mồ hôi của lũ trẻ sau những giờ chạy nhảy rong chơi. Cái ngôi trường quen thuộc ấy đã gắn kết tuổi thơ tôi và lũ bạn với biết bao kỷ niệm khó quên của những tháng ngày êm đềm và dữ dội.
Chiến cuộc liên miên, bom đạn ác liệt. Cảnh nhà cháy, người chết diễn ra như cơm bữa. Nhiều gia đình lần lượt bỏ làng đi lánh nạn. Nếu xa thì Đà Nẵng, Hội An; còn gần thì dọn lên Cấm Thị, Hà Tân để tránh bớt những rủi ro đang rình rập lên cuộc sống mỗi ngày. Mới chỉ học được mấy tháng mà lũ bạn lớp tôi mỗi ngày một thưa thớt dần. Thằng An, thằng Diên, con Hóa… theo gia đình làm kiếp lưu dân biệt xứ. Nhớ chiều hôm trước khi xuống ghe xuôi về phố lạ, ngồi phía sau lớp học, con Hóa lén dúi vào cặp vở tôi một gói nhỏ, nó bất chợt nắm lấy tay tôi thật chặt, cứ nhìn trân trân mà không nói gì, nước mắt lưng tròng rồi chạy ù ra cổng. Tôi phải chờ đến lúc thầy Nhự cho cả lớp ra chơi mới sè sẹ mở cặp ra xem, thấy trong đó có mấy cây kẹo ú và tờ giấy học trò ghi nguệch ngoạc dòng chữ to như con gà mái: “Hóa đi nghe, nhớ Nhiên nhiều lắm, mãi mãi!”. Ở cái tuổi mười một mười hai, cảm giác âm ấm của bàn tay bạn khác phái làm khuôn mặt tôi lúc ấy ngây ra trông thật buồn cười. Từ hôm đó, cái bóng tí hon và chiếc áo đầm màu tím cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong ngóc ngách ký ức, rưng rưng.
Một hôm, làng tôi bất chợt nhộn nhịp, đông đúc hẳn lên. Chiến sự lại xảy ra ác liệt hơn, bà con bên Lục Vĩnh, dưới Hà Dục lũ lượt kéo về lánh nạn. Những ngôi nhà vắng chủ lại có người. Ông nội tôi vui mừng biểu cha đón gia đình bà cô Bảy bên Lục Nam qua; chú Ba, cô Bọ ở Hà Dục đến. Họ làm tạm những chái tranh quanh khu vườn nhà tôi để tá túc, rồi đào những chiếc hầm kèo thật rộng phòng khi có súng nổ bom rơi thì làm nơi trú ẩn. Tôi lại có dịp làm quen với nhiều bạn mới. Thằng Đông, thằng Thành, con Lai, thằng Bảy và cả cô Nhẫn con bà cô nhưng cùng tuổi với tôi… Tất cả đều xin vào trường thầy giáo Nhự để khỏi bị thất học.
Học trò đông đúc, thầy tôi phải dạy cả ngày. Mỗi buổi thầy dạy đến năm nhóm, từ lớp Năm đến lớp Nhất. Ra bài cho nhóm này xong, tiếp tục giảng cho nhóm khác. Trông thầy tất bật vô cùng. Cực nhọc như vậy nhưng thầy vẫn vui vẻ không phàn nàn. Thầy nói: “Có bận rộn chút ít, nhưng các con chăm học, ngoan ngoãn đó là cách để trả ơn thầy!”. Lũ học trò im lặng lắng nghe và tự nhủ chẳng bao giờ quên lời thầy dạy. Thầy giáo bận rộn, bọn trẻ chúng tôi cũng bận rộn chẳng kém. Vẫn là những buổi tụ tập ở bãi làng để chăn trâu cắt cỏ, bày trận đánh nhau. Khi có thêm những đứa mới thì tổ chức “tỉ thí” để tranh ngôi thứ bắt chước người xưa như ông nội tôi kể trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”. Cái làng nhỏ ven sông của tuổi thơ tôi thuở ấy ngày ngày vẫn chìm đắm trong nỗi lo âu chiến cuộc và đời sống đói nghèo tất bật áo cơm của biết bao số phận. Người lớn thì cuốc bẫm cày sâu, rong ruổi với mùa màng chắc lép; ngược lại lũ trẻ thì cứ vô tư dưới mái trường làng và những trò đùa vui bãi đồng rơm rạ.
Ba bốn năm sau, lứa chúng tôi lớn lên phải chuyển đến trường huyện để học tiếp. Tuy vậy, trường làng cũng cứ đông đúc vì có những đứa trò mới như các em của tôi đến phiên vào học. Thầy Nhự vẫn ngày ngày bận bịu với lũ trẻ. Mùa xuân 1975, miền Nam được giải phóng. Tôi và các bạn lúc đó đã tuổi mười chín, hai mươi, ví mình như những cánh chim đủ bản lĩnh tung trời. Rồi đứa vào bộ đội, đứa thoát ly... Tôi theo ngành sư phạm và dạy học tận trên Hội Khách - Lộc Ninh. Cho đến những ngày đầu chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi và một số bạn bè lên đường ra trận. Biền biệt hơn năm năm và tôi may mắn là chiến binh còn lành lặn được trở lại quê nhà. Ngày về làng, thằng Lâm kể tôi mới biết, lúc chúng tôi ra đi được vài tháng thì thầy Nhự qua đời sau một cơn bệnh hiểm nghèo. Khoảng nửa năm sau, người trong làng ngạc nhiên khi thấy cây vải già rụng lá rồi từ từ chết khô. Những ngôi mộ ở khu Mả Đống được quy hoạch dời vào các nghĩa trang gia tộc ven núi Gò Hiu, gò Mũi Mác để nhường đất lại cho người dân các làng trong xã đến ở lập khu dân cư mới. Bờ xe nước người ta đã dỡ đi, thay vào đó là một chiếc máy bơm hiện đại. Đường sá trong làng cũng được sửa sang, bê tông hóa sạch sẽ và to rộng hẳn ra, cuộc sống người dân làng tôi đã vươn lên no ấm đẹp giàu.
Do điều kiện công việc, tôi phải sống xa làng… Mỗi lần có dịp về thăm quê, gặp lại những khuôn mặt thân quen ngày cũ, dù đã qua thời gian khá dài, tóc trên đầu đã không ít những sợi bạc, nhưng trong tâm thức chúng tôi lúc nào cũng dâng lên niềm thương cảm khôn cùng về ký ức của khoảng trời tuổi thơ, ngôi trường làng với biết bao nhiêu kỷ niệm của những tháng ngày không thể nào quên...
NGUYỄN HẢI TRIỀU