(VHQN) - Dù rất nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trong nhiều năm qua, nhưng tuồng cung đình Huế hiện vẫn trong cảnh “bên đời hiu quạnh” như một câu hát của Trịnh Công Sơn.
Quốc kịch dưới triều Nguyễn
Theo ông Trương Trọng Bình - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - ứng dụng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), tuồng cung đình Huế là hiện tượng phát tích rực rỡ trong truyền thống kịch hát dân tộc.
Sự phát triển của nghệ thuật tuồng dưới triều đại nhà Nguyễn, mà giai đoạn cực thịnh là thời Tự Đức – Thành Thái, đã nâng nghệ thuật tuồng vốn mang tính dân gian trước đó lên thành bộ môn nghệ thuật hoàn thiện, mang tính bác học cả về mặt kịch bản cũng như về nghệ thuật biểu diễn và đã tạo dựng phong cách riêng, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Dưới thời Nguyễn, tuồng là quốc kịch với việc nở rộ, phát triển mạnh mẽ trong hoàng cung cũng như ngoài dân gian và được các tầng lớp trong xã hội, từ vua, quan đến dân chúng ưa chuộng.
Đặc biệt dưới triều Minh Mạng, vua đã cho xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường chủ yếu để diễn các vở tuồng phục vụ vua, quan và hoàng thân quốc thích. Đến thời Tự Đức, vua tiếp tục cho xây dựng nhà hát Minh Khiêm Đường, quy tụ các đào, kép giỏi về đây để tập luyện, biểu diễn tuồng...
Nội dung của các vở tuồng trong thời kỳ này luôn gắn với chủ đề quân quốc, đề cao tinh thần trung quân ái quốc. Bối cảnh xã hội được nêu ra trong tuồng cung đình đều xoay quanh chuyện bảo vệ vua, khôi phục cương vị xã hội, xây dựng nền tảng đạo lý vững chắc bằng tam cương ngũ thường, trung nghĩa tròn vẹn.
Những vở tuồng diễn tiến trong cuộc xung đột một mất một còn giữa chính - tà, trung - nịnh, giữa người cùng máu mủ ruột thịt, nhưng bị chia cắt bởi lý tưởng nên xử sự với nhau như thù cừu…
Theo nghệ nhân – đạo diễn La Hùng (con trai cố nghệ nhân La Cháu – nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn), người từ 8 tuổi đã được đưa vào lớp đồng ấu trong Đại nội để học tuồng và múa hát cung đình: tuồng cung đình Huế có hàng trăm vở, trong đó có các vở mang tính tiêu biểu, độc đáo, sâu sắc về nội dung tư tưởng như: Sơn Hậu, Dương Chấn Tử, Tam nữ đồ vương, Hồ Thạch Phủ, Lý Phụng Đình, Giác Oan, Đào Phi Phụng, Phụng Kinh Văn, Ngọn lửa Hồng Sơn...
“Tuồng Huế là loại hình nghệ thuật mẫu mực, có quy phạm và thể chế chặt chẽ, từ các điệu hát, âm nhạc, trống chầu cho đến trình độ diễn xuất của các nghệ sĩ. Khi trình diễn cho vua xem thì có những luật cấm kỵ, như: kỵ húy, cung cách chào, chúc tụng nhà vua trước và sau vở diễn.
Khi biểu diễn, không được nhìn thẳng vào mặt vua. Nhân vật vua (nếu có) khi ngồi trên sân khấu, phải ngồi chệch, không được ngồi đối diện với vua. Không được thêm bớt hoặc hát sai lời trong kịch bản…” - ông La Hùng cho biết.
Như vĩ thanh buồn
Theo ông Trương Trọng Bình, việc nghiên cứu ứng dụng, bảo tồn nghệ thuật tuồng cung đình Huế đang là công việc cấp thiết. “Trong những năm qua, chúng tôi đã điền dã, sưu tầm, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học về mặt nạ tuồng cung đình, vũ đạo tuồng cung đình. Đồng thời thực hiện xong việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho nghệ thuật tuồng Huế. Đây chính là cơ sở để khôi phục những giá trị di sản của nghệ thuật tuồng cung đình nhằm đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội – Huế) để quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước về loại hình nghệ thuật đã từng một thời tồn tại trong chốn cung đình dưới triều Nguyễn” - ông Phan Trọng Bình cho biết.
Những giá trị văn hóa sân khấu đặc sắc của tuồng Huế cũng đang được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Duyệt Thị Đường nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước với mỗi ngày 2 suất diễn.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản “không nơi nào có được” khi có phòng nghiên cứu chuyên công tác nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật; có đội ngũ nghệ sĩ yêu tuồng, biết diễn tuồng; có sân khấu nguyên thủy để diễn xướng và giới thiệu loại hình nghệ thuật này đến với khán giả... thì tuồng Huế vẫn đối diện rất nhiều khó khăn. Việc chiêu sinh và đào tạo nghệ sĩ kế cận vì giới trẻ bây giờ không còn mặn mà với các giá trị truyền thống nữa. Không như các loại hình nghệ thuật khác, để có một vai diễn tuồng thuần thục, diễn viên phải tập luyện hàng tháng trời nhưng không phải ai cũng có thể biểu diễn được. Thực trạng là nghệ sĩ diễn tuồng rất vất vả nhưng chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Tuồng cung đình Huế cũng đối diện vấn đề chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống là không có khán giả. Ngày xưa muốn xem tuồng thì khán giả phải biết trước nội dung của vở diễn, họ đến xem là xem cách biểu diễn của nghệ sĩ chứ không phải xem nội dung. Còn bây giờ, khán giả không những nội dung không biết mà ở sân khấu trực quan, ca từ của tuồng đa số được thể hiện bằng chữ Hán – Nôm nên như một sự đánh đố khán giả.
Vậy nên, tuồng Huế vẫn trong cảnh “bên đời hiu quạnh” và lâu lâu lại có dịp để “ngàn xưa âm vọng” như lần hiếm hoi mặt nạ tuồng từ nhà hát Duyệt Thị Đường được “xuất cung” ra dạo phố một lát rồi “hồi cung” như ở Festival Huế vừa rồi.