(QNO) - Hôm nay 13.3, Câu lạc bộ (CLB) Thơ - nhạc Sông Tranh (Hiệp Đức) tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập. Ngần ấy thời gian, CLB là sân chơi tinh thần của người yêu văn học - nghệ thuật, tạo cảm hứng cảm sáng tạo cho anh em văn nghệ sĩ. Và cũng từ hôm nay, CLB đánh dấu bước phát triển mới: đổi tên thành CLB Văn học - nghệ thuật Hiệp Đức.
Nhiều thành tích
Tên tuổi của nhiều thành viên CLB Thơ - nhạc Sông Tranh đã trở nên quen thuộc với độc giả, như Phạm Văn Lâm, Lê Tấn Hiền, Thái Bảo - Dương Đỳnh, Huỳnh Ngọc Sáu, Nguyễn Hường, Trần Văn Luận, Huỳnh Trương Phát, Nguyễn Tấn Ái… Tác phẩm của thành viên CLB được đăng, phát trên các báo, đài trong và ngoài tỉnh; một số tác phẩm đoạt giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia.
Từ năm 2005 đến nay, CLB xuất bản 6 tập thơ: Hiệp Đức tuổi hai mươi, Lời quê, Tình quê, Vẫy nắng lên xanh, Quê hương vẫy gọi, Miền yên ả, cùng hơn 10 đầu sách in riêng. Riêng năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, nhưng với niềm đam mê sáng tác, tập thể CLB cùng 2 tác giả Phạm Lâm, Hương Sen cho ra đời 3 tác phẩm. Phần lớn tác phẩm của thành viên CLB là những câu chuyện về đất và người Hiệp Đức, về xứ Quảng, chan chứa tình làng, tình người, tình quê.
Từ “chiếc nôi” của CLB, các nhà thơ Thái Bảo - Dương Đỳnh, Huỳnh Ngọc Sáu, Lê Tấn Hiền, Nguyễn Hường, nhà viết kịch Trịnh Ký Đức trở thành hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam; nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Luận trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP.Đà Nẵng.
Theo ông Phạm Văn Lâm - Chủ nhiệm CLB, những thành quả ấy, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp và các tổ chức, cá nhân, còn bắt nguồn từ niềm đam mê, nhiệt huyết và sự gắn kết trong lao động sáng tạo, sáng tác của thành viên CLB.
Tiền thân của CLB Thơ - nhạc Sông Tranh là CLB Thơ Sông Tranh. Ông Phạm Văn Lâm nhớ lại, lúc thành lập (ngày 19.5.2005) chỉ có 9 người, sau đó tăng dần, thu hút thêm nhiều nhạc sĩ tham gia và đến năm 2016 được đổi tên thành CLB Thơ - nhạc Sông Tranh. Đến nay CLB có hơn 30 thành viên tích cực.
“Thể theo nguyện vọng của nhiều anh chị em hoạt động trên các lĩnh vực âm nhạc, văn học, hội họa, nhiếp ảnh…, ngày 21.1 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao - truyền thanh huyện Hiệp Đức đã ban hành quyết định đổi tên CLB Thơ - nhạc Sông Tranh thành CLB Văn học - nghệ thuật Hiệp Đức. Điều này tiếp tục đánh dấu một bước phát triển mới của CLB, tạo sân chơi mới với đa dạng loại hình. Nhưng đây cũng là trọng trách nặng nề đối với các thành viên CLB cũng như đòi hỏi tính chuyên nghiệp ngày càng cao hơn” - ông Phạm Văn Lâm nói.
Sân chơi của niềm đam mê
Thầy giáo, nhà thơ Huỳnh Ngọc Sáu - Phó Chủ nhiệm CLB cho biết, ông là một trong những thành viên sáng lập và nhận thấy CLB là sân chơi bổ ích, tạo nhiều cảm hứng cho anh em. “Từ khi thành lập đến nay, cứ đến tối rằm hằng tháng, anh em CLB lại ngồi bên nhau cùng đọc thơ, đàm đạo, góp ý phê bình chân tình giúp nhau cùng tiến bộ, có trách nhiệm hơn trong sáng tác và kết nối những tâm hồn đồng cảm, yêu quê hương, mong muốn đóng góp xây dựng quê hương” - ông Huỳnh Ngọc Sáu nói.
Còn nhà giáo, nhà phê bình Nguyễn Tấn Ái - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) cho biết, anh tham gia các hoạt động của CLB từ những ngày đầu, nhưng chính thức là thành viên CLB từ một năm nay, lý do là anh nhận thấy CLB vừa thân thiện vừa có vóc dáng.
Ông Phạm Văn Lâm thông tin thêm, thành viên CLB đã và đang tham gia tích cực thực hiện Đề án 511 của UBND huyện Hiệp Đức về bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện, bắt đầu từ những chuyến đi thực tế ở địa phương như Khu di tích lịch sử Khu ủy Khu 5, làng Ông Tía, đường hầm Đông Trường Sơn, Hòn Kẽm Đá Dừng, hồ Việt An, khe Cái, suối Lung..., và có nhiều tác phẩm ra đời sau những chuyến đi ấy.
Ngoài những hoạt động thường xuyên trong phạm vi huyện, CLB còn tham gia nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật do tỉnh và các địa phương tổ chức cũng như mời nhiều văn nghệ sĩ từ các tỉnh thành khác về tham gia sinh hoạt, giao lưu cùng CLB. “Sau cuộc hội ngộ với nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh nhân kỷ niệm 15 năm thành lập CLB, nhiều tác phẩm mới về vùng quê này sẽ tiếp tục ra đời, góp phần tô thắm cho quê hương Hiệp Đức” - ông Lâm bày tỏ hy vọng.