Đất đã hồi sinh sau những cày xới tan hoang. Thương tổn - cũng đã lặn sau bao nhiêu trầm luân. Nhưng nỗi đau, nỗi ám ảnh ôm từng tro cốt của “khúc ruột” thì vẫn còn đâu đó, “đau lắm”… lòng Mẹ, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Gần 5 năm ngày Mẹ Thứ về với đàn cháu con nơi chín suối. Cũng từng ấy năm, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị - người con gái duy nhất cũng là con cả Mẹ Thứ dọn về ở với con gái, kế bên nhà Mẹ Thứ - nay đã là Nhà lưu niệm (ở xóm Rừng, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn). “Còn Mẹ, thì ngồi xoa nắn bàn tay, bàn chân, rồi tỉ tê bao nhiêu chuyện. Mẹ mất rồi, thì tôi về đây, ôm theo tấm ảnh của Mẹ”. Và cũng từ ngày ấy, mỗi ngày, mẹ Trị lại chống gậy lê từng bước sang thắp nén nhang cho mẹ đẻ và những cậu em trai. Cảnh này, ngày nào cũng y chang. Như một bức tranh lành và tĩnh, sau bao nhiêu ngày nước mắt rơi…
Ảnh: THÀNH CÔNG |
Quảng Nam - mảnh đất mà mỗi nhành cây như thể mọc lên từ mỗi viên đạn, lượt người hy sinh cho Tổ quốc đong đếm bằng cả số người còn lại sau hòa bình, tránh sao cho đặng những nước mắt rơi chung từ nỗi tang thương. Nhà văn Chu Lai, trong một lần viết về Mẹ Thứ, thốt lên những câu đầy xúc động nơi người nghe: “Tấm khăn xô trên mái tóc hoa râm của Mẹ trắng xóa tạc vào trời xanh như nỗi niềm khắc khoải đớn đau của Người Mẹ Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam khi đất nước có giặc. Nhưng Mẹ lặng thầm không khóc. Mẹ chỉ đau. Đau đến tan hoang lòng dạ. Một đứa con không trở về, Mẹ đã chết hàng ngàn lần. Nhiều đứa con không trở về, cái giá nào trả được cho nỗi đau của Mẹ đây. Mẹ không khóc vì nước mắt của Mẹ đã chảy vào trong. Mẹ không thể khóc vì đâu còn nước mắt để rơi, vì nước mắt Mẹ khô cạn mất rồi”.
Có những khúc đồng dao hát về nước và lửa, hát về đất và trời. Có những khúc dân ca hát về Mẹ như hát về những gì thẳm sâu nhất của số phận con người, số phận dân tộc, của núi sông, mưa nắng, giá lạnh, oi nồng. Khi Mẹ Thứ run rẩy nhận 9 tờ giấy báo tử từ trận mạc cho 9 khúc ruột, thì người con gái cả của mẹ, 2 lần khóc theo tin báo tử của con gái mình. Mẹ 11 lần đau. Con cũng từng ấy lần đau. Nỗi đau nương tựa nỗi đau. Mẹ Trị nói “tôi 5 lần ôm di cốt của em mình, con mình ra đồng bãi chôn, thì Mẹ hơn từng ấy lần. Mẹ đau lắm!”. Hình ảnh Mẹ nhòa vào cây cỏ, đất đai, ruộng đồng, lúa má. Con người Mẹ nhòa vào nỗi buồn vui, hy vọng và cả tuyệt vọng của những đứa con đi xa. Mẹ đã hóa linh hồn, đã thành ca dao, đã làm nên âm hưởng bản tráng ca bất tử của những năm tháng cam go. Những ngày còn sống, giấu nước mắt lặn sâu những nếp nhăn, Mẹ Thứ, vẫn sống lành hiền, lam lũ và giản dị như đất.
Không ai muốn sinh ra để được người đời dựng nên tượng đài. Nhưng lịch sử trận mạc của Việt Nam đã tự khắc ghi tên những người Mẹ trở thành bất tử. Bởi nỗi đau, sự hy sinh của các Mẹ đã dựng nên tượng đài trong lòng người dân và con cháu muôn đời.
Câu ca buồn đi ra từ chiến tranh “Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ…”. Còn Mẹ Thứ, 11 lần tiễn con cháu ra đi - không trở về. Cuộc đời của Mẹ trở thành biểu tượng cho sự hy sinh vô bờ bến của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà…
Hôm nay, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đứng lồng lộng giữa mây trời, giữa non sông và giữa lịch sử tráng ca hào hùng.
Hôm nay, con cháu về bên, dâng lên những Người Mẹ anh hùng nén tâm nhang lòng thành tri ơn.
Những Người Mẹ anh hùng - Tượng đài của lòng dân!
SONG ANH