Tượng Bhima của nhóm tháp Khương Mỹ

TRẦN KỲ PHƯƠNG - NGUYỄN TÚ ANH 10/10/2021 06:09

Tuy không phải là một học giả hàn lâm nhưng các ghi chép và khảo sát điền dã về An Nam, nay là miền Trung, vào cuối thế kỷ 19 của Camille Paris là những trang tư liệu quý giá cung cấp những hiểu biết bước đầu về các di tích lịch sử tại đây. Trong đó, đáng chú ý là mối liên kết giữa những tấm ảnh di tích Chàm vào cuối thế kỷ 19 của Camille Paris và pho tượng Bhima quý hiếm của nhóm tháp Khương Mỹ.

Tượng Bhima chụp bởi Camille Paris tại di tích Khương Mỹ. ảnh: EFEO
Tượng Bhima chụp bởi Camille Paris tại di tích Khương Mỹ. ảnh: EFEO

Tư liệu quý về tượng tròn Bhima

Camille Paris sinh năm 1856 tại thị trấn Lunéville ở miền đông bắc nước Pháp; qua đời vào tháng Giêng năm 1908 tại Phú Phong, nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; làm công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp tại Việt Nam. Sự nghiệp của Paris gắn liền với việc khảo sát và thiết kế đường dây điện thoại tại miền Trung vào những năm 1884 - 1889; ông cũng xây dựng một đồn điền cà phê ở Phong Lệ, nay thuộc Đà Nẵng.

Đỉnh cao sự nghiệp của Paris là khi ông phát hiện ra phế tích Mỹ Sơn vào năm 1889 và trở thành người đầu tiên công bố về di tích này. Những khảo tả chi tiết về di tích và di vật Chàm của Paris chính là cơ sở cho các nghiên cứu về văn hóa Chămpa của Trường Viễn đông Bác cổ từ đầu thế kỷ 20 trở về sau. Do đó, những ghi chép về các di tích Chàm tại hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam của ông được học giới đương thời đánh giá cao.

Tượng Bhima hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: T.K.P
Tượng Bhima hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: T.K.P

Ngoài những báo cáo khoa học, Paris còn để lại một bộ sưu tập ảnh quý giá, ghi lại các ngôi tháp gạch bị hư hại nặng nề và các di vật điêu khắc đá nằm rải rác tại miền Trung. Một trong những hình ảnh có giá trị lịch sử cao, đó là ảnh của một pho tượng tròn, cao 133cm, đã được Paris chụp tại di tích Khương Mỹ mà chúng tôi xác định là Bhima, một vị thần nổi tiếng của Ấn Độ giáo Chămpa.

Pho tượng tròn Bhima độc đáo của nền điêu khắc Chămpa được Paris ghi nhận lần đầu bằng hình ảnh vào năm 1891 tại nhóm tháp Khương Mỹ. Sau đó nó được khảo tả là thần Hộ pháp (Dvarapala) trong những tác phẩm kinh điển của Henri Parmentier về nghệ thuật Chàm; và ông nghi ngờ rằng, do người Việt làm giả đầu tượng cho nên nó đã bị vứt bỏ đi.

Nhưng nếu quan sát kỹ những hình ảnh được chụp bởi Paris, chúng ta có thể xác nhận rằng, đầu tượng tạc bằng sa thạch vẫn còn nguyên vẹn, nó chỉ bị người địa phương sơn vẽ lên mà thôi.

Khoảng năm 1892 - 1893, pho tượng được chuyển về “Le Jardin de Tourane” (Vườn hoa Tourane) tại Đà Nẵng vẫn còn đầu nguyên vẹn. Tuy nhiên, Parmentier ghi nhận rằng pho tượng không có đầu trong “Danh mục Bảo tàng Tourane” xuất bản năm 1919. Như vậy, có thể đầu tượng đã bị mất trước khi bảo tàng được xây dựng vào năm 1915.

Hiện nay, pho tượng không đầu này đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tượng bị mất đầu trưng bày trong tư thế đứng và đặt trên một bệ hình vuông, với chân trái co nhẹ về trước, chân phải trụ phía sau. Chi tiết dây rắn được thể hiện quanh thân hình vạm vỡ, từ vai trái vòng qua ngực xuống đến hông, quanh hai bả vai và cổ chân, trang sức dây rắn nhằm nhấn mạnh sức mạnh của thần. Phần thân dưới mặc xăm-pốt gần ngang gối với vạt trước to, buông dài xuống chân. Hai tay cầm một cái chùy nhỏ (gada) và xâu chuỗi hạt (rosary).

Chính nhờ bức ảnh quý của Paris, ta biết được đầu tượng có kích thước lớn, râu mép rậm, môi dày để lộ hàm răng to. Mắt lớn lồi hẳn ra cùng với hai sợi gân cổ to nổi rõ, lộ vẻ hung dữ nhưng uy nghi đặc trưng của vị thần này. Cần nhấn mạnh rằng, nhờ vào ngón tay cái có móng rất dài (pancanaka) tượng trưng cho sức mạnh siêu phàm riêng có ở nhân vật Bhima, một loại vũ khí để tiêu diệt kẻ thù, từ đó có thể nhận diện đây là hình ảnh của thần Bhima và là tượng Bhima duy nhất của điêu khắc Chămpa.

