(QNO) - Thấm thoát đã tròn 10 năm kỷ niệm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp “về với đất mẹ” (4/10/2013 - 4/10/2023). Cán bộ và đồng bào xứ Quảng luôn khắc ghi, thể hiện tình cảm ngưỡng mộ, tiếc thương chân thành và sâu sắc nhất trong tim mỗi người đối với vị Đại tướng đáng kính.
Tiếp thêm năng lượng…
Cuối năm 2022, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của tỉnh đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh phía bắc. Đoàn có hơn 70 thành viên, hầu như đầy đủ thành phần các dân tộc anh em ở các vùng miền xứ Quảng. Trong lịch trình, nhiều thành viên mong muốn được đến viếng hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình. Sắp tới thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), phụ trách đoàn kết nối với đơn vị chức trách đăng ký, đưa đoàn vào viếng thì cả đoàn hụt hẫng khi nhận được phản hồi, khu mộ Đại tướng tạm thời dừng đón khách khiến mọi người đều tiếc nuối.
Sáng sớm hôm sau, cả đoàn xúc động khi nhận được tin, vì là đoàn của tỉnh Quảng Nam xa xôi, sâu nặng nghĩa tình nên được “đặt cách” sắp xếp vào viếng.
Tất cả thành viên đoàn đều trong trang phục chỉnh tề, tập hợp đúng giờ, tuân theo chỉ dẫn của cán bộ quản lý ở khu mộ Đại tướng tại Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Trạch, Quảng Bình) vào viếng.
Thành kính đứng trước phần mộ Đại tướng, ông Đỗ Hoài Xoan, người Bh'noong - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thổ lộ, đây là lần đầu tiên được viếng Đại tướng. Ông muốn nán lại thật lâu, nhiều nhất có thể để tri ân những cống hiến của Đại tướng đối với Tổ quốc.
Cùng chung cảm xúc, các ông Nguyễn Thế Phước (người Ca Dong) - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My; ARất Blúi (người Cơ Tu) - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang; Lê Thế Thọ (người Co) - Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn… đều kính cẩn trong phút mặc niệm sâu lắng tưởng nhớ Đại tướng…
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng đoàn công tác chia sẻ, lần nào có dịp đến Quảng Bình hay đi ngang qua đây, dù lo việc công hay việc riêng, ông đều dành thời gian đến viếng mộ Đại tướng. Đây là lần thứ 3 ông Hải đến viếng. “Nếu đến Quảng Bình mà không được viếng mộ Đại tướng thì cảm giác ray rứt. Khi viếng xong thì tinh thần nhẹ nhõm, phấn chấn… và cứ như mình được tiếp thêm năng lượng trong công việc và cuộc sống” - ông Hải chia sẻ.
Thờ cúng Đại tướng tại tư gia
Cựu chiến binh Võ Như Thông ở tại tổ Đồng Trường, thị trấn Trà My (Bắc Trà My), từng phụ trách tuyên huấn trong quân đội ở Quân khu 5 thì thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn kính đối với Đại tướng khá đặc biệt. Đầu tháng 10/2013, nhận tin buồn Đại tướng về cõi vĩnh hằng và thông cáo Quốc tang, ông Thông liền treo cờ rủ tại tư gia, đồng thời dành riêng một gian nhà lập bàn thờ để gia đình cùng hàng xóm đến viếng, tưởng niệm Đại tướng.
Trong không gian thờ, ông Thông còn trang trí hai câu đối bất hủ của nhà giáo Hồ Cơ về Đại tướng “Văn lo vận nước văn thành võ/ Võ thấu lòng dân, võ hóa văn” làm cho người đến viếng thêm xúc động, ngưỡng mộ tài năng, đức độ và công lao to lớn của Đại tướng đối với Tổ quốc.
Gian nhà thờ Đại tướng luôn được ông Thông duy trì hương khói như thờ cúng ông bà tổ tiên của mình. Cứ đến dịp lễ, tết, ngày sinh, ngày mất của Đại tướng, ông đều chỉnh trang gian nhà, bàn thờ, sắm lễ vật dâng viếng, tưởng niệm Đại tướng. Hiện ông Thông đã gần 90 tuổi, những việc làm ý nghĩa, thành kính của ông đối với Đại tướng đã cảm hóa và trở thành nền nếp gia phong, trách nhiệm chung, được vợ cùng con cháu tự giác thực hiện.
Bí thư Huyện đoàn Bắc Trà My - Võ Thị Hồng Hà cho biết, từ khi Đại tướng qua đời, nhiều người ở Trà My biết và tìm đến viếng Đại tướng tại gian nhà thờ của gia đình ông Thông. Trước đó, tại đây đã được ông Thông tự nguyện xây dựng thành khu tưởng niệm Bác Hồ, cùng nhiều gian nhà thờ các vị tiền nhân, tướng tài có công lớn với đất nước như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…
Ông Thông còn sưu tầm, trưng bày phục vụ người đọc với nhiều ấn phẩm báo chí, sử liệu, tranh ảnh bổ ích. Đây còn là nơi cán bộ, nhân dân khắp nơi, nhất là lớp trẻ đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng.