Vận động viên môn Taekwondo Phạm Thị Thu Hiền trở thành “tượng đài” của thể thao xứ Quảng sau khi tiếp tục mang về tấm Huy chương Vàng danh giá tại đấu trường SEA Games 31. Đây là Huy chương Vàng SEA Games thứ 3 của cô gái người Tam Kỳ.
Niềm vui vỡ òa
Hai ngày sau khi giành chiến thắng nghẹt thở trong trận chung kết SEA Games 31, Phạm Thị Thu Hiền cho biết vẫn còn cảm giác lâng lâng vì hạnh phúc.
Không thể có được thành tích xuất sắc như đàn chị Phạm Thị Thu Hiền, song với việc giành được tấm Huy chương Đồng cũng là kết quả mơ ước đối với vận động viên Đỗ Xuân Hiếu (Vovinam).
Lần đầu tiên tham gia SEA Games, chàng trai sinh năm 2000 người Tam Kỳ này có phần bị tâm lý trong thi đấu. Ở hiệp 2 trận bán kết, Hiếu nắm rất nhiều lợi thế bằng việc dẫn trước 8 - 5 nhưng để đối thủ gỡ hòa trước khi thất bại đáng tiếc với tỷ số chung cuộc 10 - 11.
Đấu trường SEA Games không còn xa lạ, song hành trình bước lên ngôi cao nhất của kỳ SEA Games này có không ít khó khăn đối với nhà đương kim vô địch sinh năm 1995.
Vượt qua đối thủ người Campuchia là vận động viên nhập tịch rất mạnh, cô gái Việt Nam thi đấu hạng cân 62kg bước vào trận chung kết gặp đối thủ người Thái Lan.
“Trận đấu chung kết chỉ còn 20 giây và vẫn bị đối phương dẫn trước 4 điểm. Tuy nhiên, rất may mắn gỡ hòa ở những giây cuối và giành chiến thắng trong hiệp phụ. Khi đó, niềm vui vỡ òa…” - Hiền nhớ lại khoảnh khắc đăng quang.
Có thể hiểu được cảm giác hạnh phúc của cô gái xứ Quảng. Đã từng 2 lần giành chiến thắng trong trận chung kết SEA Games, song lần này thật ý nghĩa khi lần đầu tiên đăng quang ngay tại Việt Nam trước sự cổ vũ nồng nhiệt của người hâm mộ nước nhà.
Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - thi đấu Quảng Nam, ông Lê Phú Lai, người trực tiếp có mặt tại nhà đấu cho biết trận chung kết diễn ra cực kỳ căng thẳng và hồi hộp.
Phạm Thị Thu Hiền để đối phương dẫn trước với khoảng cách khá xa, có lúc lên tới 10 điểm. Tuy nhiên, với bản lĩnh, kinh nghiệm cùng tài năng của mình, cô gái người Quảng Nam đã vượt qua khó khăn, đánh bại đối thủ ở hiệp phụ và giành chiến thắng xứng đáng.
Với việc giành Huy chương Vàng SEA Games 31, Phạm Thị Thu Hiền đi vào lịch sử thể thao xứ Quảng khi tham gia tranh tài tại 5 kỳ SEA Games liên tiếp kể từ năm 2013 và mang về thành tích đáng nể: 3 Huy chương Vàng (2013, 2019, 2022), 2 Huy chương Bạc (2015, 2017).
“Phần thưởng trước hết xin dành cho con”
Từ một cô gái 18 tuổi lần đầu tiên bước ra đấu trường SEA Games cách đây gần 10 năm, đến nay Phạm Thị Thu Hiền đã là “mẹ một con” và trở thành “khách quen” của đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á này.
Để có được bộ sưu tập thành tích đáng nể, đặc biệt là tấm Huy chương Vàng SEA Games năm nay, cô gái người Tam Kỳ đã phải vượt qua nhiều thách thức. Nghỉ thi đấu gần 2 năm để thực hiện thiên chức làm mẹ, song niềm đam mê và quyết tâm góp mặt tại SEA Games đã thôi thúc Thu Hiền quay trở lại khá sớm.
Để tập luyện, em bé vừa tròn một tuổi đã được cai sữa và gửi cho bà ngoại nuôi để Hiền lên tập trung đội tuyển quốc gia. Rồi những chuyến tập huấn nước ngoài chuẩn bị SEA Games khiến cho nỗi nhớ xa con như dày thêm.
“Kế hoạch SEA Games này gia đình ra Hà Nội cổ vũ nhưng cuối cùng bé con bị trục trặc về sức khỏe nên không thể thực hiện được. Đến nay, đã 4 tháng chưa gặp mặt con, nhớ lắm!” - Hiền chia sẻ.
Vận động viên nữ có con nhỏ phải hy sinh rất nhiều thứ để tập luyện và thi đấu đỉnh cao, nhất là nỗi lo về thể lực, phong độ sau khi trở lại. Vừa giành Huy chương Vàng giải Taekwondo Đông Nam Á trước đó chưa đầy 2 tháng nhưng theo Thu Hiền, sau khi có em bé, bản thân lo lắng về thể lực liệu có được như xưa. Vậy nên, tấm Huy chương Vàng giành được không uổng công tập luyện và bù đắp nỗi nhớ trong những ngày xa con nhỏ.
“Có lẽ phần thưởng này trước hết xin dành tặng cho đứa con 19 tháng tuổi, sau đó là người thân, gia đình, các thầy trong ban huấn luyện đội tuyển và ngành TD-TT Quảng Nam” - Thu Hiền nói.
Một kỳ SEA Games dạt dào cảm xúc và đáng nhớ đã khép lại không thể toàn mỹ hơn đối với Phạm Thị Thu Hiền. Thành tích này một lần nữa đã góp phần tôn vinh tài năng và hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “cô gái vàng” hay “tượng đài” của thể thao xứ Quảng.