(QNO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) có đe dọa đến ngành sáng tạo hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau sự kiện một bức tranh được vẽ bởi AI đạt giải thưởng vẽ tranh ở Mỹ.
Trên thực tế AI đã lãnh phần công việc liên quan đến sáng tạo trong vài năm trở lại đây, và dường như nó đang làm tốt phần công việc của mình.
AI đang phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây
Sự kiện Deep Blue đánh bại kiện tướng cờ vua Kasparov vào năm 1996 được xem là sự kiện đầu tiên đánh dấu việc AI bắt đầu thể hiện sự vượt trội so với con người. Trong khoảng hơn 15 năm tiếp theo, ngành AI có những bước tiến tương đối nhỏ.
Mãi đến đến năm 2011, sự phổ biến của mạng lưới nơron (neural network) mà tiêu biểu là nền tảng Google Brain đã đánh dấu mốc tiếp theo trên chặng đường phát triển của ngành AI. Trong những năm sau đó, AI phát triển giới hạn trong một nhóm nhỏ các nhà khoa học, chủ yếu đến từ các công ty công nghệ lớn.
Giai đoạn 2015-2018 đánh dấu sự phổ biến trên diện rộng của các sản phẩm AI, với sự xuất hiện của những công cụ lập trình giúp các nhà lập trình có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ AI.
Sự phát triển của AI trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay chủ yếu đến từ sự lớn mạnh của cộng đồng, thông qua việc sử dụng mã nguồn mở cùng với những thuật toán được cải tiến, đã cho phép các nhà lập trình tự do sáng tạo và thử nghiệm nhiều sản phẩm AI mới.
Kể từ giai đoạn này, AI ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống của con người, từ những trải nghiệm nhỏ như tính năng chỉ đường trên các ứng dụng bản đồ, cho đến các ứng dụng nhận diện khuôn mặt, giọng nói và gần đây là các ứng dụng vẽ tranh, trò chuyện hay lập trình.
Đến thời điểm hiện tại, các ứng dụng AI đang giúp con người cải thiện năng suất lao động. Ví dụ với công việc tổng đài, nhiều cuộc gọi điện chăm sóc khách hàng đang được thực hiện bởi AI, với phần trao đổi giới thiệu sản phẩm do AI sử dụng chính giọng nói của tổng đài viên. Khi khách hàng có nhu cầu với sản phẩm, công việc tư vấn sẽ được chuyển tiếp ngay đến tổng đài viên, và quá trình tư vấn tiếp tục diễn ra tự nhiên. Quy trình này giúp cho tổng đài viên giảm bớt công việc lặp lại về giới thiệu sản phẩm.
Khảo sát từ McKinsey cho thấy AI đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong hoạt động của các doanh nghiệp và đang giúp con người tăng năng suất ở nhiều công đoạn, từ phát triển sản phẩm, vận hành nhà máy cho đến hoạt động bán hàng và chăm sóc khách hàng.
Tương lai AI và ngành sáng tạo
Việc ứng dụng AI, khác với sự lo ngại của nhiều người, hóa ra lại giúp con người có thể nâng cao năng suất lao động, ngay cả trong ngành sáng tạo.
Lấy ví dụ ngành thiết kế với công cụ Midjourney. Trong quá trình làm việc, thực tế người thiết kế gặp khá nhiều rắc rối khi cố gắng cụ thể hóa các ý tưởng của khách hàng. Với một vài mô tả mơ hồ từ khách, người thiết kế sẽ phải dành hàng giờ đồng hồ để phác thảo một vài phương án, với nguy cơ rất cao khách hàng vẫn sẽ từ chối với lý do “không giống như ý tưởng ban đầu” của khách hàng.
Tuy nhiên Midjourney có thể giải quyết được vấn đề này chỉ trong vài phút. Chỉ với một vài mô tả, Midjourney có thể giúp khách hàng hình dung được kết quả cuối cùng có thể sẽ như thế nào, giúp cho khách hàng lựa chọn được sản phẩm mà mình cần. Công việc của nhà thiết kế, khi đó vẫn sẽ là công việc sáng tạo, nhưng với kết quả đầu ra tương đối rõ ràng và đúng với nhu cầu của khách hàng.
Cho đến thời điểm hiện tại, AI chỉ mới được ứng dụng vào một số lĩnh vực như nhận diện giọng nói, khuôn mặt, chữ viết; các hệ thống nhắn tin tự động; các phần mềm sáng tạo văn bản và hình ảnh; lĩnh vực tự động hóa và robot.
Tuy nhiên tiềm năng ứng dụng của AI vẫn còn rất lớn trong tương lai, khi các ứng dụng AI riêng lẻ dần được kết hợp và tạo nên những ứng dụng AI đa dạng hơn. Sự tham gia của AI vào ngành sáng tạo trong tương lai không phải là sự thay thế, mà sẽ là sự hợp tác và cộng hưởng.