Tượng được thể hiện theo nghệ thuật diễn đạt chân dung của một ngẫu tượng thờ trong chánh điện của ngôi đền. Ngoại hình cường tráng biểu hiện sức mạnh nội tâm của Bhima. Nó có thể là pho tượng chính của một ngôi đền trong nhóm Khương Mỹ. Trong trường hợp này, Bhima được tôn thờ là đấng cứu rỗi cho nhân loại khi ngài cầm một cái chùy mang tính trang điểm hơn là một vũ khí chiến đấu; và đặc biệt là xâu hạt chuỗi (aksamala) tượng trưng sự tụng đọc thần chú mỗi khi cầu nguyện.

Mối liên hệ với nhóm tháp Khương Mỹ

Từ năm 1942, nhóm tháp Khương Mỹ được xác định niên đại vào khoảng đầu thế kỷ 10 thuộc “phong cách Mỹ Sơn A1”. Đó là kết luận của nhà lịch sử nghệ thuật Philippe Stern khi so sánh hoa văn trang trí của tường tháp Khương Mỹ với một loại hoa văn độc đáo gọi là “hoa văn xoắn xít” (vermiculate) của di tích Đồng Dương, được dựng năm 875.

Stern dẫn chứng rằng hoa văn trang trí của nhóm Khương Mỹ kế thừa và phát triển từ hoa văn độc đáo của “phong cách Đồng Dương”, trong bối cảnh tiếp nhận thêm ảnh hưởng của thể loại “hoa văn hoa lá cuốn” từ nghệ thuật Java. Sau đó, Jean Boisselier đã kế thừa nhận định của Stern và áp dụng vào phân loại các phong cách điêu khắc, trong đó có “phong cách Khương Mỹ”. Tuy nhiên, Parmentier lại nhận thấy ở tầm bao quát hơn rằng nhóm Khương Mỹ được dựng lên trên một công trình có niên đại sớm hơn vào thế kỷ 8 - 9.

Vào năm 2001 và 2007 đã có những cuộc khai quật khảo cổ học tiến hành tại nhóm tháp này. Qua đó, phát hiện được các bức trang trí chân tháp thể hiện hình tượng đoàn quân khỉ của Hanuman xây cầu đá qua đảo Lanka để cứu công chúa Sita, bị quỷ vương Ravana bắt cóc về cho hoàng tử Rama, là nội dung chính của anh hùng ca Ramayana.

Như vậy, khu đền tháp Khương Mỹ được xây dựng để tôn thờ các vị thần chính trong hai anh hùng ca nổi tiếng nhất của Ấn Độ giáo là Mahabharata và Ramayana. Trong những hiện vật phát hiện tại đây có một mẫu văn khắc niên đại thế kỷ 12 và một vài mẫu trang trí kiến trúc bằng đất nung tương tự của nhóm tháp G ở Mỹ Sơn, niên đại xây dựng năm 1157/1158. Do đó, những phát hiện mới tại nhóm tháp Khương Mỹ đưa đến một suy luận rằng nhóm tháp này được xây dựng và trùng tu từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 12.

 Trở lại với phong cách nghệ thuật trên hình tượng Bhima Khương Mỹ, thủ pháp tạo hình tương tự với pho tượng Siva tư thế ngồi đặt tại nhóm Mỹ Sơn D1. Cả hai đều có thân hình vạm vỡ, bụng to tròn; thân dưới mặc xăm-pốt có mép trang phục cuộn tròn và giữ cố định bằng thắt lưng, vạt trước to thon dần xuống chân, đó là kiểu y phục kế thừa từ loại xăm-pốt của các tượng thuộc phong cách Đồng Dương.

Tư thế đứng và chi tiết gân cổ nổi rõ mang những đặc điểm điêu khắc kế thừa từ các tượng thần hộ pháp của di tích Đồng Dương. Dựa vào đặc điểm điêu khắc cũng như bối cảnh kiến trúc của nhóm tháp Khương Mỹ nêu trên, có thể nhận định rằng tượng Bhima Khương Mỹ được tạo tác vào khoảng đầu thế kỷ 10.

Mối quan hệ về kiến trúc giữa nghệ thuật Chàm và nghệ thuật Java nêu ra trong công trình của Stern, được củng cố thêm bằng nội dung điêu khắc của những mảng trang trí quanh chân tháp Khương Mỹ. Giờ đây hình tượng Bhima làm giàu thêm nguồn tư liệu để tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa hai nền nghệ thuật này, bởi vì hình tượng Bhima rất phổ biến trong nghệ thuật ở miền đông Java từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15.

Không những thế, hình tượng Bhima còn được tìm thấy trong nghệ thuật Khmer tại các di tích nổi tiếng như đền Bantey Srei, xây dựng vào giữa thế kỷ 10 và tại di tích Vat Phu ở Nam Lào xây dựng vào thế kỷ 11. Mối quan hệ nghệ thuật rộng rãi và đặc điểm tín ngưỡng phong phú của nhóm tháp Khương Mỹ xác định rằng di tích này còn ẩn chứa nhiều kiến thức độc đáo cần tiếp tục giải mã để đào sâu những hiểu biết về nền văn hóa cổ Chămpa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tượng Bhima của nhóm tháp Khương Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO